Hà Nội: 1,6 hecta đất suối công ích xã Vân Hòa bị lấn chiếm, xây dựng trái phép
Sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh UBND xã Vân Hòa xác định 1,6 hecta đất suối công ích nằm sát lòng đập Cầu Bò đang bị lấn chiếm, xây dựng trái phép.
Liên quan đến phản ánh của người dân thôn Muồng Chấu và thôn Muồng Voi, xã Vân Hòa (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) về câu chuyện đập Cầu Bò (còn gọi là đập Đồng Đành -PV) bị một số người dân tự ý san lấp, lấn chiếm trái phép, gây ảnh hưởng đến chức năng tích nước và điều tiết nước của đập, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, chính quyền địa phương đã có thông tin phản hồi.
Ông Nguyễn Duy Ước – Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa, huyện Ba Vì cho biết, bước đầu qua kiểm tra, xác minh thấy phản ánh của người dân là có căn cứ.
Sau khi tiến hành kiểm tra, trích lục bản đồ thì xác định khu đất trên có nguồn gốc là đất suối, đất công ích do UBND xã quản lý. Theo tờ bản đồ 299, được lập từ năm 1987 thì khu đất trên có diện tích khoảng 8 hecta. Riêng khu đất đang bị các cá nhân lấn chiếm, xây dựng trái phép có diện tích khoảng 1,6 hecta.
Sau khi xác định hành vi lấn chiếm, ngày 23/3/2022 UBND xã Văn Hòa đã có văn bản số 86/TB-UBND Thông báo về việc dừng thi công đối với công trình xây dựng vi phạm tại thôn Muồng Chấu, xã Vân Hòa.
Theo nội dung văn bản, UBND xã yêu cầu ông Nguyễn Văn Tiệp, thường trú tại xã Vạn Thằng, huyện Ba Vì đại diện quản lý trông coi công trình dừng ngay việc thi công xây dựng công trình vi phạm, tự tháo dỡ phần công trình xây dựng và di dời phương tiện kỹ thuật gồm 2 máy trộn bê tông, 1 máy múc, 5 bộ giáo xây, một số xe rùa và tập kết vật liệu xây dựng.
Cũng theo nội dung văn bản trên thì chủ đầu tư đã xây dựng trái phép tường bao gồm 40 trụ cột bê tông, diện tích xây dựng khoảng 190 m2, 300m cống thoát nước đường kính 1,5m.
UBND xa cũng giao cho Công an xã Vân Hòa, cấp ủy chi bộ, Trưởng thôn Muồng Chấu, Công chức địa chỉnh xã giám sát việc dừng thi công xây dựng công trình vi phạm. Nếu chủ đầu tư tiếp tục thi công thì áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của Luật Đất đai.
Thế nhưng, sau khi UBND xã Vân Hòa có văn bản thông báo thay vì chấp hành yêu cầu dừng thi công, tự tháo dỡ thì các đối tượng tiếp tục xây dựng tường bao khu đất.
Trước hành vi vi phạm của chủ đầu tư công trình vi phạm nêu trên, đến ngày 9/5/2022 UBND xã Vân Hòa tiếp tục có văn bản thông báo yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công công trình vi phạm.
Nội dung văn bản yêu cầu chủ đầu tư, đại diện là ông Nguyễn Văn Tiến (em trai ông Tiệp) dừng toàn bộ việc thi công công trình vi phạm, di chuyển người và toàn bộ vật tư, phương tiện phục vụ xây dựng gồm 1 máy xúc, 1 máy trộn vữa, 3 bộ giáo,… ra khỏi công trường.
Tuy nhiên, theo quan sát của nhóm Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường vào chiều muộn ngày 26/5, toàn bộ phương tiện, vật tự phục vụ việc thi công công trình vẫn đang được tập kết tại khu vực nêu trên. Không những vậy, chủ đầu tư còn cố tình tiếp tục thi công xây dựng tường bao xung quanh khu đất. Theo ghi nhận của phóng viên vào chiều 26/5, chủ đầu tư chuẩn bị hoàn thiện bất chấp yêu cầu dừng thi công từ phía UBND xã Vân Hòa.
Không những vậy, sau hơn hai tháng xác định hành vi xây dựng trái phép của chủ đầu tư trên đất công ích do UBND xã Vân Hòa quản lý, đến nay địa phương vẫn chưa xác định được chủ đầu tư xây dựng công trình trái phép là ai? Sự việc khiến dự luận không thể không đặt câu hỏi về năng lực, sự quyết liệt của chính quyền địa phương nhất là người đứng đầu trong quá trình giải quyết, xử lý các công trình lấn chiếm đất công ích, cụ thể ở đây là đất suối trên địa bàn?
Theo thống kê gần đây nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn Thủ đô hiện chỉ còn lại 111 hồ với tổng diện tích 1.165 ha. Nhiều diện tích ao hồ đã bị san lấp và lấn chiếm. Chỉ trong vòng hơn 30 năm, tính từ 1990 trở lại đây, tại Hà Nội đã có tới 21 hồ bị xóa sổ, hơn 150 ha diện tích mặt nước hồ "bốc hơi".
Trong quá trình tìm hiểu thông tin về thực trạng ao hồ dần biết mất bởi "cơn lốc" đô thị hóa, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã tiếp cận được nhiều thông tin về "vấn nạn" bức tử ao hồ ở một số địa phương của huyện Ba Vì.
Thông tin tới Phóng viên Tạp chí Điệnt tử Kinh tế Môi trường, người dân thôn Muồng Cháu và thôn Muồng Voi, xã Vân Hòa (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) cho biết, vừa qua đập Cầu Bò (còn gọi là đập Đồng Đành -PV) bị một số người dân tự ý san lấp, lấn chiếm trái phép, gây ảnh hưởng đến chức năng tích nước và điều tiết nước của đập, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Trong quá trình san lấp gây ô nhiễm môi trường.
Liên quan đến sự việc trên, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì đã trực tiếp chỉ đạo yêu cầu UBND xã Vân Hòa xác minh, làm rõ kiến nghị của người dân về việc lòng đập Cầu Bò ngang nhiên bị lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên!
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới Bảo tồn Nguồn nước Việt Nam nhận định, ao hồ, các thủy vực nói chung cùng với công viên cây xanh được xem là lá phổi xanh của thành phố. Nhưng với diện tích ao hồ còn lại của Hà Nội, gần như chúng không còn đáp ứng được vai trò là "lá phổi xanh" như chúng ta mong muốn.
"Ô nhiễm không khí đang lên ở mức cao, tới mức báo động đỏ nhưng lại đang rất thiếu không gian xanh, mặt nước để điều hòa không khí, giảm mức ngột ngạt cho đời sống đô thị. Phải đến một nửa số hồ đã bị lấp hoàn toàn. Những hồ còn lại, diện tích ngày càng bị thu hẹp do bị lấn chiếm hoặc kè bờ. Đô thị hóa cũng như sự đổ bộ của bê tông đã lấy đi rất nhiều thứ của hồ nước, ở cả khía cạnh tự nhiên lẫn cảm xúc, văn hóa", PGS.TS Trương Mạnh Tiến trăn trở.
Hà Nam - Hoàng Hải