Hà Nam: Đảm bảo an toàn lao động tại các mỏ khai thác đá
Nhằm hạn chế tai nạn xảy ra trong quá trình khai thác đá, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cần tăng cường công tác quản lý, rà soát, kiểm tra quá trình khai thác và bảo đảm an toàn cho người lao động.
Theo Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, hiện nay ở khu vực Tây sông Đáy thuộc địa bàn các huyện Thanh Liêm và Kim Bảng đang có gần 70 doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường.
Sau khi UBND tỉnh Hà Nam giao mỏ lâu dài, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền máy móc, nâng cao công suất hoạt động, từng bước hạn chế được tai nạn lao động so với trước đây.
Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, tình trạng tai nạn lao động xảy ra tại khu vực khai thác đá lại có chiều hướng gia tăng làm thương vong nhiều người. Trong 2 năm (2020 - 2021) tại khu vực mỏ đá ở huyện Thanh Liêm đã xảy ra 2 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại các mỏ đá làm 4 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp khai thác đá không thực hiện nghiêm các quy định về công tác bảo đảm an toàn cho người lao động, vi phạm các quy định về khai thác mỏ.
Cụ thể, ngày 25/3/2020, tại mỏ đá Thông Đạt, thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm) đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng làm 2 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Mới đây nhất vào khoảng 13h20' ngày 18/7/2021, tại mỏ khai thác đá của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Havico, địa chỉ thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy (Thanh Liêm) xảy ra vụ tai nạn lao động làm 5 công nhân ngã từ trên núi xuống. Vụ tai nạn khiến 2 người tử vong tại chỗ, 3 người bị thương.
Tai nạn ở các mỏ khai thác đá xảy ra phần lớn do công tác bảo đảm an toàn lao động của các doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều mỏ khai thác đá chưa chú ý tới việc đào tạo công nhân khai thác đá theo quy trình, trong khi đó các phương tiện như máy móc cũ kỹ, lạc hậu, thiết bị khai thác tại các mỏ đá còn thiếu.
Hiện nay đa số các mỏ đá trên địa bàn tỉnh Hà Nam khai thác theo hình thức cắt lớp xiên nên trong quá trình nổ mìn đã làm om các phiến đá gây mất an toàn cho thợ khoan và công nhân làm việc ở chân núi.
Hơn nữa, tại nhiều mỏ khai thác đá hiện nay không thực hiện nghiêm các quy định về khai thác mỏ, như: không làm đường lên núi theo thiết kế mỏ; không trang bị đầy đủ dụng cụ, bảo hộ lao động cho công nhân; một số nơi có trang bị bảo hộ nhưng do thói quen nên công nhân không sử dụng; không thực hiện đúng các quy trình về khai thác mỏ.
Trong khi đó, trình độ của các cán bộ kỹ thuật của các mỏ đá còn yếu, kém. Tại một số mỏ đá, cán bộ có chuyên môn kỹ thuật về khai thác mỏ, địa chất có trình độ trung cấp trở lên chưa nhiều, số công nhân làm việc trực tiếp tại các mỏ đá được đào tạo chính quy tại các trường công nhân nghề mỏ là rất ít, dẫn đến quy trình hoạt động khai thác không bảo đảm.
Nhằm hạn chế tai nạn lao động xảy ra tại các mỏ khai thác đá, thời gian qua Sở Công Thương đã tăng cường công tác quản lý mỏ, yêu cầu các mỏ thực hiện nghiêm việc xây dựng đường lên núi theo đúng thiết kế mỏ, tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp.
Trả lời báo chí, ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Nam khẳng định: “Đối với những doanh nghiệp không thực hiện nghiêm việc xây dựng đường lên mỏ theo thiết kế của dự án, sẽ không cấp vật liệu nổ. Trong quá trình nổ mìn khai thác đá, yêu cầu các doanh nghiệp phải làm hồ sơ theo đúng quy định, nổ mìn theo đúng khung giờ... Với cách làm này, trong mấy năm qua nhiều mỏ khai thác đá trong tỉnh đã nhanh chóng bổ sung đường lên núi, xây dựng quy trình kỹ thuật khai thác theo đúng quy định, góp phần giảm thiểu tai nạn”.
Nhằm hạn chế tối đa những vụ tai nạn trong quá trình khai thác đá các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cần tăng cường công tác quản lý, rà soát, kiểm tra quá trình khai thác và công tác bảo đảm an toàn cho người lao động. Mỏ đá nào không thực hiện đúng quy định cần kiên quyết xử lý tránh hậu họa khôn lường.
Hà Nam (t/h)