Thứ sáu, 04/04/2025 03:27 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/11/2019 09:30 (GMT+7)

Vì sao nhiều hàng Việt Nam xuất khẩu bị 'gây khó'?

Theo dõi KTMT trên

Khi hàng hóa Việt Nam thực thi tốt việc truy xuất nguồn gốc, việc chinh phục được các thị trường khó tính hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam. Để hàng xuất khẩu có thể mở rộng thị trường, đặt chân đến những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản cần phải đảm bảo các yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó có vấn đề truy xuất nguồn gốc.

Từ nhiều năm nay, các sản phẩm nông sản xuất khẩu mặc dù là lợi thế của Việt Nam, nhưng khi xuất khẩu, hàng hóa của Việt Nam hay vướng phải nhiều rào cản liên quan đến các quy định, quy chuẩn khắt khe từ những thị trường khó tính.

Đã có không ít sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam bị người tiêu dùng quốc tế không có thiện cảm. Đó không phải là điều ngạc nhiên bởi nhiều lần, hàng hóa nông sản của Việt Nam đã không thể thông quan do bị nhiễm dư lượng hóa chất khá nhiều. Hàng loạt lô hàng thủy sản đã bị nước bạn trả về là một minh chứng cho thực tế đáng buồn này.

Vì sao nhiều hàng Việt Nam xuất khẩu bị 'gây khó'? - Ảnh 1
Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo.

Giới chuyên gia cho rằng, các sản phẩm nông sản Việt cần phải hướng đến việc ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc. Khi thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc, hàng hóa nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam dễ dàng chinh phục được các thị trường, kể cả thị trường khó tính nhất.

Ông Bùi Quang Tân, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia nhận định, việc ứng dụng mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm, nhất là nông sản giúp người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trong cả sản xuất lẫn thương mại.

Đặc biệt, trong bối cảnh khách hàng ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, truy xuất nguồn gốc chính là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo, giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.

“Khi áp dụng truy xuất nguồn gốc vào hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp đã có giấy thông hành vào các thị trường khó tính trên thế giới, đồng thời nâng cao vị thế của sản phẩm nông sản Việt”, ông Tân chỉ rõ.

Cũng theo ông Tân, việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng không những giúp người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm mà còn đảm bảo sự minh bạch về thông tin của nhà sản xuất công bố trên nội dung mã truy xuất nguồn gốc.

“Với các sản phẩm xuất khẩu, thông tin về truy xuất hàng hóa sẽ giúp xóa đi mặc cảm của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về dòng sản phẩm Việt Nam có chất lượng chưa cao hay chưa tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Tân chỉ rõ.

Trên thực tế, các nước như Nhật Bản, Australia, Mỹ… đều làm rất chặt vấn đề truy xuất nguồn gốc. Đơn cử, khi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản vào Mỹ, người ta yêu cầu tất cả vùng trồng, nhà đóng gói phải được Mỹ cấp mã số mà không phải Việt Nam. Ngay cả việc chiếu xạ đối với sản phẩm xuất khẩu, thì cơ sở nào được Mỹ xác nhận thì mới được tiến hành chiếu xạ, phải đảm bảo giám sát tất cả các mối nguy hại có thể xảy đến từ sản phẩm.

Để tháo gỡ vấn đề này, ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc là một nội dung rất quan trọng để khẳng định được sản phẩm đó đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Tất cả sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là thủy sản đã áp dụng truy xuất nguồn gốc nhiều năm nay. Đối với các sản phẩm rau, hoa quả gần đây Việt Nam mới triển khai, đặc biệt là từ sau yêu cầu của thị trường Trung Quốc”, ông Hòa cho biết.

Cũng theo ông Hòa, trên thực tế, việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc đối với nông sản không phải là mới với các nước tiên tiến trên thế giới nhưng đối với Việt Nam hiện vẫn còn khá mới mẻ. Bà con nông dân hầu như chưa quen với việc ghi chép lưu trữ hồ sơ liên quan tới quá trình sản xuất.

“Ở đây không chỉ có việc dán cho sản phẩm một mã QR, vấn đề là các sản phẩm đó được sản xuất như thế nào, trồng cây, thu hoạch ra làm sao? Tất cả hồ sơ, thông tin sản phẩm cần được lưu trữ, bởi khi có vấn đề về mất vệ sinh an toàn thực phẩm thì lô sản phẩm đó phải bị triệu hồi. Trên cơ sở thông tin lưu trữ, quốc gia nhập khẩu sẽ yêu cầu bên xuất khẩu kiểm tra lại xem lô sản phẩm đó của cơ sở nào, sản xuất đóng gói ngày nào và hồ sơ phải lưu trữ tối thiểu trong 2 năm”, ông Hòa cho biết.

Bạn đang đọc bài viết Vì sao nhiều hàng Việt Nam xuất khẩu bị 'gây khó'?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỹ áp thuế đối ứng, nhóm ngành nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất?
Chính phủ Mỹ vừa công bố mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Quyết định này đã lập tức gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp, khi nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đối mặt với nguy cơ suy giảm doanh thu nghiêm trọng.
Kinh tế Hải Dương tăng trưởng tích cực trong quý 1
UBND tỉnh Hải Dương vừa tổ chức hội nghị (mở rộng) để xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quý I/2025, theo đó, trong 3 tháng đầu năm, một số ngành, lĩnh vực của Hải Dương đạt mức tăng trưởng rất tích cực.
TP.HCM: Tăng trưởng quý I cao nhất trong 5 năm qua
Tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM trong quý I năm 2025 đạt nhiều kết quả tích cực; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I ước tăng trên 7,4% so với cùng kỳ. Và đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay.

Tin mới

Hải Phòng thu ngân sách cao kỷ lục
Ba tháng đầu năm, TP. Hải Phòng thu ngân sách đạt hơn 47.800 tỷ đồng, hơn 40% dự toán thu ngân sách cả năm nay. Đây là thông tin được công bố tại phiên họp thường kỳ trực tuyến tháng 3 của UBND Thành phố Hải Phòng diễn ra sáng nay (3/4).
Kinh tế Hải Dương tăng trưởng tích cực trong quý 1
UBND tỉnh Hải Dương vừa tổ chức hội nghị (mở rộng) để xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quý I/2025, theo đó, trong 3 tháng đầu năm, một số ngành, lĩnh vực của Hải Dương đạt mức tăng trưởng rất tích cực.