Hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai
UBND các tỉnh vừa báo cáo về tình hình vi phạm sử dụng đất tới Bộ TN&MT, trong đó, có hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) vừa công bố danh sách hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai ở một số địa phương trên cả nước. Các sai phạm chủ yếu là sử dụng đất sai mục đích, không đưa đất vào sử dụng, chậm đầu tư... hay qua kiểm tra, hậu kiểm một số trường hợp vẫn chưa khắc phục các tồn tại.
Đây là danh sách các tổ chức vi phạm pháp luật về đất đai được Sở TN&MT, UBND các tỉnh gửi tới Bộ TN&MT trong tháng 5 và tháng 6/2021.
Việc công khai vi phạm pháp luật đất đai ở các địa phương được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013; Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo cho hoạt động quản lý nhà nước về đất đai được diễn ra đúng khuôn khổ pháp luật và hiệu quả hơn.
Tại tỉnh Phú Thọ có 29 trường hợp (tổ chức sử dụng đất) vi phạm pháp luật đất đai. Một số tổ chức sử dụng đất vi phạm với diện tích lớn như: Công ty CP Khoáng sản và luyện kim Thăng Long chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích hơn 126.000 m2; Công ty CP Bảo Sơn Xanh hơn 147.000 m2; Công ty TNHH Chế biến thực phẩm GOC hơn 41.000 m2…
Tại Điện Biên, có 5 trường hợp vi phạm, gồm: Công ty CP Thịnh Vượng; Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Ngọc Dũng; Công ty CP chế biến nông sản Điện Biên; Công ty CP Giống lâm nghiệp Trung ương, chi nhánh Điện Biên; Công ty CP Đầu tư xây dựng và công nghệ môi trường tỉnh Điện Biên.
Một số tỉnh có nhiều trường hợp vi phạm như: Phú Yên 21 dự án, công trình vi phạm; Hà Tĩnh có 30 tổ chức vi phạm; Đồng Nai có 54 dự án vi phạm...
Theo các chuyên gia môi trường, tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai xảy ra phổ biến trong các hoạt động chủ yếu như: Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất không đúng mục đích, không qua đấu giá quyền sử dụng đất, không theo quy hoạch đã được phê duyệt; Thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, người sử dụng đất có đất bị thu hồi, nhà đầu tư, chậm trễ trong trả tiền đền bù.
Quản lý đất đai trước và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vi phạm trong việc xác định giá trị đất đai trước khi cổ phần hoá; chuyển mục đích sử dụng đất sau khi cổ phần hoá. Cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng trình tự thủ tục, không đúng thẩm quyền. Quản lý quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất không tương thích với các quy hoạch khác, thường xuyên bị điều chỉnh…
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các vi phạm trên là do còn có những hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai cũng như sự chồng chéo, chưa thống nhất trong một số quy định giữa Luật Đất đai 2013 với các hướng dẫn thi hành luật và với một số luật khác. Điều này dẫn đến sự lúng túng trong quản lý và tạo ra những khe hở của luật pháp để một số cá nhân và tổ chức lợi dụng tham nhũng và trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước. Thêm vào đó năng lực của bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai còn chưa cao, nhất là chất lượng nguồn nhân lực. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai còn sơ sài, thiếu thống nhất…
Phát biểu tại “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI: Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai" ngày 29/6, ông Nguyễn Hòa Bình (Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao) nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai. Ông Nguyễn Hòa Bình cũng đưa ra 4 vấn đề cần lưu ý:
Một là, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật chủ đạo là Luật Đất đai và hệ thống pháp luật liên quan: Phải đơn giản, tiện ích, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực thi; đồng bộ thống nhất với Hiến pháp, với các đạo luật, khắc phục xung đột, chồng chéo; bổ sung những khoảng trống chưa được điều chỉnh. Luật Đất đai phải tạo ra hành lang pháp lý chống được vi phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, đấu giá, đấu thầu. Đặc biệt phải đảm bảo quyền, lợi ích người dân theo nguyên tắc thị trường.
Hai là, tổ chức thực hiện các luật hiện hành, đặc biệt thực thi Luật Đất đai phải bảo đảm đầy đủ, nghiêm chỉnh hơn, tránh dự án giao rồi thành dự án treo, làm lãng phí nguồn lực; tăng cường thanh tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm, tội phạm.
Ba là, nghiên cứu, tổ chức lại các cơ quan thực thi pháp luật về đất đai một cách chuyên nghiệp hơn, đồng bộ hơn, trong đó có Tòa án về đất đai, cơ quan Thanh tra về đất đai.
Bốn là, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai.
Xuân Hòa (T/h)