Thứ hai, 06/01/2025 12:26 (GMT+7)
Thứ hai, 07/02/2022 07:43 (GMT+7)

Hàng Việt Nam khó vào siêu thị

Theo dõi KTMT trên

Hàng Việt Nam trong những ngày Tết được thiết kế mẫu mã chào xuân bán tràn ngập tại các siêu thị với tỷ trọng chiếm tới 90-95% các loại hàng hóa. Tuy nhiên, đằng sau đó là con đường đầy khó khăn để chúng có thể xuất hiện trên các kệ hàng này.

Chiết khấu cao, thủ tục phức tạp

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (Nguyên chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội) cho rằng, hiện nay để hàng Việt Nam vào được siêu thị thì ngoài những tiêu chuẩn cao như chứng nhận VietGap còn cần hàng loạt các loại giấy tờ khác như chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm.

Mặt khác, bên cạnh những thủ tục trên, điều gây khó khăn lớn nhất cho các doanh nghiệp khi đưa mặt hàng của mình vào siêu thị chính là mức chiết khấu quá cao. Thay vì mức 13-15% như trước đây, hiện các doanh nghiệp phải chịu mức chiết khấu từ 20-30% để mặt hàng được xuất hiện tại siêu thị.

Hàng Việt Nam khó vào siêu thị - Ảnh 1
Hiện nay để hàng Việt Nam vào được siêu thị thì ngoài những tiêu chuẩn cao như chứng nhận VietGap còn cần hàng loạt các loại giấy tờ khác. (Ảnh minh hoạ)

Đó mới chỉ là chi phí cơ bản được bên siêu thị đề xuất sẵn trong bản hợp đồng, chưa kể đến các chi phí đặc thù khác như chi phí đầu kệ, chi phí cho các chương trình khuyến mãi, chi phí quảng cáo… Điều này là quá sức với các doanh nghiệp, vì thậm chí lợi nhuận của họ cũng không thể đạt được nhiều hơn số chiết khấu 20-30%. Như vậy, xét trên các loại chi phí, việc doanh nghiệp đưa sản phẩm vào siêu thị chỉ có thể nhận lại phần lỗ.

Các doanh nghiệp chia sẻ, họ chỉ có thể hợp tác với các siêu thị thời gian đầu để tăng độ nhận diện của các sản phẩm, nhưng về lâu về dài thì chắc chắn không thể vì như vậy "chỉ có nước phá sản".

Hàng Việt Nam khó vào siêu thị - Ảnh 2
“Phải là sản phẩm sạch mới vào được siêu thị” – Ông Vũ Vinh Phú

Mặt khác, tỷ lệ hàng Việt vào siêu thị chỉ chiếm 10% tổng sản lượng sản phẩm sạch tạo ra. Như vậy, có thể thấy rằng Việt Nam đang có nền sản xuất rất dồi dào, với lượng hàng hóa lớn nhưng các kênh phân phối trong nước không thể đáp ứng hết được.

Ước tính trong năm 2021, có tới 18,6 triệu tấn rau màu, 6,7 triệu tấn thịt các loại, 17,5 tỷ quả trứng, trên 1,2 tấn sữa tươi và khoảng 8,37 triệu tấn thủy sản được tạo ra. Trong khi đó, hệ thống phân phối chỉ có 9.000 chợ dân sinh và chợ đầu mối, 800 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 4.000 cửa hàng tự chọn, siêu thị mini. Số lượng các siêu thị cũng như tiêu thụ nội địa này hoàn toàn không thể đáp ứng tiêu thụ được lượng hàng hóa sản xuất ra.

Hợp tác xã Đại Áng (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cách đây 2 năm từng giới thiệu mô hình nuôi cá sạch đặc biệt “sông trong ao”, khi cải tạo một vòng đất trũng khó canh tác ở địa phương với diện tích 10 ha thành 5 bể cá lớn theo tiêu chuẩn VietGap. HTX chia sẻ, mô hình này được áp dụng theo công nghệ nuôi cá sạch của Mỹ, với mục tiêu cung cấp cho thị trường mỗi ngày 5-6 tấn cá sạch.

HTX nhằm đưa sản phẩm sạch của mình vào các hệ thống siêu thị, đã mời các siêu thị đi thăm đồng cá sạch của mình. Tuy nhiên, tới khi ký hợp đồng, các siêu thị đề nghị mức chiết khấu 30% và 3 tháng sau khi cá bán xong mới được thanh toán. Ngoài ra giá bán sản phẩm mà siêu thị thu mua cũng chỉ ngang với giá bán cá nuôi bằng phương pháp thông thường. Điều này khiến HTX không thể đưa sản phẩm của mình vào hệ thống các siêu thị.

Việc giảm giá bán sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh của các siêu thị, nhưng lại khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, không muốn sản xuất sản phẩm theo hướng sạch. Đây là hệ lụy lớn đối với nền sản xuất, kinh tế của Việt Nam, nhất là trong nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Song song đó, chi phí ký hợp đồng vào siêu thị, doanh nghiệp còn phải chịu hàng loạt chi phí khác như vận chuyển nội địa khiến hàng Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các thương hiệu của nước ngoài.

Mặt khác, 85% hàng hóa được bày bán tại các siêu thị hiện nay đang được bán dưới hình thức kí gửi, nghĩa là doanh nghiệp sẽ gửi hàng tại siêu thị và siêu thị chỉ có trách nhiệm trả tiền cho doanh nghiệp khi hàng đã bán được. Cách làm này giúp siêu thị không phải bỏ vốn mà vẫn có lãi, phần tiền hàng theo thỏa thuận sẽ được hoàn trả cho doanh nghiệp từ 15-20 ngày sau khi mặt hàng đã được bán, thậm chí có nơi còn lên tới 3 tháng. Như vậy, vốn của người sản xuất đã bị chiếm dụng.

Hàng Việt Nam khó vào siêu thị - Ảnh 3
Cá sạch Đại Áng khó khăn để vào các siêu thị. (Ảnh: vov.vn)

Cần mô hình chợ đầu mối hợp lý

Chuyên gia Vũ Vinh Phú nói về những giải pháp cho vấn đề này cho rằng, điều cấp thiết nhất là cần xây dựng chợ đầu mối, đặc biệt là cho hàng nông, thủy sản ở 3 miền. Qua đó xây dựng một không gian giao dịch minh bạch, công khai, an toàn và hiện đại.

Đi kèm với đó là hệ thống các kho bãi chứa hàng tân tiến, để khi nông, thủy sản được thu hoạch xong sẽ được đưa đến những kho bãi này để bảo quản nhằm kéo dài thời gian tươi của sản phẩm, giúp người nông dân được có cơ hội mở rộng đầu ra sản phẩm, đồng thời sẽ tránh bị ép giá lúc được mùa.

Mô hình chợ đầu mối này hiện nay đã được áp dụng tại các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trước đó, phía Pháp đã quyết định đầu tư hỗ trợ Việt Nam xây dựng chợ đầu mối và đã kí biên bản ghi nhớ về việc này.

Mô hình ở Pháp, các mặt hàng sẽ được đem đến bán hoặc đấu giá công khai tại chợ đầu mối. Các siêu thị, các cửa hàng phân phối lớn cũng sẽ tới đây thỏa thuận mua hàng hoặc đấu giá sản phẩm. Như vậy, giá sản phẩm sẽ được bán cao hơn, có lợi cho người nông dân, người sản xuất. Đồng thời, hàng hóa bán tới các cửa hàng, siêu thị sẽ có mức giá chung, nhằm bình ổn thị trường giá cả.

Mặt khác, tại Pháp, rác thải từ chợ đầu mối sẽ được gom lại đem đến các nhà máy điện rác ở vùng lân cận nhằm tạo ra điện phục vụ ngược trở lại chợ, tạo nên một vòng tuần hoàn khép kín. Tuy công nghệ điện rác mới chỉ được phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng cách làm này cũng có thể trở thành hướng phát triển lâu dài có thể tham khảo được.

Việc tạo điều kiện cho hàng Việt tại các siêu thị còn cần sự chung sức của các bộ ngành và chính quyền nhằm có giải pháp cụ thể và triệt để cho vấn đề này. Ngoài ra, ông Vũ Vinh Phú cũng nêu một biện pháp khác là thành lập Hội cung ứng hàng hóa, nhằm tập hợp các nhà cung ứng tạo ra một hệ sinh thái mới, đưa hàng hóa đến gần người tiêu dùng hơn, tránh để phụ thuộc vào các siêu thị.

Có như vậy, các doanh nghiệp mới tránh khỏi cảnh bị các siêu thị ép giá. Việc này tương tự như các nhà sản xuất, doanh nghiệp lớn của Việt Nam, trong đó có gốm sứ Minh Long, do không chịu được mức chiết khấu cao của siêu thị đã tự mở chuỗi cửa hàng phân phối riêng.

Cùng với đó, ngoài khắc phục những điểm yếu chủ quan thì cũng cần khắc phục những vấn đề khách quan, bằng cách sản xuất và phân phối theo nhu cầu thị trường, tránh việc sản xuất dư thừa dẫn tới mất giá. Các vùng trồng, cơ sở sản xuất cũng cần nâng cao chất lượng, tạo điều kiện cho chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hàng Việt Nam khó vào siêu thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

GDP năm 2024 tăng 7,09%
Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2024 tăng 7,09% so với năm trước. Mức này chỉ thấp hơn tốc độ tăng các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024.

Tin mới

GDP năm 2024 tăng 7,09%
Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2024 tăng 7,09% so với năm trước. Mức này chỉ thấp hơn tốc độ tăng các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024.