Thứ năm, 28/11/2024 06:38 (GMT+7)
Thứ ba, 20/07/2021 15:55 (GMT+7)

Hà Nội: Tạo điều kiện cho người dân thực hiện thủ tục đất đai

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh dịch bệnh, Hà Nội vẫn tạo điều kiện cho người dân thực hiện thủ tục đất đai và đảm bảo công tác phòng dịch.

Ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở TN&MT Hà Nội cho biết: Khi chưa có dịch Covid-19, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 60 - 70 hồ sơ liên quan đến việc đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất; đăng ký giao dịch đảm bảo; đăng ký biến động; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác…

Tuy nhiên, giai đoạn gần đây, số lượng hồ sơ Văn phòng tiếp nhận và phải xử lý lên đến khoảng 200 hồ sơ. Nhu cầu của người dân liên quan đến giao dịch đảm bảo tăng đột biến… Đây là thách thức và khó khăn lớn đối với lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng khi vừa phải hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, vừa đảm bảo yêu cầu phòng, ngừa lây lan dịch bệnh Covid-19.

Hà Nội: Tạo điều kiện cho người dân thực hiện thủ tục đất đai - Ảnh 1
Khuyến cáo 5K của Bộ Y tế được chấp hành nghiêm tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội. (Ảnh: Phạm Oanh)

Để khắc phục những khó khăn trên, lãnh đạo Văn phòng đã sát sao chỉ đạo và có nhiều sáng tạo trong công tác tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ. Trong đó, Văn phòng triển khai lập 29 hòm thư điện tử để tiếp nhận việc đăng ký giao dịch đảm bảo trong giai đoạn Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Ngoài ra, Văn phòng cũng hướng dẫn và hỗ trợ người dân lấy số thứ tự giải quyết các thủ tục hành chính qua mạng. Sau khi xếp số, cán bộ Văn phòng sẽ liên hệ, đặt lịch hẹn ngày, giờ cụ thể để người dân đến Văn phòng làm các thủ tục theo yêu cầu.

“Trong lúc xếp số, đặt lịch hẹn, Văn phòng sẽ ưu tiên giải quyết cho các trường hợp là người già, người khuyết tật, các hồ sơ sắp đến hạn trả nợ, bị phạt...”, Giám đốc Trần Anh Dũng cho biết thêm.

Không những thế, Văn phòng còn bổ sung thêm máy lấy số thứ tự tại Văn phòng và bố trí cán bộ hướng dẫn người dân kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ trước khi vào lấy số thứ tự và nộp hồ sơ nhằm tránh mất thời gian của người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục. Đồng thời, cũng hạn chế được số lượng hồ sơ chưa hợp lệ, giảm mật độ tập trung người tại các quầy tiếp nhận hồ sơ.

Cùng đó, Văn phòng phối hợp với UBND, lực lượng Công an phường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm túc các quy định, khuyến cáo của Bộ Y tế về thông điệp “5K” (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế).

Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp trên, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, hỗ trợ tích cực cho người dân và doanh nghiệp, vừa đảm bảo công tác phòng, ngừa lây lan dịch bệnh Covid-19.

Theo Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26/10/2019 quy định về việc thanh toán nợ tiền sử dụng đất (Nghị định 79) của Chính phủ; các hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2016 mà chưa thanh toán thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận (hoặc theo số tiền ghi trên Giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật) đến hết ngày 28/2/2021.

Từ ngày 1/3/2021, các hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất mà chưa thanh toán thì sẽ phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.

Trên thực tế, giá đất của năm 2021 trở đi cơ bản cao hơn giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đơn cử như tại Hà Nội, bảng giá đất đang được áp dụng theo Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024. Theo đó, bảng giá đất mới đã cao hơn khá nhiều so với các giai đoạn trước, người nợ tiền sử dụng đất lâu năm thậm chí có thể sẽ phải nộp số tiền cao gấp hàng chục lần nếu thanh toán sau ngày 1/3/2021.

Xuân Hòa (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Tạo điều kiện cho người dân thực hiện thủ tục đất đai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.

Tin mới

Việt Nam thúc đẩy tài chính xanh, chuyển đổi xanh
Ngày 27/11, tại Hà Nội diễn ra Tọa đàm: "Thúc đẩy tài chính xanh - Hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam" với sự tham gia của đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội ngân hàng, công ty tài chính.