Thứ bảy, 20/04/2024 03:32 (GMT+7)
Thứ năm, 15/08/2019 09:04 (GMT+7)

Grab ủng hộ chuyển đổi taxi truyền thống sang taxi công nghệ

Theo dõi KTMT trên

Grab hoan nghênh kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội và cho rằng việc chuyển đổi mô hình sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa quyền lợi cơ bản của mình, đem lại nhiều lợi ích tích cực cho toàn ngành dịch vụ vận tải nói riêng cũng như người tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Ngày 14/8, đại diện Grab đã có những chia sẻ về kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội đối với việc chuyển đổi sang hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa quyền lợi cơ bản của mình, đem lại nhiều lợi ích tích cực cho toàn ngành dịch vụ vận tải nói riêng, người tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Grab ủng hộ chuyển đổi taxi truyền thống sang taxi công nghệ - Ảnh 1
Xe Grab đón khách tại phố Thái Thịnh, Hà Nội. Ảnh: Tạ Tôn

Đặc biệt, đại diện Grab hoan nghênh cách tiếp cận của Chính phủ khi loại bỏ các rào cản và điều kiện kinh doanh không cần thiết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lựa chọn và áp dụng mô hình kinh doanh phù hợp.

“Sự thức thời của các doanh nghiệp taxi truyền thống trong việc khao khát chuyển mình và hòa nhập vào thị trường để cạnh tranh và phục vụ người tiêu dùng tốt hơn, thay vì đòi hỏi việc bó buộc thị trường, cũng là một tinh thần hết sức đáng mừng và nên được khuyến khích trong công cuộc đưa Việt Nam bắt kịp và đón đầu làn sóng Công nghiệp 4.0”, đại diện Grab khẳng định.

Đại diện Grab cho rằng, Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện hành đảm bảo quyền cơ bản của tất cả các doanh nghiệp là được phép lựa chọn bất kỳ mô hình kinh doanh nào phù hợp nhất và tạo ra nhiều lợi ích nhất cho thị trường, xã hội.

Tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ Giao thông vận tải về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Đề án 24) cho phép không chỉ các mô hình kinh doanh mới như Grab, Uber, Emddi... mà cả các đơn vị vận tải truyền thống có thể triển khai hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp taxi như Vinasun, Mai Linh, Thành Công… đã chủ động tham gia Đề án ngay từ những ngày đầu, đầu tư công nghệ phần mềm và đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ hành khách ngày càng tốt hơn. Chất lượng dịch vụ của hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ trên thị trường nói chung đã được cải thiện đáng kể.

Cũng theo đại diện Grab, việc ứng dụng công nghệ trong dịch vụ vận tải hành khách sẽ mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất, với các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, việc sử dụng các ứng dụng công nghệ đã nâng cao rõ rệt hiệu quả kinh doanh bằng việc tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, giảm tỷ lệ xe chạy rỗng trên đường, góp phần giảm đáng kể ùn tắc giao thông đô thị do phương tiện đến đón đúng địa chỉ với quãng đường di chuyển ngắn nhất. Theo thống kê, các xe hoạt động theo phương thức này có hiệu suất sử dụng lên đến hơn 70%, có nghĩa là cứ 10 giờ chạy trên đường thì có đến hơn 7 giờ được sử dụng để chở khách (so với hiệu suất sử dụng phương tiện của ngành dịch vụ vận tải hành khách chỉ đạt 20 - 30% trước khi có sự xuất hiện của các ứng dụng kết nối). Thu nhập trung bình mỗi giờ của tài xế do vậy cũng cao hơn 55% so với mức lương trung bình theo giờ của quốc gia.

Thứ hai, người tiêu dùng được hưởng nhiều tiện ích và giá dịch vụ tốt hơn từ mô hình kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng điện tử thông qua các ứng dụng đặt xe như Grab, Uber... Hành khách có thể biết được thông tin của tài xế và phương tiện (tên, số điện thoại, biển số xe, loại xe), biết trước được giá cước, tăng khả năng tìm lại hành lý, tài sản, chia sẻ thông tin chuyến đi khi cần nhằm nâng cao an toàn cho hành khách. Các ứng dụng đặt xe công nghệ cũng rút ngắn được thời gian chờ xe đến đón của hành khách tới hơn 50% so với sử dụng các phương tiện giao thông công cộng khác.

Thứ ba, nhờ có các ứng dụng gọi xe công nghệ, công tác quản lý của các cơ quan chức năng cũng trở nên hiệu quả hơn. Theo Báo cáo ngày 29/12/2017 của Bộ Giao thông vận tải tổng kết 02 năm thực hiện Đề án 24, việc các doanh nghiệp ứng dụng phần mềm kết nối vận tải đã đáp ứng được xu thế tất yếu trong ứng dụng khoa học công nghệ đối với lĩnh vực vận tải, thúc đẩy việc đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông, góp phần triển khai tốt việc thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 của Việt Nam. Giá cước vận tải được ghi nhận và minh bạch hơn, đồng thời quản lý hiệu quả được việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước

Ngày 14/8, Bộ GTVT chính thức trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo lần thứ 10 Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Đáng chú ý, đối với xe hợp đồng điện tử như Grab, Bộ GTVT đề xuất không bắt buộc phải gắn mào, nhưng yêu cầu dán phù hiệu "Xe hợp đồng" bằng vật liệu phản quang ở bên trong xe.

Trong dự thảo lần này, Bộ GTVT cho biết đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để bỏ một số quy định bắt buộc gắn cố định hộp đèn trên nóc xe đối với ôtô chở khách dưới 9 chỗ ngồi. Theo đó, Bộ GTVT bỏ quy định ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ “Xe hợp đồng” gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12 x 30 cm.

Trước đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa kiến nghị UBND Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở GTVT TP Hà Nội hướng dẫn thủ tục để chuyển hình thức kinh doanh từ vận tải hành khách bằng taxi (truyền thống) sang vận tải theo hợp đồng điện tử bằng ô tô dưới chín chỗ (taxi công nghệ).

Theo ông Hồ Quốc Phi, Tổng thư ký hiệp hội, các hãng truyền thống đã kết hợp dùng ứng dụng phần mềm để hỗ trợ đặt, gọi xe... và cũng đáp ứng được các điều kiện của taxi công nghệ giống Uber, Grab... Đề nghị này được nêu ra vì hiệp hội cho rằng nghĩa vụ thuế của taxi truyền thống và công nghệ khác nhau.

Do vậy, Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị Tổng cục Thuế, Cục Thuế, UBND TP Hà Nội hướng dẫn về khả năng được hồi lại khoản thuế chênh lệch đã nộp (nếu có) những năm trước khi đáp ứng được đồng thời cả hai điều kiện kinh doanh của taxi truyền thống và công nghệ.

Ngoài ra, Hiệp hội taxi Hà Nội cũng gửi kiến nghị lên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan hướng dẫn việc chuyển đổi hình thức kinh doanh vận tải từ kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi truyền thống sang kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng điện tử; kèm theo đó muốn thanh lý toàn bộ hợp đồng lao động với các lái xe taxi và chuyển sang hình thức cho thuê xe.

Xuân Đoàn

Bạn đang đọc bài viết Grab ủng hộ chuyển đổi taxi truyền thống sang taxi công nghệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới