Greenwashing - Tẩy xanh sản phẩm: Gắn mác bảo vệ môi trường để lừa dối khách hàng?
Ngày nay, người tiêu dùng thường có xu hướng chịu chi cho những sản phẩm thân thiện với môi trường. Thế nhưng, họ lại không biết rằng mình đã bị thao túng trước hành vi tẩy xanh sản phẩm đầy tinh vi của các nhãn hàng.
Khi thế giới càng gần tới mục tiêu Net Zero - Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, con người càng có xu hướng bảo vệ môi trường nhiều hơn. Tận dụng xu hướng này, những sản phẩm sạch, chiến dịch xanh mọc lên như nấm. Nào là thân thiện với môi trường, không độc hại, nào là ít phát thải. Thế nhưng, liệu những dự án kinh doanh gắn mác xanh - sạch ấy có thực sự mang tính bền vững như lời quảng bá hay chỉ là một hành vi “tẩy xanh” để làm màu cho thương hiệu?
Tẩy xanh là gì?
Tẩy xanh hay rửa xanh (greenwashing) là một thuật ngữ được hiểu là hành vi quảng bá sai lệch hoặc gây hiểu lầm về lợi ích đối với môi trường. Hiểu theo cách đơn giản hơn, tẩy xanh là việc các công ty sử dụng lời lẽ hoa mỹ để lừa dối người tiêu dùng rằng sản phẩm của họ có tính thân thiện với môi trường mặc dù thực tế không phải vậy.
Thông thường, các công ty thường lợi dụng sản phẩm nào đó tính chất bền vững, thân thiện với môi trường để quảng bá, thật ra là nhằm che đậy cho hành vi gây tổn hại tới môi trường mà họ đã và đang gây ra mỗi ngày. Đối với những người yêu môi trường, tẩy xanh là lời nói dối trắng trợn, nghiêm trọng hơn có thể bị coi là bất hợp pháp.
Dấu hiệu nhận biết sản phẩm tẩy xanh
Giờ đây, khi nhận thấy người tiêu dùng ngày càng có xu hướng yêu môi trường hơn, sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm có tính bền vững, thì nhiều công ty đã lợi dụng tâm lý này để tẩy xanh cho sản phẩm của mình bằng những kỹ thuật tinh vi và cách thức thao túng xảo quyệt hơn. Ông Todd Larsen, Đồng Giám đốc Điều hành của Green America, tổ chức chuyên về thẩm định doanh nghiệp và sản phẩm xanh của Mỹ cho biết, giờ đây các công ty đã nâng tầm hơn trong cách truyền tải thông điệp xanh, vì vậy hành vi tẩy xanh không còn quá lộ liễu như trước. Nhìn chung, hành vi tẩy xanh xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên thị trường. Người tiêu dùng có thể dựa vào các đặc điểm sau để nhận dạng hành vi tẩy xanh.
Sử dụng hình ảnh thiên nhiên
Những hình ảnh như cây cối, lá hay động vật thường được coi như một biểu tượng chung mỗi khi nhắc về thế giới thiên nhiên. Trên thực tế, nhiều sản phẩm gây hại tới môi trường trong quá trình sản xuất và sử dụng trên thị trường nhưng lại hay sử dụng hình ảnh thiên nhiên để quảng bá.
Sử dụng thuật ngữ về môi trường mơ hồ
Một kiểu luồn lách phổ biến của tẩy xanh chính là sử dụng các thuật ngữ thông dụng về môi trường không có trọng lượng về pháp lý như “tự nhiên”, “thân thiện với môi trường”... Phần lớn các công ty thường sử dụng những thuật ngữ theo kiểu vô thưởng, vô phạt, mơ hồ đủ để mang tính chủ quan và thuyết phục khách hàng, mà không dính líu tới pháp luật.
Hô hào khẩu hiệu bảo vệ môi trường, tái chế
Nhiều công ty thường xoa dịu cảm giác áy náy của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm bằng những nhãn mác tái chế, không chứa chất độc hại… Tuy nhiên, những sản phẩm chưa chắc đã an toàn với sức khỏe của con người. Khung pháp lý để chứng minh mức độ an toàn hiện nay vẫn còn chưa rõ ràng.
Những phi vụ tẩy xanh nổi tiếng trên thế giới
Thuật ngữ tẩy xanh ra đời vào năm 1986 trong bài luận của nhà nghiên cứu môi trường người Mỹ Jay Westerveld. Khi đó, ông Westerveld đến nghỉ tại một khách sạn ở Cộng hòa Fiji. Khách sạn đã yêu cầu ông tái sử dụng lại khăn tắm với lời quảng bá “vì lợi ích của hành tinh” nhưng thực chất việc này cũng giúp tiết kiệm chi phí giặt giũ cho khách sạn.
Kể từ đó, những ví dụ cộm cán về hành vi tẩy xanh đã lên trang nhất của các tờ báo lớn trên quốc tế. Vào những năm 1980, tập đoàn năng lượng đa quốc gia Chevron đã phát động chiến dịch lừng lẫy nhằm bảo vệ động vật hoang dã. Song song với chiến dịch đầy tính nhân đạo này, tập đoàn Chevron vẫn liên tục làm tràn dầu trên biển, đồng thời đóng góp không ít đến quá trình biến đổi khí hậu của Trái đất.
Đến những năm 2000, công ty dầu khí BP của Anh lại phát triển thuật ngữ “dấu chân carbon” (carbon foorprint) bằng cách cho ra đời công thức nhằm định lượng phát thải carbon của mỗi cá nhân. Thật ra, việc làm này chỉ là để lấp liếm cho lượng khí thải khổng lồ mà họ đã thải ra hành tinh trong nhiều năm. Được biết, BP là một trong những công ty có lượng phát thải khí nhà kính cao nhất thế giới.
Vụ tẩy xanh gây “đau ví” nhất có lẽ phải kể tới chiến dịch nhiên liệu sạch của hãng xe hơi Đức Volkswagen vào năm 2009. Khi đó, hãng đã phát động chiến dịch tiếp thị rộng rãi để quảng bá cho sản phẩm xe hơi đời mới có chức năng giảm lượng khí thải đáng kể. Tuy nhiên, vài năm sau, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (Environmental Protection Agency - EPA) đã chỉ ra bằng chứng cho thấy, Volkswagen đã cài đặt phần mềm gian lận cho các bài kiểm định khí thải đối với 11 triệu xe của hãng. Sự thật còn phũ phãng hơn khi những chiếc xe được gắn mác diesel sạch này còn thải ra lượng khí nitơ oxit cao gấp 40 lần giới hạn cho phép. Vụ tai tiếng này đã trở thành bê bối lớn nhất trong lĩnh vực môi trường từ trước đến giờ. Và sau đó, cái giá mà Volkswagen phải trả cũng không hề rẻ, đó là thiệt hại lên tới 40 tỷ USD.
Theo: Invest, NRDC
Gia Tuệ