“Hành khúc số 10” – vinh quang và sứ mệnh lịch sử
Các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân… ví Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân được Trung ương Đảng ban hành năm 2017, là bản giao hưởng số 10'.
Gọi vậy, để bàn, để ngẫm, để lắng nghe và hành động, để nhớ rằng gần bốn thập niên trước, chúng ta cũng có một “Khoán 10” trong nông nghiệp. Nhờ đó, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo trong top đầu thế giới.
Gọi vậy, ấy là khi Nghị quyết mới ra đời. Giờ, “bản giao hưởng” đang viết tiếp “hành khúc” hơn hai nghìn ngày đã qua, thời gian rất khó để nói, còn tạo ra những kỳ tích gì. Song có thể khẳng định, chúng ta phải bước trên một lộ trình dài, thăng trầm nhưng rất đỗi vinh quang, và chắc chắn “hành khúc số 10” sẽ gặt hái hoan ca, làm tròn sứ mệnh, đi vào lịch sử.
Với Nghị quyết 10 về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, ban hành ngày 3-6 cách đây hơn bảy năm, lần đầu khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có “đường ray” riêng cho mình. Từ đó, kiến tạo những “đoàn tàu” mới, vận hành trong cơ chế thủ tục thông thoáng, thoát cảnh phân biệt kỳ thị, thật sự có môi trường bứt phá toàn diện, hội nhập sâu rộng.
Còn nhớ năm nào, đúng kỷ niệm sinh nhật Bác, Chính phủ ta đã nhìn lại chặng đường “xây móng” của Nghị quyết 10, mở ra bối cảnh khang trang về hạ tầng cơ sở, thịnh vượng về đường hướng tư duy cho nền kinh tế tư nhân, với diễn đàn hội tụ hơn 2.500 doanh nghiệp, họ tự tin kiến nghị, nêu giải pháp và phản bác; họ được cởi trói tâm lý e dè trước những “cánh chim quốc doanh đầu đàn”; ngẩng cao đầu bàn kế hoạch hợp tác, ký kết với nước ngoài. Chặng đường không ngắn cũng chẳng quá dài - bảy năm, sẽ rất khiên cưỡng, mơ hồ, có người nói vậy, nếu để đem ra tổng kết và đánh giá đối với một Nghị quyết tối thiết như thế. Nhưng chúng ta hãy bình tâm, soi lại truyền thống cội nguồn sức mạnh, soi lại gần 40 năm từ khi đổi mới sau bao binh lửa, bão giông; thấy rằng, Đảng ta, dân ta đã chuyển mình mãnh liệt, lớn mạnh hùng cường.
Trong dòng chảy ấy, “hành khúc số 10” đã đặt viên gạch kết nối quá khứ và hiện tại, hướng tới tương lai; phác họa tổng thể bức tranh thương trường đương đại, đưa khu vực kinh tế tư nhân vào thế “kiềng ba chân” vững chãi. Sau 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, hiện Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Trong số này, đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, như: Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát…
Thành quả đó lập nên cột mốc huy hoàng, từ trên nền tảng con số 0 tròn trĩnh. Không quá để nói vậy, con số 0 cả về thực trạng và tư duy, cả từ vĩ mô đến vi mô. Chỉ khi, đất nước chập chững đổi mới, kinh tế tư nhân được thừa nhận, song cũng mù mờ, chưa xác định rõ ràng, doanh nghiệp “ngại” đầu tư mạnh, tâm lý “không dám lớn” ám trùm. Đến 1990, Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty ra đời, khu vực này mới có bước ngoặt đúng nghĩa. Trải qua vài thập niên biến động, chúng ta đã vượt con số khiêm tốn 100.000 doanh nghiệp, tạo nên vị thế trên bản đồ kinh tế chung. Đó là nỗ lực vươn mình, là điều kiện tiên quyết để Đảng nhìn nhận, chuyển đổi tư duy từ Đại hội XII đến Đại hội XIII, khẳng định "Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam".
Sau bốn thập niên, doanh nghiệp ngoài nhà nước tự hào với sự tôn vinh, họ đủ sức vứt bỏ "vòng kim cô" đang kìm kẹp bấy lâu. Bước vào hội nhập, vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kinh tế tư nhân có gì? Ở thời điểm 2025 này, câu hỏi đó rất dễ trả lời. Đó là sự định hướng chủ trương lớn đúng đắn của Đảng, sự hậu thuẫn, đồng hành của một Chính phủ sáng tạo trong thời đại chuyển đổi kép; một “hành khúc số 10” làm bệ đỡ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, hệ sinh thái tuần hoàn, giải quyết gánh nặng chi phí, rủi ro pháp lý… Đó là trụ cột xương sống trong tổng quan kinh tế hài hòa, tự tin đối trọng lành mạnh với doanh nghiệp nhà nước và FDI. Nhiều năm trước, người ta nhắc đến kem đánh răng Dạ Lan, giày dép Biti's, nước rửa chén Mỹ Hảo, bánh Kinh Đô... thì giờ, trong vòng quay sống động ấy là Vietjet Air, VinGroup, FPT, TH True Milk, Trung Nguyên, Masan, Trường Hải... Có những doanh nhân được Forbes xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới. Họ đã làm nên giá trị thương hiệu Việt, đưa biểu tượng của nhân phẩm quốc gia vượt không gian và thời gian, vươn tầm quốc tế.
Thương trường như chiến trường! Tương lai là rất khó đoán định. Điều ấy vô cùng thấm thía với doanh nghiệp tư nhân. Những ngôi sao đang rực sáng hôm nay, tiếp theo sẽ chiếu rọi thế nào? Có phạm trù mang tính quy luật và Việt Nam không tránh khỏi. Nhưng cũng có “quy luật” do mình tạo ra, đó là, thể chế nào thì doanh nghiệp phát triển theo thể chế ấy. Đến lúc, chúng ta cần hiểu rằng, một quốc gia giàu mạnh phải có đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu; hội nhập không phải đi làm lại những thứ thế giới đã làm, không phải đi sản xuất những thứ các nước đã sản xuất, không phải đi làm thuê giá rẻ và lãng phí chất xám, hội nhập là đứng vững trên đôi chân của mình, phát huy bằng chính thế mạnh nội lực, từ đó ngẩng cao đầu bàn chiến lược hợp tác. Trong “hành khúc số 10”, Đảng ta, Chính phủ ta đã làm tất cả, đã “chắp cánh” để bước chân kinh tế tư nhân tấu lên bản hùng ca riêng mình, còn đi về đâu, phía bầu trời ấy, tùy thuộc vào bản lĩnh, trí tuệ và lựa chọn của họ.
Xuân Lôi