“Hãy tiết kiệm năng lượng từ những hành động nhỏ nhất”
Đó là lời khẳng định của Tiến sỹ Trần Khắc Tâm về Chương trình Giờ Trái đất năm 2023 sẽ diễn ra vào ngày 25/3 tới đây. Ông Tâm cho rằng, việc tiết kiệm năng lượng chính là góp phần vào bảo vệ Mẹ Trái Đất.
Sự kiện Giờ Trái đất năm 2023 sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30 ngày 25/3/2023. Đây cũng là thông điệp của Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 thực hiện Chỉ thị 20 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Sau rất nhiều năm hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất, Việt Nam luôn được các nước trên thế giới đánh giá cao về các hoạt động thiết thực.
Về vấn đề này, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trắng. Được biết, Tiến sỹ Kinh tế Trần Khắc Tâm còn giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.
-Chào Tiến sỹ Trần Khắc Tâm, xin ông hãy chia sẻ quan điểm của mình về việc sử dụng năng lượng của Việt Nam trong những năm qua?
-Tiến sỹ Trần Khắc Tâm: Trong những năm qua, Việt Nam được xem là một trong những nền kinh tế phát triển năng động, với nhịp độ phát triển khá cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á và cả trên quy mô toàn cầu. Và chúng ta cũng không thể phủ nhận được vai trò của ngành năng lượng đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Việc sử dụng năng lượng của nước ta nhiều năm qua bắt đầu thực hiện theo chiều hướng phát triển bền vững. Có nghĩa là, chúng ta dần loại bỏ nhiệt điện than, thay vào đó là những nhà máy điện gió, điện mặt trời. Chúng ta tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo để hướng đến nền kinh tế xanh vừa góp phần bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy, rất nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời có công suất lớn đã, đang được xây dựng nên với sự tham gia của các tập đoàn lớn trong nước và nhiều doanh nghiệp quốc tế có năng lực. Tại Sóc Trăng, quê hương tôi, một số dự án điện gió cũng đang được xây dựng.
Năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tạo nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả. Và khi Luật này thông qua đã giúp chúng ta đạt được những điểm nhấn ấn tượng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn nữa.
-Trong mắt cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn được xem là nước có trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Theo Tiến sỹ, vì sao chúng ta luôn nhận được những đánh giá tích cực như vậy?
-Tiến sỹ Trần Khắc Tâm: Để nhận được những đánh giá tích cực từ cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam đó là sự nỗ lực trong thời gian dài. Từ các chính sách của chúng ta hướng đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cho đến những hành động thiết thực nhất như trồng rừng, trồng cây xanh, giảm phát thải và các sự kiện hưởng ứng Giờ Trái đất...
Tôi còn nhớ tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow (Scotland), Việt Nam, cùng với nhiều nước trên thế giới đã cùng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Cụ thể, tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa với việc tổng lượng carbon phát thải ra môi trường sẽ bằng tổng lượng carbon giảm đi (thu về), như vậy số tín chỉ phát thải carbon ra môi trường sẽ bảo đảm phát thải ròng bằng 0.
Tiếp đó, đến Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập) vào cuối năm 2022, đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (khi đó còn là Bộ trưởng Bộ TN&MT) đã tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đồng thời bàn về thị trường carbon, chuyển đổi năng lượng. Việt Nam luôn coi trọng vấn đề chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng là chủ trương nhất quán và là mô hình kinh tế mà Việt Nam lựa chọn.
Ngay sau khi COP26 kết thúc, Việt Nam đã có hàng loạt các hoạt động, chương trình thiết thực để thực hiện cam kết này. Đó là lý do giải thích cho việc cộng đồng quốc tế luôn coi trọng và đánh giá cao chúng ta trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Ý nghĩa của Giờ Trái đất vượt qua những con số
-Thưa Tiến sỹ, ngày 25/3 tới đây, Việt Nam sẽ hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất năm 2023. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?
-Tiến sỹ Trần Khắc Tâm: Giờ Trái đất là sự kiện quốc tế thường niên do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) khởi xướng từ năm 2007. Việt Nam chúng ta chính thức tham gia hưởng ứng sự kiện này từ năm 2009, sau 2 năm sự kiện này được khởi xướng. Tôi cho rằng, mục tiêu của Giờ Trái đất không chỉ mong muốn tiết kiệm được một lượng điện nhất định trong 1h tắt đèn. Nó mang nhiều ý nghĩa hơn đó là chúng ta phải sử dụng tiết kiệm năng lượng để bảo vệ môi trường sống và bảo vệ hành tinh.
Tại Việt Nam, các chương trình hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất 13 năm qua luôn được thực hiện một cách bài bản và mang tính lan tỏa cao, truyền đi các thông điệp ý nghĩa. Gần đây nhất, Giờ Trái đất năm 2022, Việt Nam có 63 tỉnh thành phố hưởng ứng sự kiện này. 309.000 kWh, tương đương số tiền khoảng 576,1 triệu đồng tiết kiệm được từ Giờ Trái đất năm 2022 nhưng ý nghĩa của nó đã vượt qua khỏi những con số đó. Chúng ta tắt đèn trong 1 tiếng đồng hồ để Trái đất được “nghỉ ngơi”. Và như thế, chúng ta đã, đang góp phần bảo vệ Mẹ Thiên Nhiên.
-Cá nhân ông và gia đình đã hưởng ứng sự kiện này như thế nào trong những năm qua?
-Tiến sỹ Trần Khắc Tâm: Cá nhân tôi và gia đình luôn quan tâm, theo dõi các thông tin liên quan đến việc sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Sự kiện Giờ Trái đất hàng năm, gia đình tôi đều hưởng ứng bằng việc tắt toàn bộ các thiết bị điện trong gia đình 1 tiếng đồng hồ. Chúng tôi coi đó là trách nhiệm của mình với xã hội, với cộng đồng và với môi trường.
Không chỉ thời gian hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất, trong sinh hoạt hàng ngày, tôi luôn giáo dục các con, cháu phải sử dụng tiết kiệm năng lượng. Đối với việc này, theo tôi, chúng ta phải giáo dục dần dần theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu”. Và khi việc sử dụng tiết kiệm năng lượng đã ăn sâu vào ý thức của trẻ nhỏ, lúc đó chúng sẽ tự có những hành động để thực hiện và lan tỏa công việc đó đến những người khác.
-Nhân dịp sự kiện Giờ Trái đất năm 2023 sắp đến, Tiến sỹ có điều gì muốn nói với cộng đồng xã hội, đăc biệt là giới trẻ?
-Tiến sỹ Trần Khắc Tâm: Điều đầu tiên tôi muốn nói đó là việc gia đình tôi sẽ hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất năm 2023 vào ngày 25/3 tới đây. Chúng tôi sẽ tắt toàn bộ các thiết bị điện trong 1 tiếng đồng hồ.
Tiếp theo, tôi muốn nhắn nhủ với những người trẻ, hãy hưởng ứng và lan tỏa chương trình này đến với những người thân của mình. Chúng ta không chỉ là tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường chỉ trong một giờ đồng hồ, mà phải thực hành nó thường xuyên trong suốt 365 ngày của cả một năm, để tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trở thành thói quen. Tiết kiệm điện tương tự như chúng ta đang gieo một hạt mầm vào Trái đất. Và sau này, Trái đất sẽ trả lại chúng ta và thế hệ mai sau những quả ngọt vô cùng to lớn.
Xin cảm ơn Tiến sỹ!
Văn Chương (thực hiện)