Thứ bảy, 20/04/2024 05:10 (GMT+7)
Thứ ba, 13/04/2021 17:10 (GMT+7)

Giải pháp chống biến đổi khí hậu từ những dự án hoán đổi 'nợ xanh'

Theo dõi KTMT trên

Nhằm giải quyết những rủi ro ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường. Sáng kiến về các khoản đầu tư xanh - xóa hoặc giãn nợ cho những nước có thu nhập thấp để đổi lấy một dự án phát triển bền vững với môi trường.

Giải pháp chống biến đổi khí hậu từ những dự án hoán đổi 'nợ xanh' - Ảnh 1
Dự án xanh bước đi bền vững.

Ý tưởng “hoán đổi nợ xanh” do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra nhằm giải quyết những rủi ro ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường.

Theo WB, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đã khiến các nước đang phát triển gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giải quyết những rủi ro ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường. Với nguồn ngân sách eo hẹp, kèm theo nhiều khoản nợ, các nước này luôn cần đến công cụ hỗ trợ tài chính khẩn cấp để giải quyết tác động tới từ đại dịch và khủng hoảng kinh tế. Do đó, WB cho rằng bằng cách nới lỏng gánh nặng nợ của các chính phủ, vốn đã ở mức kỷ lục vào thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, các nước nghèo có thể tập trung tài nguyên để phục hồi với các dự án xanh, đưa thế giới bước vào giai đoạn phát triển bền vững hơn.

Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) mới đây đã đưa ra cảnh báo về nợ công của các nước phát triển trong cuộc chiến chống lại ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên nền kinh tế mỗi quốc gia. Nguồn thu từ thuế giảm mạnh, chi cho công tác y tế và ngăn chặn dịch bệnh khiến các nước này có thể gánh thêm 17.000 tỉ USD nợ công, đẩy tỉ lệ nợ trung bình của chính phủ tăng từ 109% GDP lên hơn 137%.

Một khi nợ nần của các nền kinh tế và những khoản hỗ trợ tài chính không được các định chế tài chính và cộng đồng quốc tế phối hợp kiểm soát tốt, thế giới có nguy cơ lại lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Đại dịch Covid-19 rồi sẽ kết thúc, nhưng “bom nợ” và nguy cơ tài chính mà nó để lại có thể sẽ là di chứng nặng nề với kinh tế toàn cầu trong hàng thập kỷ tới.

"Hoán đổi nợ xanh" giải pháp giúp phát triển bền vững

Truyền thông quốc tế nhận định, sáng kiến này cho thấy nhận thức ngày càng tăng về tình trạng bất ổn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, làm trầm trọng thêm các hạn chế về ngân sách và thách thức về nợ, cản trở khả năng của một số quốc gia trong việc chuyển đổi sang năng lượng sạch, bảo vệ động vật hoang dã hay thay đổi cơ sở hạ tầng để chuẩn bị ứng phó với tác động của khí hậu. WB ước tính, hơn 30 quốc gia nghèo nhất thế giới đang phải đối mặt hoặc có nguy cơ phải chịu các khoản nợ khó giải quyết. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đánh giá, các nước có thu nhập thấp hiện phải đương đầu với cuộc khủng hoảng kép, vừa chịu áp lực trả nợ, vừa phải xoay xở trước các vấn đề môi trường.

Về lợi ích mà các quốc gia khởi động dự án xanh có thể thấy được, bà K.Georgieva lấy ví dụ về tỉ lệ tạo việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo so với lĩnh vực năng lượng than truyền thống là 7/1, dù những lao động này cũng cần thông qua các hoạt động đào tạo nhất định. Không giống như các sáng kiến khác tập trung vào một dự án tại một thời điểm, sáng kiến này triển khai việc cải thiện toàn bộ nền kinh tế một cách có hệ thống, hướng tới tiếp cận toàn diện hơn đối với cuộc khủng hoảng nợ, biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.

Theo Hãng tin Reuters, kế hoạch xanh vẫn đang trong giai đoạn đầu và mục tiêu là ra mắt nền tảng này vào cuối năm nay, với một ban thư ký đặt tại WB. Tuy nhiên, nền tảng này sẽ không thay thế các cuộc đàm phán về xử lý nợ trong khuôn khổ chung của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Ông Thierry Deau, nhà sáng lập, đồng thời là Giám đốc điều hành của nhóm Meridiam có trụ sở tại Paris, chuyên phát triển và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng cho rằng, nếu theo đuổi giải pháp "hoán đổi nợ xanh", sự lựa chọn này cần gắn với các điều kiện rõ ràng để bảo đảm khoản nợ được xóa sẽ kèm theo việc triển khai dự án xanh trên thực tế.

Tuần trước, một nhóm chuyên gia, gồm đại diện Liên hợp quốc, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), IMF, WB đã nhóm họp để đánh giá các giải pháp sáng tạo nhằm giúp các quốc gia giải quyết những thách thức gặp phải. Những đề xuất và biện pháp triển khai cụ thể dự kiến sẽ được công bố đúng vào thời điểm Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), được tổ chức vào tháng 11 tới tại thành phố Glasgow (Scotland thuộc Vương quốc Anh). Đại diện IMF cho biết, quỹ này sẽ làm việc với WB về lựa chọn hoán đổi nợ tại COP26, và sau đó quyết định tham gia hay không sẽ tùy thuộc vào các nước cho vay hoặc các chủ nợ.

Ngày 30/3, Viện Policy Integrity của Đại học New York (Mỹ) công bố một nghiên cứu cho thấy, gần 9 trên 10 nhà kinh tế học hàng đầu về khí hậu toàn cầucho rằng, biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng thu nhập giữa các quốc gia giàu và nghèo; đồng thời kêu gọi hành động khẩn cấp để cắt giảm lượng khí thải làm nóng hành tinh.

Nợ công của các nước nghèo vốn đã lớn, lại tăng cao thời đại dịch. Bước vào giai đoạn phục hồi, "đầu tư xanh" được khuyến khích. Giải pháp đổi nợ bằng các dự án xanh có ý nghĩa quan trọng, vừa giúp bớt gánh nặng nợ công, vừa thúc đẩy phát triển bền vững.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp chống biến đổi khí hậu từ những dự án hoán đổi 'nợ xanh'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Hướng tới du lịch “Net zero”
Du lịch “Net Zero” là xu hướng mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến với mục đích không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình hoạt động. Quảng Bình sẽ phát trển các sản phẩm du lịch theo xu hướng này.
Bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tin mới