Thứ sáu, 27/12/2024 04:12 (GMT+7)
Thứ tư, 12/01/2022 16:08 (GMT+7)

Hà Nội: Không bán hàng tại chỗ 'thiệt hại đủ đường'

Theo dõi KTMT trên

Do tình hình dịch bệnh mà liên tiếp các quận, huyện ở TP Hà Nội cấm bán hàng tại chỗ. Quy định này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người lao động ngay trong trạng thái "bình thường mới".

Kinh doanh hàng quán tại Hà Nội loay hoay với những quy định

Tập thể những nhà sáng lập và chủ sở hữu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống (F&B) gửi lãnh đạo TP Hà Nội kiến nghị cho phép hàng quán ở Hà Nội bán tại chỗ, đây được xem là biện pháp cứu trợ ngành này.

Cụ thể, các doanh nghiệp cho biết ngay khi ngành F&B đang dần hồi phục thì lại "lảo đảo đứng không vững" vì liên tiếp các quận, huyện ở TP Hà Nội cấm bán hàng tại chỗ.

Theo các chủ doanh nghiệp, việc hạn chế bán hàng tại chỗ khi dịch mới ở cấp độ 3 là chưa đúng với Nghị quyết 128. Họ kiến nghị UBND TP Hà Nội có ý kiến chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ theo Nghị quyết này.

Hà Nội: Không bán hàng tại chỗ 'thiệt hại đủ đường' - Ảnh 1
Việc hạn chế bán hàng tại chỗ khi dịch mới ở cấp độ 3 là chưa đúng. (Ảnh minh họa)

Những quy định này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong phục hồi kinh doanh mà còn kéo theo hệ lụy cho người lao động và toàn ngành kinh tế.

Xét ở góc độ người lao động, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy gần 40% lao động cả nước làm việc trong ngành dịch vụ (bao gồm du lịch, khách sạn, F&B).

Riêng nhân sự ngành F&B, theo VCCA, chiếm khoảng 10% dân số. Khi chỉ cho phép bán mang về, trong trường hợp những hàng quán không thể vận hành theo mô hình này, người lao động sẽ mất việc làm và thu nhập.

Còn đối với thành phố, ngân sách sẽ bị ảnh hưởng do doanh nghiệp không thể mở cửa kinh doanh. Chưa kể, việc cấm bán tại chỗ còn cản trở việc thu hút thực khách quốc tế, trong bối cảnh phục hồi du lịch.

"Việc cấm phục vụ tại chỗ không chỉ làm giảm độ hấp dẫn của ngành du lịch, mà còn làm du khách lo ngại nhiều hơn về mức độ an toàn và khả năng phòng dịch của nước ta khi đưa ra quyết định", các doanh nghiệp nhấn mạnh.
Do đó, các doanh nghiệp đề xuất UBND TP cân nhắc và xem xét các biện pháp hạn chế thực sự có hiệu quả, nâng cao thói quen phòng ngừa của người dân thay vì tạo thêm khó dễ.

Hiện nay, một số phường, quận ở Hà Nội chỉ cho phép hàng quán bán mang về. Với những địa phương cho phép phục vụ tại chỗ, thời gian mở cửa chỉ được kéo dài đến 21h.

Nhiều chủ cửa hàng chọn đóng cửa thay vì bán mang về

Không hiệu quả khi áp dụng bán mang về, nhiều quán ăn, chuỗi đồ uống có tiếng tại Hà Nội chọn cách đóng cửa. Chủ kinh doanh lo lắng khi chịu tiền thuê hàng chục triệu mỗi tháng.

Làm việc tại một quán cà phê nằm trên phố Đinh Liệt (quận Hoàn Kiếm), trước đây, công việc của Đặng Ngọc Lâm (giữa) luôn bận rộn vì đông khách. Từ khi quận Hoàn Kiếm áp dụng bán mang về do trở thành vùng cam, Lâm cũng tạm nghỉ làm. Thỉnh thoảng cậu cùng các nhân viên khác qua quán dọn dẹp vệ sinh, tưới cây.

Cửa hàng đồ uống hai mặt tiền nằm tại ngã ba Đinh Liệt và Cầu Gỗ với diện tích kinh doanh 3 tầng có giá thuê 80-100 triệu đồng/tháng nhưng đến nay đóng cửa dài ngày. "Quán em có khoảng chục nhân viên nhưng hiện tại đều nghỉ hết. Cửa hàng chủ yếu kinh doanh không gian, khách tới ngồi thưởng thức đồ uống, ngắm phố xá là chính nên bán mang về cũng không được là bao nhiêu", Lâm nói.

Tiệm phở nổi tiếng trên phố Lý Quốc Sư cũng không chọn cách bán mang về. Theo đầu bếp của quán, tuy không phải chịu tiền thuê mặt bằng vì đây là nhà riêng, nhưng việc bán mang về không thể bù cho tiền nguyên liệu, vận hành, nhân viên... nên quán cũng đóng cửa.

Một quán bún nằm trên phố Vạn Bảo (Ba Đình) có mức thuê 35 triệu đồng/tháng cũng đã nghỉ bán nhiều ngày nay. Theo chị Trương Vân (chủ quán), quán của chị không bán hàng qua các kênh điện tử, chủ yếu là khách quen tới cửa hàng nên khi thành phố yêu cầu quận Ba Đình áp dụng bán mang về với hàng ăn, gia đình chị cũng đành nghỉ bán. "Tình hình này chỉ mong dịch mau chóng qua đi để buôn bán được ổn định. Chứ cứ mở ra rồi lại đóng liên tục như này, người kinh doanh khổ lắm", chị Vân nói.

Anh Phương (28 tuổi), chủ một quán ăn tại phố Hàng Hành, phường Hàng Trống chia sẻ: "Hết mở rồi lại đóng, việc kinh doanh của tôi bị ảnh hưởng nhiều khi các quyết định cứ liên tục thay đổi".
"Việc đưa ra thời gian đóng cửa trước 21h cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bởi thời gian mở cửa kinh doanh quá ngắn, chưa đủ để thỏa mãn nhu cầu của thực khách", kiến nghị thư nói thêm.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội tối 11/1 ghi nhận 2.884 ca nhiễm mới, triển khai hơn 42.000 cuộc gọi hỗ trợ F0 trong một tuần.
24 giờ qua, toàn bộ 30 quận, huyện của Hà Nội đều ghi nhận ca nhiễm mới. 4 quận, huyện ghi nhận số ca nhiễm cao trong ngày gồm Đống Đa 156, Thanh Xuân 141, Hoài Đức 123, Đông Anh 101. Bộ Y tế công bố Hà Nội 9 ca tử vong trong ngày 11/1.
Tính đến ngày 10/1, thành phố đang điều trị cho 48.524 F0. Trong đó, 38.685 người điều trị tại nhà, 8.553 người điều trị tại các cơ sở thu dung và bệnh viện tầng 2-3, 349 người điều trị tại hai bệnh viện tuyến trung ương là Nhiệt đới và Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Đại học Y Hà Nội.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Không bán hàng tại chỗ 'thiệt hại đủ đường'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Việt Nam đã thành công trong năm 2024
Trong suốt năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, Việt Nam kiên cường vượt qua để tăng trưởng nhanh nhất khu vực.