Thứ hai, 09/09/2024 22:02 (GMT+7)
    Thứ năm, 22/04/2021 09:06 (GMT+7)

    Giảng viên đại học tạo mô hình từ phế thải kim loại

    Theo dõi KTMT trên

    Sau giờ lên lớp, Minh Khoa (38 tuổi, giảng viên CĐ Kinh tế - Kỹ thuật, ĐH Thái Nguyên) cặm cụi trong căn phòng nhỏ, tạo ra những mô hình sống động từ sắt, thép tái chế.

    Giảng viên đại học tạo mô hình từ phế thải kim loại - Ảnh 1

    Minh Khoa cho biết từ nhỏ, anh bị mê hoặc bởi những chú robot trong các bộ truyện tranh nổi tiếng nhưDoraemon, Dũng sĩ Hesman…

    Khi trưởng thành, anh luôn muốn tạo ra những chú robot cho riêng mình. Với ý tưởng này, Khoa bắt tay vào làm những tác phẩm đầu tiên từ phế liệu bỏ đi như vỏ bút bi, động cơ điện trong đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên, những sản phẩm ban đầu không được suôn sẻ.

    “Có những con robot, tôi hoàn thành được phần đầu, phần thân nhưng lại thiếu tay, chân… hoặc tạo ra được phần vai, bụng nhưng không thể làm nổi các bộ phận khác. Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực, tôi vẫn chưa thể làm ra sản phẩm nào như mong đợi".

    Giảng viên đại học tạo mô hình từ phế thải kim loại - Ảnh 2
    Từ nhỏ, Minh Khoa có niềm đam mê chế tạo robot.

    Đến năm 2013, Khoa tình cờ biết được những tác phẩm bằng kim loại về các loài vật của một số nhà chế tác nổi tiếng thế giới. Lúc này, niềm đam mê sẵn có một lần nữa trỗi dậy.

    Thế rồi, anh bắt tay vào chế tác những mô hình côn trùng đầu tiên như chuồn chuồn, ong, bướm, bọ ngựa, bọ cánh cứng, kiến…

    Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, Khoa mất 1-2 tuần. Bước đầu tiên, anh sẽ lên ý tưởng thông qua hình ảnh các con vật trong phim ảnh và tự nhiên. Tiếp đó, anh đi thu thập vật liệu phế thải từ các bộ phận của xe máy, xe đạp, động cơ điện hoặc các chi tiết trong chiếc đồng hồ hỏng... Sau đó, anh sẽ tư duy cách làm, tiến hành lắp ráp, điều chỉnh và hoàn thiện sản phẩm.

    Ngoài ra, nguyên tắc quan trọng mà Khoa luôn áp dụng vào việc chế tác là các chi tiết phải được lắp ráp hoàn toàn bằng ốc, không được sử dụng các phương pháp hàn hoặc gắn keo.

    Bên cạnh đó, các chi tiết chỉ được chế tạo theo phương pháp thủ công như gò, mài, khoan, không được đúc, hay sử dụng các máy móc quá hiện đại.

    Trong quá trình làm, anh cho rằng bước quan trọng và khó khăn nhất là việc nghĩ ra ý tưởng và tìm được vật liệu phù hợp. Có những tác phẩm làm được một số bộ phận, cuối cùng vẫn không thể hoàn thiện vì không tìm được vật liệu phù hợp cho các phần còn lại.

    Trong hầu hết sản phẩm của mình, Khoa lựa chọn kim loại làm chất liệu chính. Bởi kim loại đảm bảo được sự cứng cáp, chắc chắn hơn so với nhựa. Đặc biệt, kim loại thể hiện được thông điệp rằng sắt thép mặc dù bề ngoài rất thô cứng, qua bàn tay của con người, nó vẫn có thể mang lại những nét mềm mại, uyển chuyển.

    Một trong những lý do khiến người đàn ông 38 tuổi yêu thích công việc này là nó giúp anh tận dụng các phế liệu bỏ đi, gây hại cho môi trường. Đồng thời, Khoa muốn cho chúng cơ hội được tái sinh dưới một hình dạng mới, đẹp mắt và sinh động hơn.

    Giảng viên đại học tạo mô hình từ phế thải kim loại - Ảnh 3
    Giảng viên đại học tạo mô hình từ phế thải kim loại - Ảnh 4
    Minh Khoa tự lên ý tưởng, thiết kế các loại đồ vật, côn trùng từ kim loại tái chế.

    Thời gian đầu, Khoa chỉ làm các tác phẩm theo sở thích cá nhân. Sau đó, nhận được sự ủng hộ của mọi người, anh bắt đầu nhận làm theo yêu cầu của khách hàng để họ trưng bày, sưu tầm hoặc làm quà tặng.

    Đến nay, Khoa sở hữu và thiết kế hàng trăm mẫu sản phẩm cho khách hàng. Theo đó, giá của một sản phẩm côn trùng kim loại, chế tác bằng tay dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng tùy vào độ khó và kích thước.

    Giảng viên đại học tạo mô hình từ phế thải kim loại - Ảnh 5
    Các sản phẩm của Khoa liên quan đến thiên nhiên,khai thác vẻ đẹp sinh động. 

    Hiện tại, Khoa xây dựng một xưởng chế tạo nhỏ và phòng trưng bày các sản phẩm. Chia sẻ về định hướng sắp tới, anh cho biết muốn thử sức với nhiều chủ đề đa dạng, phong phú hơn. Đặc biệt là những chủ đề liên quan đến thiên nhiên, khai thác vẻ đẹp sinh động của các loài động vật.

    Kiều Trang

    Bạn đang đọc bài viết Giảng viên đại học tạo mô hình từ phế thải kim loại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    Chủ xe VF 6: “Hoàn toàn tự tin đi xuyên Việt“
    Sau hành trình du lịch từ Hà Nội vào Gia Lai bằng VinFast VF 6, anh Đỗ Hoàng Thái Bảo (Hà Nội) nhận thấy chiếc xe hoàn toàn có thể chạy xuyên Việt dễ dàng nhờ động cơ mạnh mẽ, hệ thống ADAS an toàn và phạm vi hoạt động vượt kỳ vọng.