Hà Nội và dự án thoát nước ‘tiền trôi, nước ngập’
Mùa mưa năm nay là lần thứ 5 ‘sát hạch’ hệ thống hạ tầng tại dự án thoát nước Hà Nội trị giá hơn 550 triệu USD. Tuy nhiên, ngoài không đáp ứng được các cơn mưa ở mức trung bình, 5 năm qua dự án không giúp Hà Nội xử lý được bất kỳ ‘điểm đen’ ngập úng nào.
Cứ mưa là ngập
Trận mưa đầu mùa vào chiều tối ngày 11/5 đã khiến nhiều khu vực của Hà Nội chìm trong nước. Dù không mới, nhưng xem ra, những cảnh báo về thảm cảnh ngập lụt khi mưa lũ với các đô thị ở Việt Nam không mấy thay đổi, trong đó có hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Theo thống kê, từ đầu mùa đến nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 3 trận mưa lớn, đó là vào các ngày 11/5, 26/4 và 17/4. Cả 3 trận mưa này, đều nhấn chìm nhiều tuyến phố Hà Nội. Với trận mưa chiều tối 11/5, ghi nhận có hơn 50 tuyến phố bị ngập sâu, giao thông hoàn toàn tê liệt.
Lý giải về việc vì sao trong 5 năm qua, kể cả khi dự án thoát nước Hà Nội đã được đưa vào sử dụng nhưng đến nay trên địa bàn thành phố vẫn còn nguyên 11 điểm ngập úng? Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho rằng, từ 11 điểm ngập úng trong năm 2017, tiếp các năm sau đó, trên địa bàn thành phố đã phát sinh cả chục điểm ngập nước khác, do vậy thực tế trong mấy năm qua đơn vị đã tập trung xử lý cả chục điểm này. Với 11 điểm còn tồn tại trong mưa mưa năm nay, đại diện Công ty Thoát nước cho rằng, có cả điểm nằm trong khu vực trung tâm và các quận nằm ngoài Vành đai 2.
Đô thị hóa mất cất bằng vùng lõi
Đầu tiên là sự quá tải trong vùng lõi đô thị với việc mất đi những khoảng trống thoát nước do xây nhà cao tầng, bê tông hóa, khiến các tầng đất có nguy cơ trống rỗng (do không được bù đắp lượng nước ngầm bị khai thác) và lún sụt nghiêm trọng. Tình trạng này hiện hữu ở Hà Nội và TP.HCM đang khiến các khu vực phố cũ lâm vào tình trạng quá tải trầm trọng.
Khi mặt đất dần bị “bê tông hóa”, các khoảng không gian bị chiếm mất, khả năng thẩm thấu nước của đô thị trong trường hợp có mưa lớn sẽ ngày một suy giảm. Và nguy cơ úng ngập khi có những trận mưa như chiều tối ngày 11/5 ở Hà Nội là nhãn tiền.
Một điểm thấy rất rõ là, tiến trình đô thị hóa trong hai thập kỷ qua đã đồng hành cùng với sự biến mất rộng lớn của các thực thể thu nước. Sự mất mát rộng khắp của các khu vực thu nước để dành đất cho xây dựng khiến cho các khu đô thị hiện hữu và các khu ở mới được quy hoạch tăng khả năng bị ngập lụt hơn do mưa lớn hơn, bão tràn vào và những con sông tràn nước. Đặc biệt, mối hiểm họa càng gia tăng khi hạ tầng kỹ thuật không đầy đủ.
Khai thác cùng kiệt tài nguyên đất với hệ số sử dụng cao đã và đang để lại những hệ quả xấu cho chính các đô thị - đó là tình trạng ngập lụt, ô nhiễm, chất lượng cuộc sống suy giảm.
Mất đi các thực thể nước và mảng xanh cũng như tăng môi trường xây dựng cũng gây ra các hậu quả xấu cho khí hậu đô thị. Các đô thị Việt Nam đang chứng kiến sự tăng tiêu thụ năng lượng không cân xứng trong lối sống sử dụng nhiều nguồn tài nguyên hơn của người dân đô thị. Trong trường hợp của các đô thị trong thời kỳ quá độ như TP.HCM hay Hà Nội, sự gia tăng này đã trở thành nguồn thải khí nhà kính lớn nhất trong phạm vi cả nước.
Những dự án thoát nước thành phố chưa thực sự hiệu quả
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để phục vụ mục tiêu thoát nước từ năm 2005 đến nay, UBND TP.Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng vào các dự án thoát nước. Trong đó, đáng chú ý là 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỉ đồng.
Cụ thể, dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng, đã hoàn thành vào cuối năm 2016. Dù vậy, từ sau khi hoàn thành đến nay, Hà Nội vẫn không tránh được ngập úng.
Hai dự án thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía tây Hà Nội gồm các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, một số huyện ngoại thành là dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỉ đồng và dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng.
Trong đó, trạm bơm tiêu Yên Nghĩa có công suất 120 m3/giây bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, giảm ngập úng cho quận Hà Đông, Thanh Xuân; Cụm công trình đầu mối Liên Mạc có công suất 170 m3/giây (gần gấp đôi trạm bơm Yên Sở) bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng, giảm ngập úng cho khu vực quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và phụ cận. Tuy nhiên, đến nay, cả hai dự án này vẫn đang triển khai chậm trễ, việc thoát nước ở khu vực các quận nêu trên vẫn là tự chảy. Theo tiến độ, năm 2020, cả 3 dự án kể trên sẽ phát huy hiệu quả nhưng nhiều điểm ở nội thành Hà Nội vẫn ngập khi trời mưa to. Bên cạnh nguyên nhân các dự án thoát nước chậm tiến độ, thiếu hiệu quả thì việc ao hồ bị lấp, cống rãnh bị nghẹt cũng khiến thủ đô ngày càng ngập nặng.
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng khẳng định, dự án thoát nước Hà Nội đang chứng minh sự không hiệu quả. Một dự án từ thi công cho đến lúc nghiệm thu, đưa vào sử dụng phải qua rất nhiều khâu thẩm định, người đặt bút ký, vậy tại sao lại như thế?
Chuyện dự án chậm tiến độ, lỗi thời…, người dân, giới chuyên gia, khoa học chúng tôi đều biết cả. Có thể đặt chuyện này ở tình huống chuyện đã rồi nhưng để không lặp lại các sai lầm này thì các cơ quan có trách nhiệm ở thành phố cần nghiêm túc làm rõ, chỉ ra sai phạm trong quản lý, điều hành dự án. Việc này dứt khoát phải có người chịu trách nhiệm chứ không thể xuê xoa, không thể để cán bộ, lãnh đạo có trách nhiệm tại dự án thì bình an vô sự, còn dân thì vừa lội nước bì bõm mỗi khi có mưa, vừa trả nợ vốn vay ODA”, bà An đề nghị.
TP.Hà Nội không chỉ thiếu chiến lược quy hoạch thoát nước mà đến nay còn cần đặt ra yêu cầu có thể thích ứng với quy hoạch mở rộng, biến đổi khí hậu đang diễn ra sâu sắc với lượng mưa lớn, thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, việc đô thị hóa mạnh, khó kiểm soát dẫn đến rác thải không được thu gom tốt, gây tắc cống, ngăn dòng chảy của hệ thống thoát nước. Trong khi, việc duy tu, nạo vét cống, khơi dòng chảy vẫn hạn chế... góp phần gây ngập lụt khi mưa lớn.
PGS.TS Ứng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, dự án thoát nước Hà Nội với tổng vốn rất lớn nhưng đến nay việc giải quyết úng ngập không được như kỳ vọng là rất đáng tiếc. Vẫn biết việc ngập úng tại Hà Nội có nhiều nguyên nhân, trong đó có phát triển đô thị mạnh, nhưng đầu tư đến hơn 11.000 tỉ đồng sau đó người dân vẫn phải cắn răng chịu đựng cảnh ngập úng với những trận mưa trung bình thì cơ quan có trách nhiệm cần phải xem lại.
Thanh Thúy