Hà Nội: Báo động ô nhiễm không khí từ các công trình xây dựng
Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh kéo theo đó là hàng loạt công trường đua nhau nở rộ, thực trạng ô nhiễm môi trường từ các dự án xây dựng cũng đang là vấn đề nhức nhối tại Hà Nội.
Ô nhiễm không khí từ công trình xây dựng gây bức xúc
Theo các chuyên gia lĩnh vực môi trường, bên cạnh những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội tăng cao như biến đổi khí hậu, xả thải từ phương tiện giao thông; tình trạng đốt rơm rạ còn nhiều; thu gom rác thải, bùn thải chưa được xử lý… còn có một nguyên nhân quan trọng, đó là bụi từ các công trình xây dựng và các hoạt động vận chuyển vật liệu xây dựng.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có con số cụ thể tác động của xây dựng đến ô nhiễm không khí, nhưng nhận định: "Trong những năm gần đây, hoạt động xây dựng các khu chung cư, cầu đường, sửa chữa nhà, vận chuyển vật liệu và phế thải xây dựng... diễn ra ở khắp nơi, đặc biệt là các đô thị lớn. Các hoạt động như đào lấp đất, đập phá công trình cũ, vật liệu xây dựng bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển thường gây ô nhiễm bụi đối với môi trường xung quanh".
Theo Đội Thanh tra GTVT Hà Nội, xe tải chở quá khổ, quá tải diễn ra ở tất cả các phố trong nội thành, nơi có công trình xây dựng hoạt động. Xe tải chở đất đá từ nội thành, mang ra ngoại thành đổ.
Từ đầu năm tới nay, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội xử lý 3.618 trường hợp xe tải làm rơi vãi, lôi kéo đất đá ra đường, phạt tiền trên gần 11 tỉ đồng. Riêng trong tháng 10 đã lập biên bản vi phạm hành chính 326 trường hợp, phạt tiền gần 1 tỉ đồng.
Theo Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, các vi phạm về chở vật liệu xây dựng không che chắn rơi vãi ra đường, đổ trộm phế thải chủ yếu diễn ra ban đêm, gây khó khăn cho công tác xử lý.
Theo báo Hà Nội mới, qua ghi nhận mới đây tại nhiều tuyến đường phát hiện hàng loạt các xe tải chở vật liệu xây dựng làm rơi vãi đất, cát khắp tuyến đường, các căn nhà ven đường luôn bị phủ kín bụi gây ô nhiễm gây bức xúc cho người dân.
Cụ thể, tại quận Hoàng Mai, nhiều công trình xây dựng lớn trên các phố Tân Mai. Trương Định... trong quá trình đổ bê tông hoặc vận chuyển vật liệu rời, đất, cát... làm rơi vãi hoặc lôi kéo đất, cát từ trong công trình ra đường.
Tại khu vực Đại lộ Thăng Long, tình trạng xe tải đổ trộm bùn, đất, phế thải xây dựng vẫn tồn tại. Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) - Chi nhánh Cầu Diễn Trần Văn Khải cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý 15 vụ vi phạm tại khu vực này.
Đa số bụi bẩn còn xuất phát từ việc các công trình xây dựng không có hệ thống màn che, lưới chắn, không rửa cầu xe ô tô vào, ra công trình, kéo theo bụi bẩn ra ngoài.
Được biết, trên địa bàn TP.Hà Nội hiện có hàng nghìn công trường xây dựng lớn, nhỏ đang trong giai đoạn thi công. Ngoài ra, mỗi tháng có khoảng hơn 10.000m2 đường bị đào bới để triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Thực tế, tại nhiều công trình dự án đang thực hiện, chủ đầu tư cũng có một số biện pháp để giảm tải ô nhiễm do qua trình hoạt động xây dựng của mình gây ra như: Rửa xe chở vật liệu từ công trường đi ra, sử dụng xe tưới rửa mặt đường gần công trường thi công,…
Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ dừng lại ở mức độ hình thức bởi xe trên đường vận chuyển đã gây tác động đến môi trường như quá khổ, quá tải gây rơi vãi, không được rửa từ điểm tập kết bến bãi,… hay tưới rửa mặt đường nhưng lượng nước chỉ đủ thấm ướt cát bụi chứ không thể rửa sạch hoàn toàn đất, cát, vương vãi trên đường.
Cần xử lý nghiêm
Những năm qua, chất lượng không khí Hà Nội liên tục ở mức đáng báo động. Thậm chí vào mùa đông, có thời điểm Hà Nội còn nằm trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Theo một kết quả nghiên cứu gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hiện chất lượng môi trường của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã và đang giảm sút nghiêm trọng. Mỗi năm, môi trường không khí thành phố phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2. Trong đó, quá trình phá dỡ, đào, san lấp, vận chuyển vật tư và tập trung nhiều thiết bị thi công có sử dụng động cơ diezen công suất cao đã phát thải khí độc hại như SO2, NOx, CO… làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trên một diện rộng quanh khu vực thi công.
Mới đây, trao đổi với báo Hà Nội mới, ông Bùi Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình cho rằng, để giảm thiểu bụi bẩn do các dự án xây dựng gây ra, UBND quận yêu cầu Đội Quản lý trật tự xây dựng quận thường xuyên kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư phải có bạt che chắn. Đồng thời, UBND quận cấp giấy phép cho các đơn vị được quây tôn, sử dụng hè phố để trung chuyển vật liệu xây dựng đúng quy định, giảm thiểu bụi.
Chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, ở đô thị lớn như Hà Nội, việc xây dựng, phá công trình cũ để làm các công trình mới diễn ra thường xuyên và liên tục. Nhiều công trình không được che chắn theo quy định; phát tán bụi cả trong và ngoài công trường. Tuy nhiên, số công trình bị phạt nặng hay đình chỉ thi công do gây bụi thì rất ít.
Hà Nội đang bước vào giai đoạn ô nhiễm không khí nhất trong năm. Bên cạnh nỗi lo ô nhiễm từ các phương tiện giao thông thì thực trạng ô nhiễm môi trường từ các công trường dự án xây dựng đang trở thành nỗi lo hiện hữu.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng, các chuyên gia cho rằng, các tổ chức, cá nhân khi tháo dỡ công trình cần tuân thủ đúng quy định về bảo vệ môi trường. Các đơn vị thi công hè, đường phải nghiêm khắc hơn trong việc "làm gọn, dọn sạch" - không để vương vãi cát, xi măng, phế thải... sau khi thi công.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng theo phân cấp cần tăng cường giám sát, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, phải chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý.
Nhật Hạ