Hà Nội đôn đốc thực hiện nghiêm việc ứng phó với dịch tả lợn châu Phi
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội vừa ban hành Công văn số 151/CNTY-QLVB đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục ứng phó với dịch tả lợn châu Phi.
Công văn nêu rõ, từ ngày 24/2 đến nay, trên địa bàn thành phố, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 5.840 hộ chăn nuôi thuộc 307 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện, thị xã (Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hà Đông, Ứng Hòa, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Tây Hồ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Sơn Tây, Nam Từ Liêm); làm mắc bệnh và tiêu hủy 91.317 con lợn.
Mặc dù, các nơi có bệnh dịch được giám sát, phát hiện kịp thời, khoanh vùng, xử lý dứt điểm; được các cấp, ngành và chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống; tuy nhiên, bệnh dịch này vẫn có diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn.
Để tiếp tục khống chế, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, thành phố.
Trong đó, cần chú trọng một số giải pháp trọng tâm, như: chủ động có kế hoạch tuyên truyền, giải pháp thúc đẩy tiêu dùng thịt lợn khỏe mạnh của nhân dân trên địa bàn, khuyến cáo để người tiêu dùng không “quay lưng” lại với thịt lợn; khuyến cáo người chăn nuôi không nhập đàn… hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong giai đoạn hiện nay.
Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, hộ chăn nuôi về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; đặc biệt nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, chủ vật nuôi trước tình hình cấp bách về bệnh dịch tả lợn châu Phi, như: hiện nay bằng nhiều hình thức tuyên truyền trên loa truyền thanh, tổ chức đoàn thể, chính trị, họp dân…
Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện đầy đủ, đúng quy trình kỹ thuật quy trình tiêu hủy lợn và sản phẩm của lợn mắc bệnh sử dụng đầy đủ bảo hộ phòng dịch, bố trí địa điểm chôn xác động vật mắc bệnh và quản lý hố chôn xác động vật mắc bệnh theo quy định. Hố chôn xác động vật phải có biển cảnh báo người ra vào khu vực; có trách nhiệm quản lý, tổ chức kiểm tra định kỳ và xử lý kịp thời các sự cố sụt, lún, xói mòn, rò rỉ, bốc mùi của hố chôn…
Lấy mẫu xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi đối với các địa phương (thôn, xã) lần đầu có lợn ốm, chết có các triệu chứng điển hình phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. Đối với các địa phương (thôn, xã) đã có kết luận dương tính với bệnh dịch: các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khi lợn ốm, chết có các triệu chứng lâm sàng điển hình bệnh dịch tả lợn châu Phi thì sử dụng test nhanh để chẩn đoán; các cơ sở chăn nuôi vừa và lớn (trang trại, gia trại, hợp tác xã, công ty) khi lợn ốm, chết có triệu chứng lâm sàng điển hình, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm gửi Chi cục Thú y Vùng I, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương. Chỉ lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn có triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch tả lợn châu Phi và lợn chết với số lượng tối đa 5 mẫu/đàn có lợn bệnh (có thể đề xuất đơn vị xét nghiệm xét nghiệm mẫu gộp để giảm kinh phí); không lấy mẫu lợn khỏe mạnh. Thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác tới cộng đồng về chủ trương, chính sách và các quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh.
Theo PLXH