Giảm 5,44 ha rừng trong dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen
Kết quả kiểm tra dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen năm 2020 cho thấy diện tích rừng bị giảm 5,44 ha so với thời điểm năm 2011.
Mất rừng do nhầm lẫn?
Quá trình xây dựng án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen (thành viên Tập đoàn Hoa Sen) tại thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đang bị đặt nhiều vấn đề nghi vấn tác động xấu tới môi trường, thiên nhiên và xây dựng công trình trái phép.
Bên cạnh đó, năm 2020, kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho thấy khu đất giao cho Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen thực hiện dự án giảm 8,6 ha đất rừng so với thời điểm năm 2011.
Theo biên bản kiểm tra của đoàn công tác do đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng dẫn đầu, trong số 8,6 ha rừng bị mất so với hồ sơ kiểm kê tài nguyên rừng năm 2011 có 2,94 ha thuộc đỉnh núi đá B’Nom Lumu nên không được coi là mất rừng.
Phần diện tích 5,44 ha rừng còn lại bị giảm thuộc dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen mà chưa xác định được nguyên nhân, thời điểm mất rừng. Trong đó có 1,86 ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các gia đình giai đoạn 1996 – 2013.
Toàn bộ diện tích 5,44 ha rừng bị mất nằm rải rác, manh mún tại 12 vị trí khác nhau. Phần diện tích 1,86 ha được đã được UBND xã Đạ M'Ri xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất từ năm 1993 và trồng cây điều. Do đó, diện tích đã giao cho các hộ dân, được cấp quyền sử dụng đất để trồng cây trước thời điểm bàn giao đất cho Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen.
Phần diện tích còn lại 3,58 ha, qua kiểm tra trên hiện trường tìm thấy nhiều gốc cây điều bị chặt hạ, gốc đã khô mục cũng như những cây điều còn sống, gốc có đường kính từ 25 - 30 cm, tương đương với những cây điều còn sống đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ là trồng từ năm 1996.
Theo Quyết định số 2349/QĐ-UBND ngày 18/10/2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thu hồi đất lâm nghiệp và cho Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen thuê đất, thuê rừng để triển khai dự án đầu tư dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái B’Nom Lu Mu tại huyện Đạ Huoai và Biên bản ban giao ranh giới đất và tài nguyên rừng cho Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen ngày 1/11/2011 thì toàn bộ diện tích giao cho Công ty là đất có rừng.
Tuy nhiên thực tế qua đánh giá cho thấy toàn bộ phần diện tích 5,44 ha người dân đã sản xuất trước năm 2011 thời điểm bàn giao đất và rừng cho doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến việc nhầm lẫn phần diện tích nêu trên là do vào năm 2011 cây trồng của người dân còn nhỏ cùng với việc điều kiện tự nhiên đặc thù tại khu vực chủ yếu là cây lô ô phát triển nhanh chóng chỉ cần sau 1 năm nếu người dân không chăm sóc thì cây trồng có thể bị cây lồ ô che khuất, bên cạnh đó phần diện tích rừng bị giảm nằm manh mún rải rác tại 12 vị trí khác nhau do đó khi lập hồ sơ kiểm kê rừng vào năm 2011 đơn vị tư vấn đã khoanh vẽ xác định hiện trạng toàn bộ diện tích nêu trên là rừng.
Thi công ảnh hưởng tới môi trường, người dân
Dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen - tên được chấp thuận dự án là dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái B'Nom Lu Mu có tổng vốn đầu tư gần 590 tỉ đồng, trong đó vốn công ty gần 236 tỉ đồng (40%) và vốn huy động gần 354 tỉ đồng (60%).
Dự án có tổng diện tích mặt đất - mặt nước hơn 567ha. Trong đó, diện tích khu vực 1 gần 428 ha gồm đất có rừng hơn 361 ha và đất nông nghiệp hơn 66 ha.
Khu vực 2 có gần 148 ha gồm diện tích đất cây ăn trái - cây xanh cảnh quan gần 137 ha, diện tích đầu tư xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái hơn 7ha và diện tích sông suối gần 4 ha.
Trong toàn bộ dự án, đối với diện tích đất có rừng khu vực 1 sẽ quản lý, bảo vệ và trồng rừng bổ sung; đất nông nghiệp sẽ đầu tư xây dựng 30 công trình. Đất khu vực 2 cũng được đầu tư xây dựng 30 công trình.
Mục tiêu của dự án là trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và kết hợp kinh doanh du lịch sinh thái góp phần đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch; Đồng thời đầu tư xây dựng khu văn hoá tâm linh nhằm bảo tồn văn hoá, tín ngưỡng dân gian, tri ân anh hùng dân tộc; Giải quyết việc làm cho người dân địa phương và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, tại văn bản số 175/UBND-KT do Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) - Lưu Tiến Chính vừa ký thể hiện nội dung 3 công trình thuộc dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen nằm trên thửa đất của bà Nguyễn Thị Tương (thị trấn Đạ M’ri) có 3 công trình không phép. Việc xây dựng các công trình này của chủ đầu tư dự án là không đúng.
Bên cạnh đó, dự án khu du lịch Đại Tùng Lâm Hoa Sen mới được Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cấp phép xây dựng 1 công trình với 6 hạng mục nhưng bên trong dự án đã mọc lên hàng loạt công trình và đường giao thông kiên cố ngang dọc.
Liên quan đến dự án này, một người dân tên Nguyễn Thị Tương - người sở hữu hơn 20.000 m2 đất liên quan đến dự án đã gửi đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan các cấp với nội dung cho rằng, Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen có biểu hiện tự ý xâm chiếm một phần đất của mình để san ủi, hủy hoại đất và tài sản trên đất để xây dựng dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm.
Mới đây, bà Tương lại tiếp tục lên tiếng tố cáo, có nhiều đối tượng dùng loa công suất lớn khủng bố tinh thần cả ngày lẫn đêm đối với 57 công dân đang tạm trú tại cơ sở bà Nguyễn Thị Tương khiến nhiều người bức xúc. Nhiều người nghi vấn nhóm đối tượng này có liên quan đến chủ đầu tư dự án khu lịch tâm linh Đại Tùng Tâm Hoa Sen.
Trong quá trình thi công chủ đầu tư dự án đã tự ý khai thác vượt quá khối lượng đất ở một quả đồi nằm cạnh QL20 (đối diện dự án) để san lấp mặt bằng. Quả đồi này thuộc quản lý của chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, khi chưa được sự đồng ý của cấp thẩm quyền liên quan, chủ đầu tư đã ngang nhiên đưa máy xúc, máy ủi lấy đi một khối lượng lớn đất tại quả đồi này.
Đầu tháng 2/2022, sau một cơn mưa lớn, một lượng đất, bùn từ quả đồi mà Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen đang khai thác để lấy đất san lấp mặt bằng dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen, đã tràn xuống quốc lộ 20 gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông trên đoạn qua quốc lộ này.
Đến nay quả đồi này đã bị chủ đầu tư dự án lấy đi hơn 1 nửa và dần biến mất khỏi ký ức của những người dân sinh sống tại đây. Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phải xuống hiện trường, yêu cầu chủ đầu tư dự án chở đất đá đúng tải trọng, che phủ bạt trong khi lưu thông, tại các rãnh thoát nước không để đất không tràn ra quốc lộ 20.
Đông Tẩu