Thứ sáu, 22/11/2024 22:59 (GMT+7)
Thứ sáu, 24/09/2021 11:00 (GMT+7)

Đề xuất bãi bỏ một số phí thẩm định về xả nước thải vào nguồn nước

Theo dõi KTMT trên

Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ một số loại phí tại dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Bộ Tài chính cho biết, tại điểm c khoản 4 Điều 149 Luật Bảo vệ môi trường quy định bãi bỏ 3 khoản phí tại mục IX Danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trong đó có phí thẩm định đề án xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi.

Căn cứ quy định pháp luật phí và lệ phí, pháp luật bảo vệ môi trường, trên cơ sở đề xuất của Bộ TN&MT, Bộ Tài chính dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất do cơ quan Trung ương thực hiện.

Đề xuất bãi bỏ một số phí thẩm định về xả nước thải vào nguồn nước - Ảnh 1
Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ một số phí thẩm định về xả nước thải vào nguồn nước.

Theo đó, dự thảo Thông tư đề xuất bãi bỏ: Phí thẩm định đề án, báo cáo xả nước thải vào nguồn nước; Phí thẩm định đề án, báo cáo xả nước thải vào nguồn nước đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định một số mức thu phí như sau: Thẩm định đề án thăm dò nước dưới đất, mức thu phí từ 7,6 - 16,4 triệu đồng/hồ sơ.

Đối với thẩm định báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất, mức thu phí từ 9,4 - 17 triệu đồng/hồ sơ. Thẩm định báo cáo hiện trạng khai thác nước dưới đất, mức thu phí từ 8 - 18,4 triệu đồng/hồ sơ. Thẩm định hồ sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn, mức thu phí 3 triệu đồng/hồ sơ.

Đối với thẩm định đề án, báo cáo khai thác sử dụng nước biển, mức thu phí từ 12,8 - 28,8 triệu đồng/hồ sơ.

Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ TN&MT có trách nhiệm tổ chức thẩm định và thu phí theo quy định tại Thông tư này.

Tổ chức thu phí phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Tổ chức thu phí thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí thì được trích để lại 50% trên tổng số tiền phí thẩm định thực thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 50% vào ngân sách Nhà nước.

Trước đó, tháng 9/2020, nhằm cải cách thủ tục hành chính và thống nhất quản lý về môi trường, trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đề xuất tích hợp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi vào Giấy phép môi trường.

Theo Bộ TN&MT, việc tích hợp các Giấy phép vào 1 Giấy phép môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm công tác BVMT

Phân tích cơ sở của việc tích hợp này, Bộ TN&MT cho biết, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Tài nguyên nước 2012 và Luật Thủy lợi 2017, sau khi dự án được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và trước khi vận hành chính thức, chủ dự án phải tiến hành nhiều thủ tục hành chính về môi trường và lĩnh vực liên quan, gồm:

Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (BVMT), Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, Giấy phép xả khí thải công nghiệp; Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (theo quy định tại Luật Tài nguyên nước), Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (theo quy định tại Luật Thủy lợi).

Trong quá trình theo dõi việc thực hiện cấp giấy phép, giấy xác nhận về BVMT, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, Bộ TN&MT nhận thấy có 4 vướng mắc, bất cập.

Bộ TN&MT nhấn mạnh, hoạt động xả thải của doanh nghiệp trên 1 đoạn sông (do cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi quản lý) nhưng có thể tác động đến cả lưu vực (do cơ quan quản lý nhà nước về TN&MT quản lý), khi xảy ra ô nhiễm thì trách nhiệm lại thuộc về ngành TN&MT.

Theo Chinhphu.vn

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất bãi bỏ một số phí thẩm định về xả nước thải vào nguồn nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới