Hành vi kinh doanh xăng dầu giả bị xử lý như thế nào?
Liên quan đến việc sản xuất, mua bán xăng giả do Trịnh Sướng cầm đầu, Luật sư Nguyễn Phúc Ban - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, hành vi này có thể bị phạt tù ở khung cao nhất lên đến 15 năm theo Bộ luật Hình sự 2015…
Theo Luật sư Nguyễn Phúc Ban, trong sự việc trên, "đại gia" Trịnh Sướng có thể bị xử lý về tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm…
Bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm nếu hành vi có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; hàng giả trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn…
Dung môi đã được pha thành xăng E5 Ron 92 thành phẩm. |
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp này thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Hàng giả có giá thành sản xuất 100 triệu đồng trở lên; hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500 triệu đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên…
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, bị phạt tiền từ 1 tỉ đồng đến 3 tỉ đồng; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3 tỉ đồng đến 6 tỉ đồng; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6 tỉ đồng đến 9 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm…
Còn theo Điều 20 Nghị định 80/2013/NĐ-CP đối với hành vi kinh doanh xăng dầu kém chất lượng: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi bán hàng hóa nhưng không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định; phạt tiền từ 3 lần đến 5 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây: Bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng…
"Không chỉ bị xử lý hành chính, hành vi gian lận kinh doanh xăng dầu trong nhiều trường hợp còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 nếu đáp ứng đầy đủ các quy định của Luật hiện hành" - Luật sư Ban cho biết thêm.
Đức Trọng