Hải Phòng: Nhiều xe trọng tải lớn "cày nát" đường dân sinh, gây bụi mù mịt
Các xe chở đất, vật liệu xây dựng cùng trụ bê tông đúc tung hoành băm nát đường dân sinh, gây bụi mù mịt và mất ATGT đang diễn ra tại thị trấn Minh Đức, Thủy Nguyên.
Các nhà khoa học đã phân tích ô nhiễm không khí là việc con người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa các chất liệu hoặc năng lượng vào không khí, khi việc đó gây ra những tác hại như gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây tổn hại đến nguồn lợi sinh vật, hệ sinh thái và gây ra thiệt hại về vật chất, làm ảnh hưởng đến việc sử dụng môi trường tự nhiên.
Cũng có thể hiểu là trong không khí có chứa các chất gây ô nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, hoặc tạo ra những tác động xấu đối với môi trường.
Ô nhiễm không khí có thể xảy ra do các hiện tượng tự nhiên (từ bụi, cháy rừng, núi lửa, chất phóng xạ trong tự nhiên, sóng biển,…) hoặc từ hoạt động của con người: do hút thuốc lá, quá trình đốt rơm rạ thải ra các khói, trong quá trình sản xuất công nghiệp, do đốt các nhiên liệu hóa thạch: Than, dầu, khí đốt tạo ra CO2 , CO, SO2, NOx, các chất hữu cơ chưa cháy hết, muội than, bụi, quá trình thất thoát, rò rỉ trên dây chuyền công nghệ, do quá trình vận chuyển các hóa chất bay hơi, bụi,… Ô nhiễm môi trường không khí có thể xảy ra trên quy mô một vùng, một quốc gia, một khu vực hoặc ô nhiễm môi trường không khí toàn cầu.
Cũng liên quan đến câu chuyện ô nhiễm môi trường từ khói bụi thì tại thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên người dân phải sống chung với sự mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Ngày mưa thì lầy lội trơn trượt, ngày nắng bụi bay mù mịt
Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường nhận được phản ánh của người dân ở một số tổ dân phố trên địa bàn thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng về tình trạng xe ô tô chở vật liệu xây dựng, chủ yếu là đất đá phục vụ quá trình sản xuất xi măng và trụ bê tông lưu thông ẩu, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông.
Theo phản ánh của người dân tổ dân phố Quyết Tâm, Quyết Hùng, thị trấn Minh Đức, cứ từ đầu giờ sáng hằng ngày, đoàn xe chở vật liệu xây dựng từ các công ty sản xuất xi măng, bê tông trên địa bàn thị trấn Minh Đức lại kéo nhau di chuyển rầm rập qua trục đường Đà Nẵng - Trần Quốc Bảo để về đập Minh Đức, từ đó ra Tỉnh lộ 359 để toả đi khắp các công trình trên địa bàn huyện.
Trong quá trình hoạt động của những phương tiện này không bảo đảm an toàn. Nhiều phương tiện thường xuyên dừng đỗ không đúng theo chiều di chuyển. Thậm chí, một số phương tiện chằng buộc hàng hoá không cẩn thận, dẫn tới rơi, vãi xuống lòng đường, gây nguy hiểm cho người dân.
Chị Nga (một người dân sống trên địa bàn) cho biết: “Ngày nắng em cũng chỉ dám mở hé ra để bán hàng thôi, không thể mở to được quá bụi luôn”.
Mới đây nhất, vào lúc 1h30 chiều ngày 27/2, xe ô tô đầu kéo, kéo theo rơ-moóc mang BKS 15R-019.74 chở 6 trụ bê-tông trong quá trình di chuyển qua đoạn đường này bị đứt dây xích buộc hàng hóa khiến toàn bộ số trụ bê tông trượt khỏi rơ-moóc, lăn xuống xô đổ bờ tường của một số hộ dân ở tổ dân phố Quyết Tâm.
Nhiều người dân tổ dân phố Quyết Tâm trực tiếp chứng kiến vụ việc trên cho biết, nguyên nhân dẫn tới sự cố là do phương tiện chở hàng nặng nhưng lại vào cua với tốc độ nhanh. May mắn là thời điểm xảy ra sự cố không có phương tiện di chuyển gần đó nên mới không có thiệt hại về người.
Ghi nhận thực tế của phóng viên vào sáng 1/3 tại khu vực này cho thấy, toàn bộ mặt đường Đà Nẵng nối từ khu vực nhà máy sản xuất bê tông ở về đến trung tâm thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên dài khoảng 2km đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường có nhiều vết nứt loang lổ với đủ các loại kích thước to, nhỏ. Mặt đường có nhiều đất, cát bụi phát sinh từ việc sản xuất, vận chuyển bê tông vương vãi. Tại thời điểm phóng viên ghi nhận có suất hiện một số xe ô tô chuyên dụng chở nước phun xuống lòng đường để giảm bụi. Tuy nhiên, do mặt đường không được quét dọn vệ sinh thường xuyên nên nước sau khi nước được phun xuống quyện cùng với đất, cát khiến mặt đường trở nên trơn trượt hơn.
Chưa có giải pháp triệt để
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Phạm Văn Chường, Chủ tịch UBND thị trấn Minh Đức cho biết: Thực tế, việc sinh sống gần khu vực sản xuất công nghiệp nên cũng khó tránh khỏi việc ô nhiễm môi trường và mất ATGT. Trước đây, các phương tiện này còn di chuyển thẳng qua trục chính của thị trấn. Nhận thấy nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông nên chính quyền địa phương cũng nhiều lần kiến nghị, đề xuất với UBND huyện phương án điều tiết giao thông.
Hiện nay, sau khi có bổ sung biển cấm tải trọng kể trên, các phương tiện sau khi rời bến đều di chuyển theo hướng qua đường Đà Nẵng, sau đó vòng qua sân vận động trung tâm thị trấn để về đập Minh Đức. Quanh khu vực này thường xuyên có các em học sinh Trường THCS Minh Đức tập trung vui chơi, qua lại. Người dân địa phương cho rằng việc tổ chức lưu thông phương tiện qua khu vực này làm gia tăng ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất ATGT, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tai nạn.
Được biết, một số phương tiện vận chuyển hàng hóa là của một số doanh nghiệp trên địa bàn Thị trấn Minh Đức. Để có cái nhìn khách quan về công tác bảo vệ môi trường và bảo đảm ATGT của những đơn vị này, Phóng viên đã liên hệ trao đổi với đại diện một số đơn vị để ghi nhận thông tin.
Chiều ngày 5/3, Phóng viên đã gọi điện trao đổi đặt lịch làm việc với Công ty bê tông Xuân Trường. Một người tên Khiên khi nghe phóng viên giới thiệu tên và cơ quan đã tắt máy ngay sau đó.
Để thượng tôn pháp luật, đồng thời chấn chỉnh và ngăn chặn kịp thời tình trạng nhiều xe có dấu hiệu chở quá tải trọng tung hoành tàn phá đường dân sinh, gây ô nhiễm môi trường, gây mất an cho người dân, rất mong cơ quan chức năng huyện Thủy Nguyên sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý theo nguyện vọng của cử tri và nhân dân Thị trấn Minh Đức.
Tác động đến môi trường không khí Ngoài tiếng ồn thì chất ô nhiễm lớn nhất phải kể đến trong hoạt động khai thác đá là bụi, sau đó mới đến các loại khí thải của các phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị thi công. Các khí thải độc hại này bao gồm: bụi, Pb, SO2, NOx, H2S, CO, muội…Các loại khí này thường khi thâm nhập tầng bình lưu là các tác nhân gây nên khói quang hóa, phá hủy tầng ozon, góp phần tạo nên hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng chung đến thời tiết toàn cầu. Ở tầng đối lưu các loại khí này có khả năng kết hợp với hơi nước tạo ra các hạt mù axit, hoặc hòa tan vào nước mưa làm giảm độ pH của nước xuống tới 5,5. Khi rơi xuống mặt đất sẽ làm gia tăng khả năng hòa tan các kim loại nặng trong đất, làm chai đất, phá hủy rễ cây, hạn chế khả năng đâm chòi, giảm năng suất cây trồng.
Đối với con người các khí có khả năng gây kích ứng niêm mạc phổi ở nồng độ thấp. Ở nồng độ cao và lâu dài, chúng có thể gây loét phế quản, giảm khả năng hấp thụ oxi của các phế nang, tác động không tốt đến hệ tim mạch, gây suy nhược cơ thể. Đặc biệt khi có mặt đồng thời SO3 thì các tác động lên cơ thể sống mạnh hơn so với tác động của từng chất riêng biệt, gây co thắt phế quản gây ngạt và tử vong. Bụi là một trong những tác nhân gây ô nhiễm nguy hiểm. Các loại bụi khoáng vô cơ kim loại, silic amiang, bụi plastic gây ra các bệnh bụi phổi ở động vật (aluminose, silicoe, siderose…). Đối với thực vật, bụi lắng đọng trên lá làm giảm khả năng quan hợp của cây, làm giảm năng suất cây. Các hạt bụi có kích thước nhỏ (1-5mm) dễ dàng lọt vào và tồn tại trong các phế nang phổi gây bệnh về hô hấp cho người và động vật. Tác động lên môi trường không khí ở giai đoạn này có mức độ không lớn và mang tính tạm thời.
Tạp chí Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!
Trần Đông - Duy Mạnh