Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone
Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone sẽ quy định chi tiết các Điều 92, 92 và 139 của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020.
Ngày 13/5, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.Phát biểu tại hội thảo trực tuyến, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều điểm mới so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Cụ thể, Luật năm 2020 bổ sung nội dung về thích ứng với BĐKH, bảo vệ tầng ozone, quy định chi tiết hơn các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, cũng như cam kết quốc tế về BĐKH và bảo vệ tầng ozon.
Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định, Quy định về ứng phó với BĐKH trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đặt ra trong đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam.
“Đây cũng là tiền đề phát triển thị trường carbon trong nước; quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ozone mà Việt Nam là thành viên”, Thứ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định tập trung vào làm rõ tính khả thi của các nội dung dự thảo, đặc biệt là lộ trình và giải pháp thực hiện để đạt được mục tiêu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia, vận hành thị trường carbon và kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các quy định này.
Đưa ra ý kiến đại diện cho VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế của VCCI cho biết, cần đưa ra thời gian công bố hạn ngạch cụ thể để doanh nghiệp có thể chủ động đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phải nêu được nguyên tắc phân bổ hạn ngạch rõ ràng để tránh gây hiểu lầm sau khi đưa Nghị định vào áp dụng.
Ngoài ra, cũng cần làm rõ căn cứ lựa chọn đối tượng phải thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bởi việc này có tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trách nhiệm của các bộ, ngành, doanh nghiệp trong việc thực hiện các nội dung dự thảo Nghị định cũng được đề cập tới, trong đó nhấn mạnh sự phối hợp giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp nhằm thực hiện và quản lý các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Bộ TN&MT sẽ tiếp tục tiếp thu và trao đổi với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để sớm hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định trong thời gian tới.
Thùy Chi