Thứ hai, 02/12/2024 20:53 (GMT+7)
Thứ năm, 20/10/2022 16:50 (GMT+7)

Hà Nội: Thí điểm khách đi BRT được sử dụng xe điện miễn phí

Theo dõi KTMT trên

Dự kiến cuối tháng 11/2022, Hà Nội sẽ thí điểm “Mô hình xe điện 2 bánh kết nối phương tiện vận tải hành khách công cộng tuyến BRT: Từ nhà chờ BRT Văn Khê đến Trung tâm thương mại Aeon mall Hà Đông”.

Đến cuối tháng 11/2022, thí điểm mô hình xe điện 2 bánh

Sở GTVT Hà Nội vừa chấp thuận theo đề xuất của Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải  nghiên cứu tổ chức triển khai thí điểm “Mô hình xe điện 2 bánh kết nối phương tiện vận tải hành khách công cộng tuyến BRT: Từ nhà chờ BRT Văn Khê đến Trung tâm thương mại Aeon mall Hà Đông”.

Dự kiến cuối tháng 11/2022 sẽ thí điểm mô hình xe điện 2 bánh trên. Sau thời gian thí điểm sẽ nhân rộng mô hình ra các điểm khác nhằm khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng.

Theo đó, Sở GTVT Hà Nội đề nghị đơn vị nhận thí điểm xây dựng phương án vận hành xe điện 2 bánh đảm bảo ATGT, thông tin hoạt động tuyến xe điện 2 bánh, xây dựng phương án xe gặp sự cố trong quá trình hoạt động...

Đề án thí điểm này được coi là một trong các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc thí điểm xe điện hai bánh giúp hành khách hình thành thói quen sử dụng các loại phương tiện giao thông xanh, đồng thời nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.

Hà Nội: Thí điểm khách đi BRT được sử dụng xe điện miễn phí - Ảnh 1
Dự kiến cuối tháng 11/2022, Hà Nội sẽ thí điểm “Mô hình xe điện 2 bánh kết nối phương tiện vận tải hành khách công cộng tuyến BRT". (Ảnh: Vietnam+)

Hai loại xe điện được sử dụng gồm xe máy điện và xe đạp điện trợ lực. Khu vực thí điểm từ Trung tâm thương mại Aeon mall Hà Đông đến nhà chờ tuyến buýt nhanh BRT Văn Khê. Khi hành khách ở Trung tâm Thương mại Aeon mall Hà Đông có nhu cầu sử dụng xe buýt nhanh BRT sẽ có nhân viên hỗ trợ cài đặt ứng dụng trên điện thoại và khai báo thông tin cá nhân.

Khi thông tin được chấp nhận, người dùng được mượn xe điện hai bánh để di chuyển ra khu vực nhà chờ buýt nhanh BRT điểm Văn Khê rồi trả xe, đón xe buýt BRT. Quy trình từ nhà chờ BRT đến Trung tâm Thương mại Aeon mall Hà Đông cũng tương tự như thế.

Với những người sử dụng phương tiện cá nhân có thể gửi lại tại hai điểm đầu, cuối rồi mượn xe điện hai bánh để di chuyển ra điểm đón xe buýt thường hoặc buýt BRT. Quá trình di chuyển từ hai điểm này được lưu trữ, theo dõi trong hệ thống thông qua ứng dụng đã cài đặt trước đó. Hệ thống này đồng thời cung cấp các chức năng cần thiết cho mô hình chia sẻ xe điện gồm việc theo dõi tình trạng pin cho xe và tăng báo động trong trường hợp có vấn đề phát sinh.

Trong thời gian thí điểm, người dân không phải trả phí dịch vụ, được miễn phí sử dụng hoàn toàn phương tiện. Kinh phí thực hiện từ nguồn tài trợ của Ủy ban châu Âu (EC) và hỗ trợ của các cơ quan tham gia thực hiện phương án thí điểm.

Đẩy mạnh sử dụng phương tiện giao thông xanh 

Thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực, đẩy nhanh phát triển giao thông xanh. Có thể kể đến như việc phát triển hệ thống vận tải công cộng, thu hút người dân đến với tàu điện, xe buýt; thực hiện rà soát các phương tiện xe cá nhân phát thải cao; đưa xe buýt điện vào vận hành…

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”, UBND TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ 37 nhóm giải pháp. Trong đó, các nhóm giải pháp về cải thiện và phát triển hoạt động VTHKCC tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện, hướng tới hình thành một mạng lưới VTHKCC đa phương thức tiên tiến, thân thiện với môi trường. Thành phố đang tích cực đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, mang lại nhiều tiện ích mới cho người dân Thủ đô.

Trước đó, Thông tin từ Sở GTVT Hà Nội cho hay, Hà Nội dự kiến sẽ có 200 điểm trạm thí điểm cho thuê xe với 2.000 xe đạp tại 7 quận thành Hà Nội, giá thuê 30 phút là 5.000 đồng với xe đạp cơ và 10.000 đồng với xe đạp điện. Trước mắt sẽ bố trí các điểm thuê xe tại 7 quận: Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy.

Còn tại 2 quận: Hà Đông và Hoàng Mai, Sở GTVT đang thống nhất với các bên liên quan để bố trí các điểm còn lại.

Dự kiến mức giá cho thuê trong 30 phút là 5.000 đồng/xe đạp cơ và 10.000 đồng/xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng/xe đạp cơ và 120.000 đồng/xe đạp điện. Hệ thống vé có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.

Các điểm bố trí xe sẽ được ưu tiên kết nối với các phương tiện công cộng khác như xe buýt, metro hay những điểm tập trung đông người như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại…

Trong giai đoạn 1 (năm 2022 – 2023) sẽ thực hiện tại 9 quận trên. Còn giai đoạn 2 sẽ mở rộng vùng phục vụ, quy mô 3.000 xe, bố trí tại 350 điểm. Chậm nhất trong Quý IV/2022, người dân Hà Nội có thể trải nghiệm dịch vụ mới mẻ này.

Bên cạnh đó, TP.Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch chuyển đổi năng lượng xanh trong hoạt động vận tải hành khách công cộng. Dù còn không ít khó khăn song lộ trình, phương án thực hiện sẽ được tính toán kỹ lưỡng để vừa bảo đảm bám sát chỉ đạo của của Thủ tướng,..

Thống kê của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cũng cho thấy, với tổng số phương tiện gần 1.100 xe, Transerco đang vận hành 83 tuyến buýt đấu thầu và 1 tuyến buýt BRT đặt hàng. Từ năm 2016 đến nay, Transerco đã tập trung đầu tư gần 600 xe buýt mới tiêu chuẩn khí thải Euro 3, 4 để thay thế các phương tiện cũ. Số phương tiện dưới 5 tuổi hiện là khoảng 800 xe, chiếm trên 73% tổng số phương tiện.

Dự kiến, tổng số phương tiện đủ điều kiện đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện từ năm 2025 là 225 xe, chiếm 21,3% đoàn phương tiện hiện có. Các phương tiện vẫn còn niên hạn sử dụng sau khi đấu thầu lại từ năm 2025 sẽ được thay thế dần trong 2 - 4 năm kể từ khi đấu thầu lại.

Dưới góc độ chuyên gia môi trường, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Cộng đồng cho rằng, câu chuyện phát triển giao thông xanh tại các đô thị lớn tại Việt Nam là một hành trình dài, bởi để thực hiện được mục tiêu này cần một lộ trình dài hơi. 

“Phát triển đô thị xanh, không gian xanh là định hướng mang tính chiến lược cần có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng”, PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.

Đặc biệt, thay đổi nhận thức cần cả một quá trình, chúng ta cần phải song song tích cực giáo dục và truyền thông, để người dân tiếp cận được với vấn đề giao thông xanh, về những lợi ích của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng…

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Thí điểm khách đi BRT được sử dụng xe điện miễn phí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới