Thứ sáu, 22/11/2024 22:33 (GMT+7)
Thứ hai, 20/05/2019 12:27 (GMT+7)

Gỡ rối sở hữu chéo ngân hàng đã đi đến đâu?

Theo dõi KTMT trên

Đến cuối năm 2018, số cặp tổ chức tín dụng (TCTD) sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau về cơ bản đã khắc phục hết. Hiện chỉ còn 1 cặp sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả xử lý tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống TCTC Việt Nam. Theo cơ quan này, đến thời điểm tháng 6/2012 hệ thống có 56 cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp, nhưng đến cuối năm 2018 đã cơ bản gỡ xong sở hữu chéo.

Hiện còn một cặp sở hữu chéo là Ngân hàng TMCP Á Châu và CTCP Bất động sản Hòa Phát – Á Châu (ACB sở hữu 2,86% tại CTCP Bất động sản Hòa Phát – Á Châu và ngược lại công ty này nắm 0,046% cổ phần ACB).

Kết quả này có được là nhờ thực hiện một số giải pháp xử lý bao gồm các giải pháp chính sách và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo lĩnh vực ngân hàng.

Gỡ rối sở hữu chéo ngân hàng đã đi đến đâu? - Ảnh 1

Thời gian qua, NHNN đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng số 17/2017/QH14, trong đó bổ sung các quy định nhằm xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, hạn chế, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành để phục vụ cho các lợi ích liên quan.

Cụ thể, mở rộng phạm vi người liên quan dựa trên mức độ rủi ro của mối quan hệ giữa những người này đối với hoạt động của các TCTD; bổ sung quy định không cho phép Chủ tịch HĐQT/ HĐTV, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của các TCTD được đồng thời là Chủ tịch/thành viên HĐQT, Chủ tịch/thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc và các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

NHNN cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh Chủ tịch HĐQT/HĐTV, thành viên HĐQT/HĐTV, thành viên Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc của các TCTD theo hướng chặt chẽ hơn. Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông của TCTD và hạn chế sự thao túng ngân hàng; sửa đổi, bổ sung các quy định về góp vốn, mua cổ phần của các TCTD…

Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp đã thực hiện thoái vốn để gỡ sở hữu chéo nhưng tốc độ chậm chạp và tỷ lệ thành công rất thấp, thậm chí có những phiên đấu giá phải hủy do không có nhà đầu tư đăng ký tham dự.

Điển hình như, ngày 22/10/2018, phiên đấu giá cổ phần của Eximbank (mã: EIB) do Vietcombank sở hữu đã phải huỷ bỏ do không có người đăng ký mua. Trước đó, Vietcombank đã chào bán 45,6 triệu cổ phần Eximbank với giá khởi điểm là 14.497 đồng/cổ phần. Đây là một phần trong tổng số 101 triệu cổ phiếu EIB mà Vietcombank đang nắm giữ tại ngân hàng này để giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% theo quy định.

Hay phiên đấu giá cổ phần MBBank (mã: MBB) do Vietcombank sở hữu cũng trong tình cảnh ế ẩm khi chỉ có 1 nhà đầu tư trúng thầu với 10.000 cổ phần trên tổng số hơn 53 triệu cổ phần được đem ra bán đấu giá. Đến cuối tháng 11/2018, Vietcombank mới bán được cổ phần MBB và giảm sở hữu tại đây xuống còn 5,87%, tương ứng với gần 127 triệu cổ phiếu MBB.

Thực hiện theo Đề án 1058 về cơ cấu lại các TCTD đến năm 2020, NHNN đã yêu cầu các TCTD xây dựng lại lộ trình và phương án cơ cấu lại từng ngân hàng từ nay đến năm 2020 phải xử lý lại dứt điểm các vấn đề về sở hữu chéo, cũng như vấn đề về xử lý cổ phần vượt quy định của pháp luật.

Kim Anh

Bạn đang đọc bài viết Gỡ rối sở hữu chéo ngân hàng đã đi đến đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới