Thứ sáu, 20/09/2024 13:56 (GMT+7)
Thứ ba, 19/07/2022 20:50 (GMT+7)

Giải pháp nào để thực hiện phân loại rác tại nguồn hiệu quả nhất?

Theo dõi KTMT trên

Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn không chỉ thúc đẩy hoạt động của các ngành công nghiệp tái chế, giảm thiểu đáng kể lượng rác thải ra môi trường mà còn có thể làm thay đổi công nghệ xử lý rác.

Không phân loại rác thải có thể bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt, có hiệu lực từ 25/8 tới.

Đây là một trong những quy định mới nhất, nhằm thúc đẩy quá trình phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, với những điều khoản liên quan đến thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường, tận dụng tài nguyên có thể tái chế.

Một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị định 45 là việc xử phạt với hành vi không phân loại rác.Theo đó, khoản 1 Điều 26 Nghị định này quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Quy định hiện nay tại Nghị định 155/2016 không có quy định về mức phạt đối với cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt.

Nghị định 45/2022 cũng quy định cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi không có biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý cho mỗi lần chuyển giao theo quy định.

Giải pháp nào để thực hiện phân loại rác tại nguồn hiệu quả nhất? - Ảnh 1
Từ 25/8, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải có thể bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng. (Ảnh minh họa)

- Phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng đối với hành vi không phân loại tại nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; thiết bị, dụng cụ lưu chứa chất thải rắn công nghiệp thông thường không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 2 năm.

Mức phạt mới có đủ sức răn đe?

Với việc bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt, Nghị định được đánh giá là “nặng ký” để ngăn chặn hành vi vi phạm.

Giới chuyên gia nhận định, phân loại rác tại nguồn là mấu chốt để xử lý rác thải sinh hoạt. Vì vậy việc quy định xử phạt nếu hộ gia đình không phân loại rác là chế tài cần thiết. Để phân loại rác thải từ đầu nguồn, quan trọng nhất là phải tạo cho người dân thói quen phân loại. Khi đã phân loại thành công thì xử lý rác sẽ thành công.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), hiện nay Hà Nội thu tiền phí rác thải là 6.000 đồng/người/tháng. Người thải nhiều hay thải ít có cùng mức đóng như nhau. Điều này không khuyến khích người dân hạn chế xả rác ra môi trường, không thực hiện được phân loại rác tại nguồn.

TS Hoàng Dương Tùng cho biết ở nước phát triển, nguyên tắc triệt để là người gây ô nhiễm phải trả tiền, càng xả nhiều rác, càng gây nhiễm, càng phải trả nhiều tiền. Điều này là rất bình thường và cũng cần thiết để đưa rác thải về đúng quy trình nghiêm ngặt, bảo vệ môi trường.

Trước đó, Hà Nội từng là địa phương đi đầu của cả nước triển khai thí điểm phân loại rác giai đoạn 2006 - 2009 do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và đã thu được những thành công ngoài mong đợi.

Sau khi kết thúc việc thí điểm, việc phân loại rác tại các phường ở Hà Nội vẫn tiếp tục được thực hiện, tuy gặp không ít khó khăn và cuối cùng vẫn ở tình trạng “đẽo cày giữa đường” vì nhiều lý do.

Do đó, khi pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng hoàn thiện, quy định chi tiết các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, những khó khăn trong phân loại rác tại nguồn sẽ được Hà Nội sớm có phương án giải quyết. Các hộ gia đình, cá nhân tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, không vì lợi ích trước mắt mà để lại hậu quả nặng nề cho xã hội trong công cuộc bảo vệ môi trường.

“Nếu người dân ý thức phân loại rác từ đầu nguồn, khi rác thải được đưa đến nơi tập kết (tổ dân phố/chung cư…), người thu gom có thực hiện chuẩn chỉ tách biệt các loại rác thải hay không.

Tiếp đó, đơn vị thu gom rác lên các xe chở rác thải tới nơi tập kết, họ có phân loại rác thải trong quá trình vận chuyển? Tiếp nữa, khi rác thải về đến nơi tập kết (cuối nguồn), rác thải (đã phân loại từ đầu nguồn) có được để riêng thành các khu riêng biệt hay không?”, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận định.

Cũng theo GS Đặng Hùng Võ, người dân ý thức phân loại từ đầu nguồn, nhưng quá trình thu gom, vận chuyển, rác thải lại được vận chuyển lẫn lộn. Vô hình chung, việc phân loại từ đầu nguồn trở nên vô ích.

Cùng quan điểm, GS.TS Đặng Kim Chi (Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) cho rằng, nếu quy trình trên được thực hiện chuẩn chỉ, nghiêm túc thì việc phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn mới có giá trị thiết thực.

Theo bà, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn không chỉ thúc đẩy hoạt động của các ngành công nghiệp tái chế, giảm thiểu đáng kể lượng rác thải ra môi trường mà còn có thể làm thay đổi công nghệ xử lý rác.

“Hà Nội từng thí điểm phân loại rác thải từ đầu nguồn. Khi đó, các phương án đưa ra là sử dụng túi đựng rác thải (theo màu sắc): Túi màu xanh đựng rác thải hữu cơ; túi màu đen/hoặc đỏ đựng rác thải vô cơ hay đổ rác theo giờ...

Tuy nhiên, hiệu quả thu được không cao do người dân có thể phân loại rác thải từ đầu nguồn, nhưng nhân viên thu gom rác lại sử dụng một xe thu gom duy nhất, sau đó tập kết tại điểm cố định. Xe chở rác lại đưa tất cả các loại rác (đã phân loại) lên một chiếc xe, và đưa về bãi tập kết. Nếu không đồng bộ sẽ dẫn tới việc, rác được phân loại từ đầu nguồn nhưng sau đó lại bị trộn lẫn trong quá trình vận chuyển, thu gom.

Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 gồm 16 chương, 171 điều có hiệu lực. Luật quy định, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

Ngoài những đổi mới mang tính đột phá chính như lần đầu tiên cộng đồng cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường thì điều được người dân quan tâm hơn cả là điều 75 của Luật Bảo vệ Môi trường 2020.

Theo Điều 75, thì chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm, và chất thải rắn sinh hoạt khác. Nếu các hộ gia đình không tiến hành thu gom rác, công nhân vệ sinh có quyền từ chối thu gom rác.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào để thực hiện phân loại rác tại nguồn hiệu quả nhất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

TP.HCM: 9.000 hồ sơ đất đai "kẹt cứng"
Cục Thuế TP.HCM vừa gửi văn bản khẩn, kiến nghị UBND TP tổ chức họp giải quyết hồ sơ đất đai phát sinh từ 1/8/2024, đây là lần kiến nghị thứ ba trong tháng qua.

Tin mới

Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria
Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.