Giảm 21 thủ tục hành chính về đất đai
Hiện nay, đa số các địa phương đã thực hiện thủ tục liên thông đăng ký đất đai với cơ quan thuế và kho bạc trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
Cử tri tỉnh An Giang cho rằng, thời gian qua, việc kiện toàn bộ máy tổ chức, hoạt động của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai duy trì ổn định hoạt động thường xuyên, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, quy trình giải quyết công việc được thực hiện theo cơ chế, phân cấp quản lý, đảm bảo mang tính tập trung, thống nhất.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho người dân đôi lúc còn gặp nhiều bất cập, do cơ chế hoạt động, phân cấp quản lý, sự can thiệp hỗ trợ của huyện còn nhiều giới hạn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, làm ảnh hưởng phần nào đến kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trên địa bàn huyện, đôi lúc còn chậm trễ so với thời gian quy định do các khó khăn, vướng mắc từ thực tế chưa được tháo gỡ kịp thời.
Để công tác quản lý Nhà nước về đất đai thời gian tới hoạt động đạt hiệu quả hơn, tạo thêm nhiều thuận lợi cho người dân và các tổ chức sử dụng đất trong giải quyết thủ tục hành chính, bên cạnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập trên. Kiến nghị nghiên cứu, xem xét chuyển Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai về cho cấp huyện quản lý
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:
Thực hiện pháp luật về đất đai năm 2013, hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai đã được thành lập và hoạt động theo mô hình một cấp, trong đó, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai đã thể hiện rõ hơn tính ưu việt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận như: Bộ máy tổ chức được sắp xếp theo các nhóm chuyên môn và theo từng vị trí công việc chuyên sâu; đội ngũ cán bộ trong hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai được điều động, sử dụng linh hoạt giữa các địa bàn để hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn cán bộ hiện có.
Quy trình giải quyết công việc được thực hiện thống nhất, nhiều nơi đã thực hiện gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đã xây dựng; chất lượng thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận được nâng cao, bảo đảm sự thống nhất trong toàn tỉnh, thành phố do Văn phòng đăng ký đất đai thường xuyên kiểm tra, quản lý hướng dẫn các chi nhánh thực hiện nhiệm vụ, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận cơ bản đúng quy định; số hồ sơ lưu đã giảm (trước đây 3 bộ hồ sơ thì hiện nay là 1 bộ hồ sơ) do các địa phương đã thực hiện thủ tục liên thông đăng ký đất đai với cơ quan thuế và kho bạc trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận giảm thời gian thực hiện từ 5 - 25 ngày so với trước đây; giảm 21 thủ tục hành chính (từ 62 thủ tục xuống còn 41 thủ tục);
Hoạt động đăng ký đất đai có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất, bảo đảm việc triển khai thực hiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận của địa phương theo đúng kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm, theo nhiệm vụ chính trị của địa phương; các Văn phòng Đăng ký đất đai đã có điều kiện hơn về lực lượng chuyên môn, chủ động hơn về thẩm quyền và quan tâm, chăm lo nhiều hơn cho việc xây dựng, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính của địa phương, nhất là việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; hồ sơ được chuẩn hóa, lưu trữ, xây dựng thành cơ sở dữ liệu nên đã đảm bảo thuận lợi trong quá trình thẩm định khi người sử dụng thực hiện các quyền; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được đẩy mạnh đã tạo nhiều cơ hội hơn cho người dân lựa chọn nơi đăng ký, tạo sự cạnh tranh giữa các cơ quan đăng ký, góp phần giảm bớt tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hiện nay.
Việc thành lập và hoạt động Văn phòng Đăng ký đất đai phù hợp xu hướng theo ngành dọc của các nước tiên tiến, giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, thúc đẩy thực hiện cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, tiến tới Chính phủ điện tử. Đến nay, 100% các Văn phòng Đăng ký đất đai đều ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.
Băn khoăn của cử tri về những tồn tại, hạn chế "do cơ chế hoạt động, phân cấp quản lý, sự can thiệp hỗ trợ của huyện còn nhiều giới hạn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, làm ảnh hưởng phần nào đến kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trên địa bàn huyện” đã được nhiều địa phương giải quyết bằng việc ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.
Hiện, hơn 50 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.
Với những ưu điểm nêu trên của Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai cùng những giải pháp giải quyết đã có để giải quyết vấn đề cử tri băn khoăn thì không nên thay đổi cơ chế quản lý đối với các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai theo hướng giao về Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.
Báo TNMT