Thứ sáu, 26/04/2024 15:19 (GMT+7)
Thứ ba, 06/10/2020 14:45 (GMT+7)

Hậu Covid-19 xu hướng du lịch thay đổi thế nào?

Theo dõi KTMT trên

Đợt bùng phát dịch mới tại Đà Nẵng từ ngày 25/7 đã khiến du lịch nội địa vừa le lói “tái sinh” lại tiếp tục lao đao. Cũng từ đây, mọi thói quen và tâm lý của du khách thay đổi khó lường.

Đại dịch covid-19 như giáng một đòn mạnh mẽ xuống ngành du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, đợt bùng phát dịch mới tại Đà Nẵng từ ngày 25/7 đã khiến du lịch nội địa vừa le lói “tái sinh” lại tiếp tục lao đao. Cũng từ đây, mọi thói quen và tâm lý của du khách thay đổi khó lường và bất thường.

Sau lần khảo sát đợt 1 (13-19/5), Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) tiến hành khảo sát tâm lý và hành vi của khách du lịch nội địa lần hai (25/7-4/9) với hơn 1.000 người tham gia.  

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký TAB, cho hay qua khảo sát chứng tỏ có sự phục hồi về nhu cầu đi du lịch, đặc biệt là hai thị trường nguồn Hà Nội và TP.HCM - hai địa phương có số người tham gia khảo sát đông nhất.

Theo đó, 41% du khách được hỏi trả lời sẵn sàng đi du lịch trong tháng 10-11-12, nhưng so với lần khảo sát đầu không hào hứng bằng (54%). Du khách Hà Nội hứng khởi đi du lịch trong những tháng đầu, còn du khách TP.HCM đi du lịch bên ngoài nhiều hơn, đều hơn, kéo dài đến dịp Tết âm lịch. Đây là cơ sở để các cơ quan, DN du lịch xây dựng sản phẩm tour đáp ứng nhu cầu của khách.

Ngoài đi bằng máy bay (71%), thì 29% du khách cho biết sẽ đi du lịch bằng xe riêng (tăng mạnh so với 20% của đợt khảo sát đầu) chứng tỏ người dân quan tâm hơn đến sự an toàn.

Ông Chính nhận xét, khảo sát cho thấy yếu tố an toàn (31%) và khả năng tài chính (33%) tác động lớn đến kế hoạch đi du lịch của người dân. Phần lớn người trả lời (87%) lựa chọn ưu đãi trực tiếp vào giá dịch vụ du lịch.

Kéo theo đó là xu hướng đi ngắn ngày hơn. Gần 47% người được hỏi lựa chọn tour ngắn ngày (2-3 ngày), số người chọn đi 6-7 ngày trở lên gần như không có. 

Hậu Covid-19 xu hướng du lịch thay đổi thế nào? - Ảnh 1
Yếu tố an toàn và khả năng tài chính tác động lớn đến kế hoạch đi du lịch của người dân. (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, gần 80% du khách lựa chọn đi theo gia đình/bạn bè chứng tỏ tâm lý e ngại dịch bệnh của du khách vẫn còn. Các DN du lịch, khách sạn dựa vào đây có thể đưa ra các sản phẩm phù hợp với đối tượng khách mới này.

Trong thời Covid, cách đặt tour của người dân cũng thay đổi. Xu hướng khách tự đặt tour trực tiếp tăng (40% so với 29%) mà ít qua các công ty du lịch và giữ thói quen đặt dịch vụ du lịch qua nền tảng trực tuyến (36% so với 44%). Điều đó chứng tỏ dịch Covid-19 đã tác động đến thói quen mua sắm trực tuyến của du khách.

Điểm đến được khách du lịch nội địa ưu tiên lựa chọn thời gian này là du lịch biển và du lịch thiên nhiên, trong đó nghỉ dưỡng núi cũng tăng mạnh.

Điều khác biệt của khách đi du lịch thời Covid là 52% khách du lịch sẵn sàng mua thêm gói bảo hiểm du lịch trong thời gian dịch bệnh. Do đó, TAB kiến nghị ngành du lịch cần làm việc ngành bảo hiểm để tạo ra gói bảo hiểm du lịch mới và khuyến khích khách mua bảo hiểm du lịch, tránh tình huống du khách gặp rủi ro vì dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng mà không được bảo hiểm chi trả.

Khảo sát của Hội đồng Tư vấn cũng cho thấy kết quả khá tương đồng với nghiên cứu từ Booking.com, thông qua khảo sát xu hướng du lịch của người Việt trong những tháng vừa qua, đại diện Booking.com cho biết từ tháng 6-8/2020, quãng đường di chuyển trung bình của du khách Việt đã giảm đến 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, con số này vẫn được đánh giá là cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu, hiện đã sụt giảm đến 63%. Năm 2019, trong khi du khách Việt Nam đã di chuyển trung bình 932 km cho mỗi lượt đặt phòng thì con số này giảm xuống chỉ còn 629 km trong cùng kỳ năm nay.

Du lịch nội địa đang tăng trưởng chưa từng có, với hành trình trong nước chiếm đến 96% tổng quãng đường du lịch của người Việt trong giai đoạn từ ngày 1/6-31-8/2020 (con số này chỉ ước đạt 52% cùng kỳ 2019).

Hậu Covid-19 xu hướng du lịch thay đổi thế nào? - Ảnh 2

Doanh nghiệp kiệt sức

Theo báo Hải quan, nói về giải pháp phục hồi du lịch thời gian tới, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, giảm giá kích cầu dường như đã không còn phù hợp vì DN đã kiệt sức dưới tác động lớn của dịch. Chưa kể, trong đợt kích cầu trước, giá đã giảm rất nhiều, không thể thấp hơn.

Về phía DN, dù khó khăn đang chồng chất, nhưng theo ông Bình, cũng nên tìm các giải pháp để đối phó với dịch bệnh, tập trung vào chất lượng dịch vụ ở mức tốt nhất, đưa khách đến những chỗ mới, với nhiều trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn. Cùng đó, ông Bình cũng lưu ý các DN phải chuẩn bị các kịch bản đối phó cho sự trở lại bất kỳ lúc nào của dịch bệnh.

Để hỗ trợ các DN "vượt khó" trong đại dịch, ngành Du lịch có thể đề xuất Chính phủ quan tâm bằng cách giảm thuế GTGT, thuế thu nhập, lùi thời gian nộp thuế. Chính quyền địa phương cũng cố gắng hỗ trợ DN du lịch, giảm phí tham quan, vé, lệ phí hoạt động để các DN có động lực tiếp tục hoạt động.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, kích cầu lần hai cần song song với việc nghiên cứu, tìm hiểu chuyển đổi số, đưa du lịch thành ngành kinh tế số để vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch. “Cần xác định dù dịch bệnh có tái phát cũng không bất ngờ và có kinh nghiệm đối phó ngay lập tức”, ông Bình nhấn mạnh.

Nhấn mạnh yếu tố an toàn, bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng giám đốc Vietravel, dịch Covid-19 quay lại lần hai khiến du khách e ngại, vì vậy, sự an toàn luôn được đặt lên hàng đầu.

“Khi Covid-19 bất ngờ xảy ra tại Đà Nẵng, chúng ta chưa có kịch bản cụ thể. Vì vậy, cơ quan Nhà nước cần sớm ban ra quy trình để khách hàng, nhà cung cấp và các hãng hàng không biết phải làm gì sau khi đi du lịch về, chính sách hoãn/hủy ra sao... Điều đó giúp cho tâm lý của khách hàng thoải mái hơn”, bà Nguyễn Lê Hương nêu.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Hậu Covid-19 xu hướng du lịch thay đổi thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Xã Diễn Hoàng dần lộ diện nông thôn mới nâng cao
Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, phát huy nội lực, xã Diễn Hoàng, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Diện mạo NTM lộ diện, kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Tin mới