Thứ bảy, 21/12/2024 21:29 (GMT+7)
Chủ nhật, 27/02/2022 17:00 (GMT+7)

Hiến kế để TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế

Theo dõi KTMT trên

Nhiều chuyên gia đánh giá, TP.HCM hội tụ đầy đủ yếu tố trở thành Trung tâm tài chính quốc tế, cần phải có cú hích chính sách với các dịch vụ phụ trợ và tiện ích để thúc đẩy điều này sớm trở thành hiện thực.

TP.HCM có thể xây dựng trungtâm tài chínhvề logistics?

Tại Hội thảo Đề án phát triển TP.HCM thành Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế với sự tham gia của hơn 200 chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp và bộ ngành liên quan được UBND TP.HCM tổ chức ngày 25/2, tất cả các ý kiến đều nhìn nhận: TP.HCM là thành phố duy nhất ở Việt Nam được đánh giá xếp hạng so với các trung tâm tài chính quốc tế. Nhưng để phát triển thành phố thành trung tâm tài chính quốc tế vẫn cần có đánh giá tác động cụ thể với tầm nhìn toàn cầu.

TS Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Đại học Fulbright cho biết, bảng xếp hạng Chỉ số Trung tâm Tài chính toàn cầu (GFCI) đánh giá TP.HCM là một trung tâm tài chính toàn cầu, nhưng xếp hạng không nói là trung tâm tài chính quốc gia hay quốc tế, mà là trung tâm tài chính toàn cầu thứ cấp. Tính chất thứ cấp này nằm ở năng lực cạnh tranh.

Để đánh giá năng lực cạnh tranh của thành phố, đề án "Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế" đã so sánh với 14 trung tâm khác trong khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Nam Á. Xét trên yếu tố địa kinh tế, thị trường tài chính trong khối ASEAN có thể phân thành 3 nhóm: Yếu; trung bình; mạnh. Trong đó, Singapore là quốc gia duy nhất ở nhóm mạnh.

Theo điểm đánh giá, năng lực cạnh tranh của TP.HCM ngang bằng các thành phố lớn trong khu vực như Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia) và không thua Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia) nhiều.

Hiến kế để TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế - Ảnh 1
Hội thảo Đề án phát triển TP.HCM thành Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế với sự tham gia của hơn 200 chuyên gia đầu ngành.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, trên thực tế, mặc dù chưa được xếp hạng trong Chỉ số TTTC toàn cầu GFCI 30 (tháng 9/2021), nhưng TP.HCM đang dẫn đầu danh sách 10 TTTC tiềm năng được xem xét để đưa vào danh sách xếp hạng chỉ số GFCI chính thức, với 148/150 hạng mục đã hoàn thành đánh giá.

Bên cạnh đó, TP.HCM có lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện chính trị, xã hội ổn định, và sự năng động kinh tế, TP.HCM đã và đang là một đầu tàu chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam. Với tiềm năng và sự phát triển mạnh mẽ của TP.HCM sẽ củng cố động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần vào sự phát triển chung của Việt Nam cả trên phương diện nội tại lẫn trên trường quốc tế.

Trong Hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, góp ý TTTC thế hệ mới có 2 yếu tố đẩy và kéo để tạo ra sự khác biệt. Yếu tố địa chính trị thay đổi kéo chúng ta cần TTTC. Ví dụ dòng vốn tiết kiệm ở Nhật Bản lên hàng ngàn tỉ USD nhưng TTTC Tokyo chưa phải là TTTC quốc tế nên họ vẫn muốn chuyển dòng vốn tiết kiệm ra ngoài. Hay ngoài TTTC Seoul, Hàn Quốc vẫn muốn xây dựng TTTC ở Busan chuyên về lĩnh vực hàng hải mà chưa nơi nào có. Vậy TP.HCM có thể xây dựng TTTC về logistics được không? Đó là tạo ra sự khác biệt.

Để làm được điều này, ông Thơ cho rằng, cần phải có nhà nước đẩy, chính quyền TP.HCM thúc bằng tất cả nguồn lực để phát triển TTTC vì không phải từ thương mại đi lên như Singapore, Hồng Kông trước đây.

Ông Thơ nhấn mạnh: “Chúng ta không thể tiếp cận theo hướng chờ Chính phủ, trung ương vì đã chờ đợi 20 năm rồi. Mới đây Trung Quốc đã cho thành lập TTTC Thiên Tân với tên gọi Khu trình diễn tài chính và Khu khởi đầu đổi mới với cơ chế đặc thù. Vì vậy TP.HCM cứ làm nhưng cần bổ sung thêm đề án một số nội dung như TTTC sẽ tạo ra thêm bao nhiêu việc làm, góp thêm bao nhiêu GDP, cơ cấu tín dụng ngân hàng sẽ thay đổi như thế nào…”.

3 cấu phần hình thành lên TTTC quốc tế

Ý tưởng về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam tại TP.HCM đã có từ cách đây gần 20 năm. Mới đây, trên cơ sở đề nghị của UBND TP.HCM và Bộ KH&ĐT, Thủ tướng đã đồng ý cho UBND TP.HCM nghiên cứu, lập đề án xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại thành phố. 

Theo đề án, mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM gồm 3 cấu phần. Thứ nhất, là thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng với mục tiêu hội tụ và phát triển các dịch vụ, thị trường và tổ chức tín dụng truyền thống; Hình thành các tập đoàn tài chính…

Thứ hai, là thị trường vốn, bao gồm phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp; Dịch vụ quản lý quỹ đầu tư và quản lý tài sản phục vụ nhà đầu tư nội địa và quốc tế...

Thứ ba, là thị trường hàng hóa phái sinh, gồm việc hình thành và phát triển Sở Giao dịch hàng hóa TP.HCM; Gắn với thị trường nông sản ở ĐBSCL và Tây Nguyên; Kết nối với các sở giao dịch hàng hóa và nhà đầu tư toàn cầu.

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, ông đồng tình về 3 trụ cột chính của trung tâm tài chính theo phác thảo trên, bởi đây là những trụ cột để một trung tâm tài chính có thể phát triển và định hình. 

Tuy nhiên chuyên gia này cũng lưu ý cần làm rõ đề xuất chính sách với các dịch vụ phụ trợ và tiện ích. TP.HCM cần xác định phát triển trung tâm tài chính là ưu tiên "chọn" tài chính và các dịch vụ hỗ trợ, chứ không thể để các dịch vụ hỗ trợ "chọn" ra trung tâm tài chính. 

Hiến kế để TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế - Ảnh 2
TP.HCM  hội  tụ  đầy  đủ  các  yếu  tố  trở  thành  TTTC  quốc  tế, chỉ  chờ  cú  hích  chính  sách.

"Hãy để TTTC quốc tế hình thành rồi mới tính đến các dịch vụ vui chơi, giải trí khác. TP.HCM cần xác định từ đây đến năm 2025 có kịch bản hành động cụ thể như chuẩn mực hóa các dịch vụ tài chính để có sự cạnh tranh với các nước, tăng tính giám sát", ông Nghĩa nêu ý kiến.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, lưu ý thành phố đang trên tinh thần phát triển một trung tâm tài chính quốc tế chứ không phải xây mới. "Khát vọng của chúng ta là đi từ trung tâm tài chính quốc gia đến khu vực và quốc tế. Chúng ta xây theo lộ trình, có những chính sách thúc đẩy dần và phân kỳ. Năm 2030, sẽ hình thành trung tâm tài chính mang tầm khu vực và sau năm 2030, sẽ vươn tầm quốc tế. Tôi đồng tình với hướng phát triển chắc chắn nhưng phải có đột phá" - TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Phát triển các công ty công nghệ số, công nghệ tài chính (Fintech)

Để hiện thực hóa khát vọng này, TS Trần Du Lịch lưu ý thu hút "sếu đầu đàn" vào để tập trung phát triển, đặc biệt là tập trung đưa vốn vào Fintech. 

Fintech đang định hình lại sự phát triển và tương lai của ngành dịch vụ tài chính. Các công ty Fintech Việt Nam hoạt động rất đa dạng, có mặt ở hầu hết tất cả các mảng của Fintech, kể cả các mảng đòi hỏi trình độ cao hoặc phức tạp như chuỗi khối, so sánh, chấm điểm tín dụng, ngân hàng số, tập trung nhiều nhất vẫn là ở mảng thanh toán với hơn 20% doanh nghiệp.

TP.HCM có gần 200 doanh nghiệp Fintech nhưng chủ yếu là các đơn vị trung gian thanh toán, công nghệ, liệu sắp tới những đơn vị đó có thể trở thành những tổ chức tài chính số hay không. Tương tự, hiện nay Việt Nam có nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán nhưng để phát triển TTTC cần phải có các tập đoàn tài chính kinh doanh đa ngành mà không chỉ là huy động vốn, môi giới hay tự doanh. Ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam cũng mới chỉ được cấp phép dịch vụ truyền thống.

Vì vậy cần chuẩn bị kỹ đề án để trình trung ương và triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030 với một số chính sách đột phá để TTTC TP.HCM vươn lên, có khả năng ngang bằng Thái Lan và trở thành một TTTC mạnh trong khu vực ASEAN. Chẳng hạn Ngân hàng Nhà nước có thể xây dựng khung pháp lý cho ngân hàng số và cấp phép hoạt động thí điểm. Hay có nhiều dạng Fintech không biết phân vào đâu là công nghệ, tài chính hay ngân hàng thì có thể giao quyền cho TTTC được quyền cấp phép trên cơ chế Sandbox (khung pháp lý thí điểm).

Ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, góp ý nên sửa lại đề án là xây dựng TTTC quốc gia có “hộ khẩu” tại TP.HCM, là nơi chứa đựng những quy phạm pháp luật mới về tài chính, nhất là phải sửa luật tài chính hiện hành. Vì chỉ thay đổi mới có thể mở được hàng hóa tài chính, dịch vụ tài chính. 10 năm trước, khi còn làm Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối – Ngân hàng nhà nước, ông Phước đã đề xuất đưa ra quy định lần đầu tiên cho phép cá nhân được thực hiện các giao dịch ngoại tệ kỳ hạn và giao dịch quyền lựa chọn tiền tệ với các ngân hàng. Thế nhưng hiện nay lại không còn nữa.

“Rủi ro khi xây dựng TTTC này vẫn là thể chế tài chính. Để đề án có hiệu quả thì phải có người có trách nhiệm cùng TP.HCM đột phá vào thể chế này. Vấn đề là ai sẽ thay đổi các quy định để chấp nhận điều đó?”, ông Phước nói.

Văn Thành

Bạn đang đọc bài viết Hiến kế để TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới