Thứ tư, 24/04/2024 11:38 (GMT+7)
Thứ ba, 27/07/2021 06:26 (GMT+7)

Hà Nội: Bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch bệnh

Theo dõi KTMT trên

UBND thành phố yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại, kể cả bán hàng 24/7 nếu thấy cần thiết.

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 2377/UBND-KT về việc bảo đảm lưu thông, tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Công Thương thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch bảo đảm hàng hóa trên cơ sở dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng và khả năng cung ứng hàng hóa trong và ngoài thành phố để tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai các nhiệm vụ bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kết nối cung cầu, tổng hợp, cung cấp thông tin nguồn hàng hóa thiết yếu, nông sản mùa vụ đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn thành phố để tổ chức khai thác, dự trữ hàng hóa phòng, chống dịch.

Hà Nội: Bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch bệnh - Ảnh 1
Các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, phục vụ người dân. (Ảnh: Báo Lao Động Thủ đô)

Thành phố cũng yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, đơn vị kinh doanh tăng cường khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; đẩy mạnh bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại, kể cả bán hàng 24/7 nếu thấy cần thiết.

Sở Công Thương phối hợp cùng Sở NN&PTNT và các lực lượng chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc các quầy hàng thiết yếu trong các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các điểm được phép bán hàng bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch; bố trí khu vận chuyển hàng hóa trung gian, kho bãi bảo đảm giãn cách, hạn chế tiếp xúc trực tiếp; chỉ đạo các đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ xây dựng phương án cụ thể quản lý số lượng người ra vào trong chợ cùng một thời điểm bảo đảm phòng, chống dịch.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, đơn vị lập danh sách về nhu cầu vận chuyển, điểm đi - đến của các phương tiện lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn Hà Nội, gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Công an thành phố tạo điều kiện, ưu tiên trong việc kiểm tra, kiểm soát, phân luồng giao thông để kịp thời vận chuyển, cung ứng hàng hóa trên địa bàn Hà Nội và báo cáo Bộ GTVT cấp phép vận chuyển theo “luồng xanh” đối với các doanh nghiệp tham gia lưu thông trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường chống hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, đẩy giá…

Sở NN&PTNT rà soát lại các vùng sản xuất để chuyển đổi, mở rộng sang sản xuất rau, củ, thủy sản…. có thời gian ngắn, nhằm chủ động nguồn hàng thiết yếu tự cung, tự cấp cho người tiêu dùng Thủ đô ở mức cao nhất trong các tình huống diễn biến của dịch Covid-19.

Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã thực hiện xét nghiệm trong thời gian ngắn nhất đối với các lái xe vận chuyển hàng hóa cho các hệ thống phân phối theo chỉ đạo của thành phố để kịp thời vận chuyển cung ứng cho thị trường Hà Nội. Xem xét ưu tiên tiêm vắc xin cho đối tượng là lái xe vận chuyển hàng hóa cho các hệ thống phân phối theo chỉ đạo của thành phố.

Sở GTVT xây dựng phương án tổ chức “luồng xanh” trong nội thành cho phương tiện chở hàng hóa, thực phẩm thiết yếu từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội để kịp thời đến các kho hàng điểm bán lẻ và từ các tỉnh, thành phố lưu thông qua địa bàn Hà Nội; đề xuất Bộ GTVT sớm công bố bản đồ “luồng xanh” đối với các tỉnh phía Bắc để các doanh nghiệp nắm bắt, tham gia giao thông thuận tiện bảo đảm hỗ trợ nhanh nhất việc vận chuyển hàng hóa.

Bộ Tư lệnh Thủ đô chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ vận chuyển cung ứng hàng hóa thiết yếu về kịp thời đến đơn vị, khu dân cư, vùng cách ly, khu vực phong tỏa… khi cần thiết.

Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện nay, nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ để phục vụ người dân tăng từ 30 - 50%, trong điều kiện sức mua tăng nóng vài ngày thì nguồn hàng vẫn dồi dào. Thành phố đã đảm bảo dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, sẵn sàng mở cửa thêm giờ, thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương án 5 là dự trữ hàng cao nhất của Sở Công Thương Hà Nội.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch bệnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới