GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Xử lý rác khó hay dễ?
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban nghiên cứu khoa học, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Ủy viên Hội đồng biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường có bài viết liên quan đến xử lý rác khó hay dễ?
Thời gian gần đây, trong tháng đầu năm 2022, vấn đề liên quan đến rác thải lại nóng lên. Về Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/1/2022, vấn đề cân rác thải sinh hoạt để thu phí đang được thảo luận nhiều về tính khả thi. Về xây dựng nhà máy xử lý rác tại huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), người dân đang tụ tập phản ứng hay về phương pháp xử lý rác, các nhà khoa học đang thảo luận về khả năng xử lý rác qua khí hóa rác thành nhiên liệu phát điện và khả năng áp dụng ở Việt Nam. Kiểm tra trên mạng internet còn thấy có nhiều bài viết khác liên quan đến rác và xử lý rác, vậy tại sao vấn đề này lại “nóng” như vậy?. Chúng tôi không tìm cách trả lời thẳng câu hỏi này mà chỉ bàn chút ít về vấn đề xử lý rác, khó hay dễ.
Ngay từ “rác” cũng đã phải bàn vì nó bao hàm nhiều loại, thành phần nên ngay việc giới hạn rõ rác trong trường hợp đề cập ở đây là rác gì (rác sinh hoạt, rác y tế, rác công nghiệp, rác hữu cơ, rác vô cơ, rác dễ phân hủy, rác khó phân hủy, rác nguy hại,...) cũng đã không dễ. Việc xác định nguồn rác, “chủ nhân” của rác, ai (cá nhân hay chủ thể) gây ra rác, mức độ bao nhiêu nhiều khi cũng khó khăn. Ai có trách nhiệm thu gom, xử lý rác cũng cần được bàn thông suốt mới có thể giải quyết được thấu đáo vấn đề. Thu gom rác, xử lý rác khó hay dễ, có phải tốn công, tốn sức không và ai phải chi trả tiền cho các công việc này cũng không dễ nhận biết và xác định. Rác liệu có thể tái chế, tái sử dụng và có thể gây tác hại nghiêm trọng khi không được thu gom, xử lý đúng cách hay không cũng là vấn đề cần thảo luận thêm.
Bây giờ xin đặt ra và xét vấn đề cụ thể, đó là xử lý rác sinh hoạt. Rác sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình, từ hộ kinh doanh hàng hóa, từ các hoạt động sống của con người trong các cơ sở, tổ chức xã hội. Chất thải sinh hoạt có thể phân loại thành rác hữu cơ, dễ phân hủy, rác vô cơ khó phân hủy, rác có thể tái chế, tái sử dụng vì vậy mới có chủ trương phân loại rác thành 3 nhóm chính:
- Rác hữu cơ dễ phân hủy (phần không dùng của rau củ quả, thức ăn thừa chẳng hạn) là loại rác dễ bị thiu, thối trong thời gian ngắn, cần thu gom, xử lý ngay.
- Rác có thể tái chế, tái sử dụng (một số loại nhựa, giấy, thủy tinh,...).
- Rác khác (không thể tái chế, tái sử dụng).
Rác hữu cơ là loại có thể chế biến thành phân compost rất có tác dụng cho trồng trọt nên có thể thu gom đem đến nhà máy chế biến hoặc có thể chôn lấp để tự phân hủy. Theo một bài báo đăng ngày 6/5/2019 trên Hà Nội mới online thì công nghệ chế biến rác thải, sản xuất phân compost (phân hữu cơ) đã được ứng dụng tại các cơ sở xử lý Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), Kiêu Kỵ (Gia Lâm), song hiệu quả thấp do thiết bị xuống cấp, hạn chế trong tiêu thụ sản phẩm nên đã dừng hoạt động. Hiện tại vẫn có một số cơ sở chế biến loại phân này đang hoạt động ở một số địa phương khác nhưng công suất hạn chế.
Rác có thể tái sử dụng nếu được thu hồi, đem về cơ sở để làm sạch, sử dụng lại (các chai bia, chai nước ngọt thủy tinh), loại có thể tái chế (giấy, nhựa, kim loại) có thể thu gom đưa về các khu tái chế. Hiện chúng ta có nhiều khu vực tái chế, làng nghề tái chế đang hoạt động. Tuy nhiên, có thể xảy ra nhiều vấn đề môi trường khác tại các cơ sở, làng nghề tái chế nên phải nhận biết sớm và tìm cách giải quyết.
Rác không thu gom riêng và rác không thể tái chế, tái sử dụng sẽ được thu gom đưa đến cơ sở xử lý. Hiện có nhiều phương pháp đã và đang được áp dụng để xử lý rác như: chôn lấp, đốt, đốt phát điện, khí hóa,...nhưng phương pháp nào cũng có ưu điểm và nhược điểm cần làm rõ để phát huy hoặc ngăn chặn.
Chôn lấp rác là phương pháp mà “đất mẹ” giúp lưu giữ, ngăn chặn hậu quả, tác động trực tiếp của quá trình phân hủy, giảm thể tích rác, biến chúng thành một phần của “lớp vỏ bề mặt đất” có thể làm nơi sinh sống của động, thưc vật (như công viên Thống Nhất trước đây là bãi chôn lấp rác của Hà Nội) nhưng đồng thời cũng làm phát sinh nước thải, khí thải có thể tác động tới cuộc sống cư dân xung quanh, cả gián tiếp và trực tiếp. Đây là nguyên nhân dẫn đến các vụ việc ngăn chặn xây dựng bãi rác, ngăn chặn xe vào đổ rác ở nhiều nơi như thông tin đại chúng đăng tải.
Đốt rác là hình thức có thể dùng nhiệt năng ban đầu (từ củi, than, dầu) làm rác bén lửa, cháy các thành phần có thể cháy tỏa ra năng lượng nhiệt và làm giảm đáng kể thể tích rác. Kết quả là rác chỉ còn lại là đống tro xỉ với thể tích không đáng kể có thể sử dụng hoặc chôn lấp. Đốt rác được coi là phương pháp hữu hiệu và được dùng phổ biến trên Thế giới những năm giữa Thế kỷ 20 nhưng rồi người ta khám phả ra những hậu quả tai hại của khí thải phát sinh trong quá trình đốt, đặc biệt là phát sinh một số chất độc nguy hiểm như dioxin và furan khi đốt rác ở nhiệt độ không đủ lớn. Nhiệt phát sinh trong quá trình đốt có thể sử dụng để phát điện trong các nhà máy điện rác.
Khí hóa rác thành khí nhiên liệu là quá trình được nhiều nhà khoa học cho rằng ít gây nên tác hại hơn so với đốt rác. Trong một bài viết của tác giả Vương Liễu đăng trên Tạp chí Kinh tế Môi trường online ngày 21/11/2020 đã giới thiệu công nghệ khí hóa chất thải rắn của Công ty TNHH Sa Mạc Xanh do chuyên gia Nguyễn Gia Long trực tiếp nghiên cứu. Theo đó, nhà máy tại Hưng Yên đang áp dụng công nghệ này để xử lý bình quân trên 200 tấn rác mỗi ngày.
Rác không cần phải phân loại vô cơ và hữu cơ ở đầu vào, không thải nước, khói, khí độc ra ngoài môi trường, chuyển hóa rác thải thành khí gas tổng hợp để phát điện. Ngoài điện, công nghệ còn thu lại được đất đen là nguyên liệu cho nền nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nhà khoa học băn khoăn về khả năng tác động của công nghệ này, yêu cầu có thêm kiểm nghiệm làm rõ.
Do có nhiều công nghệ xử lý nên chọn công nghệ nào phụ thuộc rất nhiều vào địa điểm, điều kiện đặt cơ sở xử lý nhưng có một điều cần giải quyết là cân bằng, điều hòa được lợi ích các bên liên quan. Chẳng hạn cơ sở xử lý được lợi gì? Chắc chắn phải là lợi nhuận cao nên họ có thể lách luật nhiều kiểu để giảm giá thành nên cơ quan quản lý phải có cơ chế giám sát tốt để không xảy ra sự cố và khi xảy ra sự cố phải được xử lý kịp thời. Hay yêu cầu các hộ phân loại rác tại nhà phải chỉ ra trách nhiệm và lợi ích mà chúng đem lại cho họ.
Nếu cơ quan ra văn bản yêu cầu phân loại và phạt khi họ không tuân thủ thì họ sẽ hiểu rõ cả trách nhiệm và lợi ích nên chấp hành. Tuy nhiên, người dân có thể phản ánh những gì làm chưa tốt, phản biện lại thì cơ quan quản lý phải trả lời thỏa đáng, chẳng hạn, một số người vẫn phân loại và bán được nhiều loại rác và hiện nay có phân loại thành hai ba túi nhưng xe rác đến lại gom chung vào thì phân loại làm gì, mất công thôi. Đây là những vấn đề cần có nghiên cứu thấu đáo hơn nữa.
Phân tích nhiều (nhưng vẫn chưa đủ) như vậy đã có thể trả lời: xử lý rác, khó hay dễ chưa. Câu trả lời xin dành cho bạn đọc.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ