Thứ ba, 23/04/2024 21:53 (GMT+7)
Thứ hai, 23/11/2020 16:43 (GMT+7)

Giải pháp nào ngăn chặn nạn phá rừng?

Theo dõi KTMT trên

Theo Bộ NN-PTNT, diện tích rừng bị thiệt hại giai đoạn 2011-2015 là 13.239 ha, trung bình 2.700 ha/năm; giai đoạn 2016 - 2019, diện tích rừng bị thiệt hại là 7.283 ha, trung bình 2.430 ha/năm.

Giải pháp nào ngăn chặn nạn phá rừng? - Ảnh 1
Rừng bị tàn phá ở Nghệ An. (Ảnh: Internet)

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, khai thác quá mức lâm sản (hợp pháp và bất hợp pháp) là nguyên nhân chính khiến diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam bị suy giảm trong nhiều thập kỷ qua.

Rừng mất kéo theo bao hệ lụy. Mưa bão xảy ra ngày càng tăng cả về tần suất và nguy hại, trở thành mối đe dọa thực sự đối với cuộc sống của con người và sự phát triển của nền kinh tế. Nạn phá rừng đầu nguồn để khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp, thủy điện… làm thảm thực vật trên lưu vực ngày càng giảm dẫn đến khả năng cản dòng chảy kém, lũ tập trung nhanh hơn, nạn voi rừng bỏ về buôn làng giết hại con người, phá hoại tài sản…

Trước thực trạng suy giảm diện tích rừng tự nhiên đến mức đáng lo ngại trên, từ năm 2016, Chính phủ đã chỉ đạo "đóng cửa" rừng tự nhiên. Tuy nhiên, nạn khai thác lâm sản trái phép vẫn âm ỉ tiếp diễn.

Báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện lệnh "đóng cửa” rừng tự nhiên của Bộ NN-PTNT đã thừa nhận: Tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép vẫn diễn ra ở một số địa phương với các thủ đoạn ngày càng tinh vi (tuy quy mô không lớn). Một bộ phận cán bộ quản lý còn thiếu trách nhiệm trong công tác, thậm chí còn tiếp tay cho phá rừng, buôn lậu gỗ, lâm sản...

Trong báo cáo gửi tới kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vừa qua, Chính phủ cũng nhìn nhận vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ. Cháy rừng, mất rừng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương còn thiếu quyết liệt, nhất là tại một số vùng trọng điểm phá rừng như: vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Tây Nguyên vẫn là “điểm nóng”

Trong suốt nhiều năm qua, Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về mất rừng tự nhiên. Năm 2018, diện tích rừng tự nhiên ở Đắk Lắk giảm 3.472 ha, ở Đắk Nông giảm 3.811 ha và ở Gia Lai giảm đến 10.219 ha. Từ năm 2017 đến nay, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được thực hiện chặt chẽ và cẩn trọng nhằm đảm bảo cân bằng mục tiêu phát triển kinh tế.

Năm 2019, các tỉnh Tây Nguyên trồng được gần 9.200 ha rừng, khai thác gỗ rừng sản xuất và cây trồng phân tán đạt 0,38 triệu m3 gỗ các loại, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ các tỉnh Tây Nguyên đạt 11 triệu USD.

Giải pháp nào ngăn chặn nạn phá rừng? - Ảnh 2
Khu vực Tây Nguyên vẫn là trọng điểm của nạn phá rừng. (Ảnh: Báo Thanh niên)

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là các tỉnh khu vực Tây Nguyên vẫn là trọng điểm của nạn phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật, chống người thi hành công vụ. Tình trạng tranh chấp về đất rừng tại Tây Nguyên cũng kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Diện tích rừng tự nhiên của khu vực Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị suy giảm, năm 2019 giảm gần 16.000 ha, tỉ lệ che phủ rừng khu vực giảm 0,09% so với năm 2018.

Trên thực tế rừng ở Tây Nguyên bị phá, lấn chiếm trái pháp luật để trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp, cây đặc sản đã diễn ra gay gắt từ nhiều năm, tập trung ở khu vực giao cho các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, UBND xã quản lý. Hình thức phá rừng ngày càng tinh vi, liều lĩnh, có tổ chức như: Phá vào ban đêm, cắt cử người cảnh giới; sử dụng công cụ cơ giới (cưa xăng có gắn thiết bị giảm thanh). Vì vậy, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật tương đối lớn, nhiều vụ việc chưa được phát hiện và xử lý. Đối tượng trực tiếp phá rừng chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, dân di cư tự do, hầu hết thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn nên khó có khả năng thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng một số đối tượng thuê đồng bào phá rừng, các đối tượng này khó nhận diện và cần phải có sự điều tra của các cơ quan chức năng. Hầu hết các tỉnh không phát hiện và xử lý được các đối tượng cầm đầu thuê người dân phá rừng trái pháp luật. Do đó, việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm diện tích rừng trên địa bàn Tây Nguyên.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng lý giải: Một nguyên nhân suy giảm diện tích rừng ở Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên là do một số diện tích rừng đã bị biến đổi trước năm 2014, thế nhưng trong quá trình điều tra, kiểm kê rừng chưa phát hiện được. Một số diện tích rừng đã bị phá từ những năm trước nhưng do chủ rừng không phát hiện hoặc che giấu để né tránh trách nhiệm. Trong khi đó lực lượng kiểm lâm trên địa bàn mỏng nên không thể kiểm soát hết diện tích rừng được giao quản lý. Đắk Lắk có diện tích rừng khộp lớn, cơ bản là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt.

Trước tình trạng rừng Tây Nguyên bị suy giảm, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cảnh báo: "Trước đây, rừng tự nhiên tại Tây Nguyên có trữ lượng rất giàu. Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rừng Tây Nguyên do chuyển đổi mục đích sử dụng trong nhiều năm qua, phát triển cây công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội nên diện tích và trữ lượng rừng Tây Nguyên đã bị suy giảm nhanh chóng. Hiện vẫn còn tiếp tục suy giảm. Vấn đề đặt ra đối với Tây Nguyên là để phát triển bền vững thì phải giữ diện tích rừng hiện có, không thể để thấp hơn được nữa. Đến nay, độ che phủ của rừng ở Tây Nguyên còn 45,92%, nhưng trong đó rừng nghèo và rừng nghèo kiệt chiếm tới 70%, diện tích rừng giàu và trung bình chỉ còn tập trung ở một số khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đầu nguồn".

Đâu là nguyên nhân?

Nói về nguyên nhân của nạn chặt phá rừng, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, chủ yếu do dừng khai thác rừng tự nhiên, trong khi nhu cầu, thói quen về sử dụng gỗ rừng tự nhiên tại một bộ phận dân cư chưa thay đổi, nguồn gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu có xu thế giảm; khai thác gỗ bất hợp pháp trở nên “siêu lợi nhuận”.

Bên cạnh đó, sức ép về phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là nhu cầu đất để trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp có giá trị kinh tế ngày càng cao.

Tại những nơi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật đều cho thấy chủ rừng còn buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, việc xử lý người có hành vi vi phạm và người có trách nhiệm quản lý thiếu nghiêm túc.

Giải pháp nào ngăn chặn nạn phá rừng? - Ảnh 3
Kiểm tra hiện trường một vụ phá rừng ở huyện An Lão, Bình Định. (Ảnh: PLO)

Ðể bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên hiện có, theo các chuyên gia lâm nghiệp, yêu cầu đặt ra là các địa phương phải đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân suy giảm rừng.

Chính quyền các địa phương, các lực lượng ở cơ sở phải quyết liệt hành động, đồng thời có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách từ tỉnh và Trung ương, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Mặt khác, từng tỉnh trong khu vực phải xây dựng đề án bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Bảo vệ được rừng rất cần xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng, cấp ủy, chính quyền địa phương. Các lâm trường phải rà soát lại để quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp hiệu quả hơn. Cùng đó, cần sửa đổi chính sách khoán bảo vệ rừng cho phù hợp, vì mức khoán bảo vệ rừng hiện nay còn thấp.

Theo Nghị định số 75/CP ngày 9/9/2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020, thì mức khoán là 400.000 đồng/ha. Tuy nhiên, mức này chưa thu hút được người dân trên địa bàn tham gia bảo vệ rừng.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào ngăn chặn nạn phá rừng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.