Hải Dương: Cần làm rõ phản ánh Nhà máy sản xuất phân bón phát tán mùi gây ô nhiễm
Người dân thôn Trung Tuyến, xã Bình Dân (Kim Thành), sống gần nhà máy sản xuất, pha chế phân bón thuộc Công ty TNHH thương mại Tuấn Tú phản ánh đến các cơ quan chức năng, báo chí khi phải chịu đựng khói, mùi khét từ nhà máy.
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, trong sản xuất phân bón khi sản sinh ra mùi khét, đó là do quá trình sản xuất axit sunfuric gây ra. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 21:2009/BTNMT đã nêu rõ, nồng độ C của các thông số ô nhiễm trong khí thải công nghiệp sản xuất phân bón hóa học. Theo đó, khi mà người dân cảm nhận thấy mùi khét, có thể đánh giá hệ thống xử lý khí thải của nhà máy, phân xưởng đó chưa đạt yêu cầu.
Liên quan đến nội dung này, gần đây, Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận được phản ánh của người dân thôn Trung Tuyến về việc họ luôn phải sống trong tình trạng thấp thỏm, lo lắng vì phải hứng chịu khói, mùi khó chịu từ việc phát thải trong quá trình sản xuất của nhà máy sản xuất, pha chế phân bón và kinh doanh hàng nông sản, vật tư nông nghiệp thuộc công ty TNHH thương mại Tuấn Tú (Thị tứ Đồng Gia, xã Đồng Cẩm, huyện Kim Thành).
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, chị N. T. T, người dân thôn Trung Tuyến cho biết, mỗi khi phía công ty xã khói gây mùi nồng nặc khó chịu, nhất là những ngày mưa phùn, trời ẩm, khói quện lại không lưu thoát được thì người dân ở Trung Tuyến phải gánh chịu hết.
“Không khí rất khó chịu, mẹ con tôi thường xuyên phải uống thuốc. Tôi không khẳng định hoàn toàn là bị ảnh hưởng từ khói xả, nhưng chỉ biết thời gian nào không có mùi thì khỏe, còn những ngày công ty họ xả thì sáng dậy họng đau rát và phải uống thuốc suốt. Họ làm không theo thời gian cụ thể, có lúc chiều tối, có lúc sáng sớm. Gia đình tôi cũng sản xuất kinh doanh, không muốn làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp họ. Tuy nhiên vì con mình, vì cuộc sống nên phải lên tiếng”, chị T. cho biết thêm.
Để tìm hiểu thêm về tình trạng xả khói gây mùi và ảnh hưởng đến đời sống của người dân, phóng viên được ông C. ,trú tại thôn Phi Gia, xã Đồng Cẩm (người có thửa ruộng canh tác nằm ngày sát tường bao công ty TNHH thương mại Tuấn Tú) cho biết, gia đình ông có 4 sào ruộng canh tác. Vào vụ đông vừa qua, diện tích củ đậu của gia đình ông bị cháy, thiệt hại hết. Sau đó phía công ty đã đền bù cho gia đình 15 triệu đồng cho toàn bộ diện tích hoa màu.
“Mỗi lần khói xả ra khét lẹt, đến hoa màu còn bị vậy, con người hít phải thì không biết sẽ ra sao. Mùi hóa chất nồng nặc. Gia đình bị thiệt hại 4 sào củ đậu, theo giá thị trường như sau Tết năm nay, ông bán tại bờ cũng phải được 30 triệu đồng nhưng sau phản ánh thì công ty chỉ đền bù cho có 15 triệu đồng. Các cháu cứ nhìn mạ thế này thôi, chứ sau chắc bông kém lắm. Đợt này bị người dân kêu xả cũng bớt rồi, chứ trước đây không khí không ngửi được”, ông C. cho biết thêm.
Theo lãnh đạo UBND xã Bình Dân, Công ty TNHH Thương mại Tuấn Tú ở địa bàn xã Đồng Cẩm, nhưng người dân xã Bình Dân, cụ thể là nhân dân thôn Trung Tuyến (nằm ngay sát nhà máy) lại luôn phản ánh về tình trạng khói gây mùi khó chịu do hướng gió đẩy sang địa bàn. Qua phản ánh của người dân, chính quyền địa thường xuyên tiếp nhận thông tin và cử đại diện xuống địa bàn nắm bắt, cũng như báo cáo bằng văn bản tới Sở TN&MT tỉnh, UBND huyện, phòng chuyên môn.
Cụ thể, gần nhất vào ngày 17/2/2024, UBND xã Bình Dân đã có văn bản số 19/BC – UBND đến sở TN&MT, UBND huyện Kim Thành, Phòng TM&MT huyện báo cáo về phản ánh và sự việc người dân tập trung ở khu dân cư mới xã Bình Dân quay phim, chụp ảnh liên quan đến việc công ty phân bón Tuấn Tú đang xả khói ra môi trường. Tuy nhiên, theo ý kiến của người dân, tại thời điểm cột ống khói đã giảm khói như lúc sáng sớm (khoảng 7h sáng).
“Do đặc thù là Công ty Tuấn Tú nằm trên địa bàn xã Đồng Cẩm, nhưng phản ánh, kiến nghị thì lại là người dân xã chúng tôi; trong đó, thôn Trung Tuyến được phản ánh là địa bàn chịu ảnh hưởng khói, mùi nhiều nhất. Vì công ty không nằm trên địa bàn, nên UBND xã chỉ biết ghi nhận, nắm bắt thông tin để báo cáo cấp trên và phối hợp cùng chuyên môn tìm hiểu, xác minh mà thôi”, ông Hoàng Lê Phong, Chủ tịch xã Bình Dân giãi bày.
Để có thông tin đa chiều, khách quan, phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ với ông Đinh Văn Thuật, Tổng Giám đốc công ty TNHH thương mại Tuấn Tú và được ông Thuật gửi số điện thoại, giới thiệu ông Thắng tiếp nhận trao đổi cùng phóng viên. Theo đó, qua điện thoại, ông Thắng cho biết: Những thông tin phản ánh đó chưa và không được kiểm chứng. Việc kiểm chứng cái đó thì đã có nhiều đoàn kiểm tra thực tế làm việc với công ty. Các đợt kiểm tra đều kết luận là thông tin đó không có cơ sở. Và nếu phóng viên cần thông tin rõ hơn về môi trường thì công ty sẽ kết nối phóng viên với cơ quan chức năng của Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện.
Theo biên bản kiểm tra, giám sát của đoàn công tác Sở TN&MT tỉnh Hải Dương, Phòng TN&MT huyện Kim Thành, đại diện UBND các xã Đồng Cẩm, Bình Dân được lập vào ngày 6/3/2024 tại Công ty TNHH thương mại Tuấn Tú vẫn chỉ ra rõ những tồn tại. Cụ thể:
Đối với hệ thống xử lý nước thải, công ty chưa gắn quy trình sản xuất tại chân công trình, bể hiểu khí không có bùn hoạt tính, chưa hoạt động máy sục khí.
Đối với các công đoạn sản xuất tại các nhà xưởng: Nhà xưởng sản xuất phân 3 màu đã bố trí hệ thống xử lý khí thải theo giấy phép môi trường được cấp và đang vận hành bình thường.
Tuy nhiên, quy trình xử lý gắn tại chân công trình chưa đúng thực tế vận hành; Nhà xưởng sản xuất phân ép, chụp hút chưa đảm bảo thu gom toàn bộ khí thải về hệ thống xử lý, còn phát tán ra môi trường. Nhà xưởng sản xuất phân hữu cơ, đang tạm dừng hoạt động, nhưng công ty vẫn bố trí nhiều nguyên liệu, sản phẩm trong nhà xưởng và bị rơi vãi ra nền xưởng gây mùi.
Tại khu vực hành lang bố trí công đoạn vê viên, tạo màu cho sản phẩm là không được phép theo Giấy phép môi trường. Nhà xưởng sản xuất phân NPK hơi nước, chụp hút chưa đảm bảo thu gom toàn bộ khí thải về hệ thống xử lý dẫn đến vẫn phát tán ra môi trường; bố trí công đoạn đánh bóng không có trong Giấy phép môi trường và tại tời điểm kiểm tra, khảo sát hơi nước mang theo nguyên liệu phát tán ra nhà xưởng, gây mùi khó chịu.
Công tác vệ sinh nhà xưởng chưa thực hiện tốt dẫn đến nguyên liệu rơi vãi, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây mùi ra môi trường xung quanh…
Qua kết luận, đoàn công tác đã yêu cầu công ty tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và nội dung yêu cầu tại Giấy phép môi trường số 338/GPMT-UBND ngày 07/02/2024 của UBND tỉnh Hải Dương. Thực hiện khắc phục ngay các tồn tại và thực hiện báo cáo bằng văn bản về sở TN&MT, Phòng TN&MT huyện Kim Thành trước ngày 20/3/2024.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Môi trường không khí có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe con người và tất cả các hệ sinh thái trên trái đất. Con người có thể “nhịn ăn từ 7 đến 10 ngày, nhịn uống từ 2 đến 4 ngày, nhưng chỉ nhịn thở từ 3 đến 5 phút là có thể tử vong”. Sống và làm việc trong môi trường không khí bị ô nhiễm, nhất là bị ô nhiễm nặng, con người sẽ bị các bệnh về đường hô hấp (là chủ yếu), làm trầm trọng thêm bệnh tim mạch và bệnh thần kinh, nguy hiểm nhất là bị bệnh ung thư phổi.
Theo số liệu của WHO thì tổng số người chết bệnh tật (chết non) do ô nhiễm không khí gây ra trên thế giới mỗi năm từ 3,5 đến 7 triệu người. Cũng theo số liệu của WHO tại Việt Nam, ô nhiễm không khí khiến khoảng 50.000 người tử vong mỗi năm và gây ra thiệt hại kinh tế khoảng 240.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 4% - 5% GDP quốc gia, trong đó ô nhiễm không khí trong nhà đóng góp khoảng 50% nguyên nhân gây các bệnh tật chết người đó.
Khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tỉ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25% do ô nhiễm không khí. Cho nên ô nhiễm không khí được coi là “kẻ giết người thầm lặng” và chất lượng không khí là vô cùng quý giá. Việc kiểm soát ô nhiễm không khí xung quanh cũng như không khí trong nhà hiện nay là rất cấp bách.
Huy Tưởng - Việt Phương