Hải Dương: Nan giải bài toán xử lý ô nhiễm môi trường tại Cụm công nghiệp Ba Hàng
Cụm công nghiệp Ba Hàng đã đi vào hoạt động từ hơn chục năm nhưng đến nay, ô nhiễm môi trường vẫn là một bài toán nan giải với nhiều vi phạm về xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn, không có thủ tục môi trường theo quy định pháp luật...
Nhiều vi phạm trong lĩnh vực môi trường
Theo báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Ba Hàng do Công ty Thương mại vận tải Thành Đạt làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2009. Tuy nhiên, phải đến năm 2016, Cụm công nghiệp Ba Hàng mới được UBND tỉnh Hải Dương thành lập theo Quyết định số 819/QĐ-UBND ngày 30/3/2016.
Tính đến nay, Cụm công nghiệp Ba Hàng có 27 cơ sở đã và đang đầu tư vào với 11 cơ sở thứ cấp lập dự án, được Nhà nước cho thuê đất; 16 cơ sở thuê lại nhà xưởng của các cơ sở thứ cấp để sản xuất hoặc làm kho chứa hàng.
Kết quả kiểm tra cho thấy, chủ đầu tư là Công ty Thương mại vận tải Thành Đạt chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hoạt động của Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Ba Hàng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó chưa hoàn thành việc xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp, trong đó có công trình xử lý nước thải tập trung. Ngoài làm chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Ba Hàng, Công ty Thương mại vận tải Thành Đạt còn làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất gạch tuynel và kinh doanh dịch vụ, thương mại nằm trong Cụm công nghiệp này. Dự án này cũng chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với 20 cơ sở hoạt động trong Cụm công nghiệp Ba Hàng (7 cơ sở còn lại đã dừng hoạt động, chưa hoạt động hoặc chỉ thuê nhà xưởng làm kho chứa, không thuộc đối tượng kiểm tra), có tới 16 cơ sở còn tồn tại, vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động như: Không có thủ tục môi trường; Không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình quan trắc chất thải; không báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo quy định; Xả nước thải, khí thải có thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép ra ngoài môi trường…
Trong số đó, 11 cơ sở không có thủ tục môi trường như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận theo quy định là: Công ty Thương mại vận tải Thành Đạt, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Việt Hòa, Công ty Cổ phần Công nghệ FMAN, Công ty TNHH Thương mại Hồng Thịnh HD, Công ty TNHH MTV Thương mại Thành Dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Thức ăn chăn nuôi Phương Đông, Công ty TNHH Trường Phát HD, Công ty TNHH Sheng Wei Việt Nam, Công ty TNHH MTV Quạt điện Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế LIMICO-HD, Cơ sở của ông Phạm Ngọc Biên.
Ngoài các cơ sở không có thủ tục môi trường, có 4 cơ sở thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại nhưng vẫn chưa thực hiện đăng ký theo quy định là Công ty TNHH Cơ điện An Lai Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Việt Hòa, Công ty Cổ phần Công nghệ FMAN và Công ty TNHH Thương mại Hồng Thịnh HD.
3 cơ sở không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình quan trắc chất thải theo quy định gồm: Công ty TNHH Cơ điện An Lai Việt Nam, Công ty Cổ phần Q&T và Công ty Cổ phần Viotex.
3 cơ sở xả khí thải, nước thải có thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép là Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Hưng Long (xả khí thải vượt quy chuẩn), Công ty TNHH Cơ điện An Lai Việt Nam và Công ty Cổ phần đầu tư Quốc tế (xả nước thải vượt quy chuẩn).
Ngoài ra, 2 cơ sở không xây dựng hoặc xây dựng không đúng quy định về công trình xử lý chất thải theo quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường là Công ty TNHH Cơ điện An Lai và Công ty Cổ phần Quốc tế Q&T…
Chính quyền vào cuộc
Căn cứ kết quả kiểm tra và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương kiến nghị UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Ba Hàng là Công ty Thương mại và vận tải Thành Đạt phải thực hiện rà soát, xác định rõ các ngành nghề thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, không thu hút ngành nghề sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không có ngành nghề cho thuê nhà xưởng đối với dự án thứ cấp.
Chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp nếu thực hiện hoạt động cho thuê nhà xưởng thì phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhà xưởng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy phù hợp cho các ngành nghề thuê nhà xưởng. Ngoài ra, chủ đầu tư phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hoạt động Cụm công nghiệp Ba Hàng, tăng cường công tác phối hợp với các Sở, ngành để hoàn thiện quy hoạch cụm, hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường như hệ thống thu, thoát nước mặt độc lập với hệ thống thu gom và xử lý nước thải, hệ thống cây xanh tạo cảnh quan và cách ly với khu vực xung quanh…
Trước đó, theo đại diện Phòng Tài nguyên môi trường TP.Hải Dương, hồi tháng 3 năm nay, UBND TP đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cụm công nghiệp trước thông tin phản ánh của người dân về tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm môi trường tại cụm công nghiệp Ba Hàng.
Kết quả kiểm tra xác nhận có việc tồn đọng nước thải đen tại mương thoát nước chảy vào cánh đồng thôn Vũ La. Đoàn kiểm tra đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp (Chi nhánh Công ty cổ phần Dược phẩm synntech - Nhà máy Hải Dương; Công ty TNHH gỗ Richland; Công ty cổ phần Q&T; Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Phương Đông; Công ty cổ phần Xây lắp Toàn Cầu) với tổng số tiền xử phạt 200 triệu đồng.
Trong đó, 3 công ty có sai phạm liên quan đến hệ thống xử lý nước thải. Một công ty vừa xảy ra sự cố khiến nước thải bị ngấm ra môi trường xung quanh. Hiện đến nay các vấn đề này đã được giải quyết, không phát sinh việc xả thải ra môi trường, chỉ còn lại nước thải sinh hoạt của cụm công nghiệp thải ra con kênh mà người dân phản ánh.
Lan Anh (T/h)