Chủ nhật, 28/04/2024 19:35 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/09/2023 15:57 (GMT+7)

Hà Nội thông qua Đề án thành lập quận Gia Lâm và 16 phường

Theo dõi KTMT trên

Ngày 22/9, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 13, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm.

Tán thành chủ trương thành lập quận

Theo đó, quận Gia Lâm thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Gia Lâm, thành lập 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm.

Cụ thể, thành lập 6 phường trên cơ sở chuyển nguyên trạng 6 xã (lấy theo tên xã) gồm: Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang và Lệ Chi.

Ngoài ra, thành lập 4 phường trên cơ sở 4 xã, thị trấn có sự điều chỉnh địa giới hành chính với nhau gồm: Phường Trâu Quỳ trên cơ sở thị trấn Trâu Quỳ có điều chính địa giới với xã Đa Tốn, Dương Xá; phường Đa Tốn trên cơ sở xã Đa Tốn có điều chỉnh địa giới với thị trấn Trâu Quỳ, các xã Dương Xá, Đa Tốn; phường Kiêu Kỵ trên cơ sở xã Kiêu Kỵ có điều chỉnh địa giới với xã Đa Tốn, Dương Xá; phường Dương Xá trên cơ sở xã Dương Xá có điều chỉnh địa giới với thị trấn Trâu Quỳ, các xã Kiêu Kỵ, Đa Tốn.

Thành lập 6 phường trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính của 12 xã, thị trấn gồm: Phường Yên Viên trên cơ sở nhập thị trấn Yên Viên và xã Yên Viên; phường Phù Đổng trên cơ sở nhập 2 xã Trung Mầu và Phù Đổng; phường Thiên Đức trên cơ sở nhập 2 xã Đình Xuyên và Dương Hà; phường Phú Sơn trên cơ sở nhập 2 xã Kim Sơn và Phú Thị; phường Bát Tràng trên cơ sở nhập 2 xã Bát Tràng và Đông Dư; phường Kim Đức trên cơ sở nhập xã Văn Đức và xã Kim Lan.

Hà Nội thông qua Đề án thành lập quận Gia Lâm và 16 phường - Ảnh 1
Diện tích, dân số và số phường của quận Gia Lâm theo đề án thành lập quận. (Ảnh: Vnexpress)

Như vậy, quận Gia Lâm sau khi được thành lập có diện tích tự nhiên là 116,64 km2 và quy mô dân số là hơn 300.000 người; có 16 phường trực thuộc gồm: Trâu Quỳ, Dương Xá, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng. Kim Đức. Theo Nghị quyết, việc thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm đã cơ bản đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 

Tạo cơ hội thu hút đầu tư

Trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình trên, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội Hoàng Thị Thúy Hằng cho biết ban thống nhất chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho huyện có cơ hội tăng cường thu hút đầu tư.

Việc thành lập quận Gia Lâm có thể giúp địa phương tiếp tục cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khai thác tốt hơn tiềm năng của các xã, thị trấn, nâng cao hơn nữa đời sống người dân...

Tuy nhiên, Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội yêu cầu UBND thành phố làm rõ về kế hoạch, tiến độ, thời gian cụ thể đối với từng nhiệm vụ công việc sau khi đã được thông qua chủ trương, nhằm hoàn thiện hồ sơ và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Báo cáo giải trình thêm, UBND TP. Hà Nội cho biết sau khi có Quyết định của Bộ Xây dựng công nhận khu vực dự kiến thành lập quận, các phường thuộc quận, thành phố sẽ hoàn thiện hồ sơ, đề án trình Chính phủ dự kiến trong tháng 3/2024.

Hà Nội thông qua Đề án thành lập quận Gia Lâm và 16 phường - Ảnh 2
Cơ hội tăng cường thu hút đầu tư.

Huyện Gia Lâm nằm ở cửa ngõ phía Đông của TP.Hà Nội, huyện có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, trọng điểm đã nỗ lực tạo “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; kết nối các tỉnh thành, các trung tâm kinh tế lớn như: Quốc lộ 1A kết nối tỉnh Bắc Ninh, quốc lộ 3 mới (tuyến Hà Nội - Thái Nguyên), quốc lộ 5B kết nối tỉnh Hưng Yên, thành phố Hải Phòng....

Huyện Gia Lâm được xác định là đô thị nằm trong khu vực phát triển mở rộng nội đô về phía Đông của Thủ đô Hà Nội với chức năng chính là phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế... gắn với các ngành công nghiệp, công nghệ cao theo hưởng quốc lộ 5 và quốc lộ 1A.

Cơ sở hạ tầng của huyện Gia Lâm cũng được chú trọng, tập trung xây dựng phát triển theo định hướng phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ, gắn kết giữa Quy hoạch xây dựng đô thị với cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đô thị và phát triển không gian đô thị; đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp; phát huy vai trò, chức năng của đô thị trong mối liên hệ vùng và nội vùng.

Cùng với sự phát triển rất nhanh về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa cao và sự phát triển, lấp đầy của các khu, cụm công nghiệp đã kéo theo lực lượng lao động từ các địa phương khác tới làm việc và sinh sống, làm tăng áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng như: nhà ở, giao thông, y tế... đồng thời tạo ra những khó khăn, áp lực nhất định trong công tác quản lý hành chính, trật tự an toàn xã hội, trật tự xây dựng, quy hoạch kiến trúc, kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên đất, giao thông, nhà ở xã hội, quản lý về kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế và các thiết chế xã hội... đối với bộ máy quản lý hành chính Nhà nước được tổ chức theo mô hình chính quyền nông thôn hiện nay của huyện.

Từ thực tế đó, để đảm bảo cho mục tiêu, định hướng phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho huyện Gia Lâm nói riêng cũng như lợi ích của TP.Hà Nội nói chung, cần có một giải pháp quản lý phù hợp hơn nữa trong công tác chính quyền địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả của chính quyền trong quản lý tổng thể xã hội.

Do đó, việc thành lập quận Gia Lâm sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, tạo tiền đề cho Gia Lâm hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh; khai thác tối đa lợi thế kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng, nâng cao phúc lợi và sự thụ hưởng của người dân.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội thông qua Đề án thành lập quận Gia Lâm và 16 phường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới