Thứ ba, 26/11/2024 04:00 (GMT+7)
Thứ tư, 30/12/2020 13:54 (GMT+7)

Giải mã thông điệp từ thiên nhiên: Góp 'giọt nước' thành 'đại dương'

Theo dõi KTMT trên

Những số liệu nhỏ, lẻ như những giọt nước góp lại thành đại dương, sẽ được Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổng hợp, phân tích để rút ra "thông điệp" của thiên nhiên.

Giải mã thông điệp từ thiên nhiên: Góp 'giọt nước' thành 'đại dương' - Ảnh 1
Cán bộ khí tượng kiểm tra hộp số tự động. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Năm 2020, trời và biển đã thể hiện rất rõ sự “khó ở” của mình trên dải đất hình chữ S.

Đầu năm, khu vực phía Bắc hứng chịu những trận mưa đá, dông lốc dữ dội. Ở Nam Bộ, tình trạng xâm nhập mặn đến sớm hơn và hết sức gay gắt. Giữa năm là chuỗi ngày nắng như thiêu đốt và hạn hán ở Trung Bộ. Cuối năm là 6 cơn bão và một cơn áp thấp nhiệt đới dồn dập kéo đến miền Trung và Tây Nguyên trong hơn 40 ngày, kèm các trận mưa kéo dài với tổng lượng nước bằng 3,5 lần so với trung bình nhiều năm, đỉnh lũ vượt mốc lịch sử trên không ít các con sông, con suối.

Thiệt hại về người và của sẽ rất nghiêm trọng nếu các quan trắc viên và dự báo viên thời tiết của ngành khí tượng - thủy văn không “lắng nghe” và giải mã những thông điệp lặng lẽ mà trời và biển trước đó đã gửi gắm.

Đếm mây, đo nước nơi “đầu trời, cuối đất”

Dù trú chân ở trung tâm phố thị nhưng Trạm Khí tượng Trùng Khánh (thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) vẫn có bầu không khí tĩnh lặng đặc trưng của ngành khí tượng - thủy văn. Có cảm giác, thời gian ở đây trôi thật chậm.

Quan trắc viên khí tượng Nguyễn Thị Ngà gây ấn tượng bởi sự tương phản giữa một cơ thể tràn đầy sinh lực với phong thái kiệm lời, chỉn chu trong từng động tác - dấu ấn của nhiều năm lặng lẽ “đếm mây đo gió".

Rời mái nhà của bố mẹ ở thành phố Cao Bằng, Ngà ngược lên phía Bắc 58km để chính thức bước vào nghề quan trắc khí tượng. Chị nói với mẹ: “Vài năm con sẽ về”. Nhưng 18 năm đã trôi qua, mảnh đất Trùng Khánh vẫn đang níu chân chị.

Công việc mỗi ngày của Ngà là đo hướng và tốc độ gió, nhiệt độ, độ ẩm không khí, hôm nào có mưa thì đo lượng mưa. Đo xong, chị tổng hợp số liệu để gửi về Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đông Bắc đóng tại Hải Phòng. Rồi từ đó, các con số được chuyển tới Tổng cục Khí tượng Thủy văn ở Hà Nội. Đều đặn ngày 4 phiên vào các khung giờ 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ, quen đến nỗi Ngà thường thức dậy trước khi chuông báo thức réo.

Ngà chia sẻ: “Trạm ở ngay thị trấn, lọt thỏm trong khuôn viên của bệnh viện, vườn khí tượng chỉ cách vài chục bước chân. Chỉ có điều, Trạm ở sát bên… nhà xác. Thân gái một mình, lại phải dậy thu số liệu ngoài trời lúc nửa đêm, nhất là vào hôm mưa gió, em ngại lắm. Nhưng giờ, em quen rồi, ma cũng không dọa được nữa".

Huyện Trùng Khánh có đặc điểm khí hậu khác biệt với các địa phương của Cao Bằng là mát mẻ quanh năm với nền nhiệt thấp nhất trong tỉnh, dao động từ 20-21 độ C. Lạnh nhất là tháng Giêng với nhiệt độ trung bình là 12,6 độ C, nóng nhất là tháng Bảy với nhiệt độ trung bình 26,1 độ C. Bên cạnh nhiệt độ thấp, mưa phùn và sương muối cũng là “đặc điểm nhận dạng” của Trùng Khánh.

Nằm ở cực Đông Bắc của Việt Nam, huyện biên giới Trùng Khánh là nơi đón gió lạnh sớm nhất từ Trung Quốc tràn sang. Ngà kể: “Chúng em là những quan trắc viên đầu tiên đón gió mùa Đông Bắc. Nhiều năm đóng chốt ở đây, em rất nhạy cảm với những cơn gió lạnh. Em nhận biết chính xác gió mùa sắp sửa ùa về từ trước khi ra vườn lấy các số liệu về khí tượng".

Cách Trạm Khí tượng Trùng Khánh hơn 2.300km là Trạm Thủy văn Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) thuộc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ. Nếu thị trấn Năm Căn là điểm cuối của Quốc lộ 1A thì từ cửa khẩu Hữu Nghị ở thị trấn Đồng Đăng (huyện Bảo Lộc, tỉnh Lạng Sơn), nơi khởi đầu con đường huyết mạch của đất nước, ngược lên hướng Tây Bắc thêm gần 300km nữa theo Quốc lộ 4A mới tới Trạm Khí tượng Trùng Khánh.

Từ ngày 7/2/2015 cây cầu Năm Căn đã được hoàn thành. Từ Trạm Khí tượng Trùng Khánh quan trắc viên khí tượng Nguyễn Thị Ngà có thể ngồi ôtô đi dọc chiều dài đất nước trong vòng 30 giờ để đến thẳng Trạm Thủy văn Năm Căn, nơi có hai quan trắc viên thủy văn cắm chốt.

Trạm trưởng Trạm Thủy văn Năm Căn Đinh Văn Danh (quê ở Nghệ An) và quan trắc viên Nguyễn Mạnh Ái (quê ở Hà Tĩnh) đã gắn bó với nhau và với mảnh đất tận cùng của Tổ quốc được 34 năm.

Ông Đinh Văn Danh tâm sự: “Trạm này là nơi chứng kiến thời điểm tôi và anh Ái bỡ ngỡ bước vào nghề. Nó cũng sẽ chứng kiến những ngày làm việc cuối cùng của chúng tôi trước khi nghỉ hưu. Suốt từng ấy năm cả hai chưa được luân chuyển sang một trạm nào khác".

Tròn 34 năm, tại một nơi quạnh quẽ xa khu dân cư và xa quê hàng nghìn cây số, ông Danh và ông Ái làm những công việc quen thuộc, lặp đi lặp lại hằng ngày - đo mực nước và tốc độ dòng chảy của sông Cửa Lớn. Trước khi Trạm Thủy văn Năm Căn được lắp thiết bị tự động đo tốc độ dòng chảy, các quan trắc viên phải đo và lấy số liệu hằng giờ, nghĩa là có 24 phiên đo trong một ngày đêm.

Quan trắc viên Nguyễn Mạnh Ái kể: “Trạm chỉ có hai anh em. Nếu một người đi họp hay bận việc gì, người khác phải làm 2-3 ngày liên tục, cũng có nghĩa là chừng đó đêm ngày không ngủ. Giờ nào cũng phải đo đạc, khi xong việc cũng là lúc chúng tôi phải chuẩn bị cho phiên mới. Thói quen ăn vào máu rồi, khó bỏ. Vậy nên, tuy đã có máy đo tự động mà trong một thời gian dài chúng tôi mỗi đêm giật mình tỉnh giấc không biết bao nhiêu lần. Đôi chân cứ tự động đưa chúng tôi ra sông dù chưa đến phiên trực".

Gọi là sông nhưng thực chất Cửa Lớn là một con kênh đào chứa nước lợ dài 58km, rộng 600m và sâu 12m, nối biển Đông với biển Tây, chảy qua địa phận hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển của tỉnh Cà Mau.

Tổng hợp các số liệu thu thập mỗi ngày và qua cảm nhận của hơn 30 năm sống, làm việc mà không “xê dịch," ông Danh và ông Ái cảm nhận được sự biến động của thiên nhiên qua mực nước, dòng chảy và độ mặn của sông Cửa Lớn. Các con số mang tính cực đoan hơn và “phi quy luật” nhiều hơn.

Kịch bản biến đổi khí hậu - góp từng con số nhỏ

Hiện tại, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đang quản lý khoảng 1.500 trạm khí tượng, thủy văn, hải văn, môi trường. Trong số này có 187 trạm khí tượng bề mặt, tức trạm truyền thống (53 trạm hạng I, 84 trạm hạng II, 50 trạm hạng III); 152 trạm có quan trắc tự động; 782 điểm đo mưa; 242 trạm thủy văn truyền thống (70 trạm hạng I, 24 trạm hạng II, 148 trạm hạng III); 162 trạm thủy văn tự động độc lập; 20 trạm hải văn truyền thống, 7 trạm hải văn tự động độc lập. Đặc biệt, Việt Nam còn có hàng chục trạm khí tượng trên cao và radar thời tiết.

Ông Danh, ông Ái, chị Ngà cũng như hàng trăm quan trắc viên khác có thể nghĩ rằng các số liệu mà họ thu thập mỗi ngày chỉ nhằm phục vụ cho công tác dự báo thời tiết.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, những con số từ các trạm khí tượng, thủy văn, hải văn, môi trường, radar thời tiết sẽ được tập hợp lại trong quỹ dữ liệu quốc gia để phục vụ cho việc xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam. Các số liệu khí tượng-thủy văn của Việt Nam cũng góp phần vào quỹ dữ liệu thế giới để phục vụ cho việc xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hiện nay, biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng nhất đối với toàn nhân loại, ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu. Là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Để ứng phó một cách hiệu quả phải xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho các thời kỳ. Các kịch bản trước hết phải dựa vào những số liệu quan trắc từ khắp mọi vùng, miền, địa phương.

Năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường lần đầu tiên công bố kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam trên cơ sở tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước. Các kịch bản mới chỉ giới hạn ở bảy vùng khí hậu và dải ven biển Việt Nam.

Năm 2011, Việt Nam ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu để xác định mục tiêu cho các giai đoạn và các dự án ưu tiên. Bộ Tài nguyên và Môi trường một lần nữa cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa trên các nguồn dữ liệu của Việt Nam.

Giải mã thông điệp từ thiên nhiên: Góp 'giọt nước' thành 'đại dương' - Ảnh 2
Nhiều tuyến đường ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế bị ngập sâu trong đợt mưa lũ. (Ảnh: TTXVN phát)

Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2016 thuộc lộ trình đã được xác định trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu với mục đích cung cấp những thông tin mới nhất về diễn biến, xu thế biến đổi của khí hậu và nước biển dâng trong thời gian qua cũng như kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thế kỷ 21 ở Việt Nam.

Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2016 được xây dựng trên cơ sở Báo cáo đánh giá lần thứ 5 (AR5) của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC); số liệu khí tượng thủy văn trong nước; xu thế biến đổi khí hậu ở Việt Nam; các mô hình khí hậu toàn cầu và mô hình khí hậu khu vực có độ phân giải cao cho Việt Nam.

Thông tin chi tiết kịch bản bao gồm nhiệt độ, mưa; các hiện tượng khí hậu cực đoan (bão, gió mùa, nắng nóng, rét đậm, rét hại, hạn hán); mực nước biển dâng đối với các tỉnh ven biển và hải đảo, nguy cơ ngập tương ứng với các mức nước biển dâng... Các mốc thời gian được tính đến trong kịch bản nói trên gồm đầu thế kỷ (tương lai gần, 2016-2035); giữa thế kỷ (tương lai vừa, 2046-2065) và cuối thế kỷ (tương lai xa, 2080-2099).

Những số liệu nhỏ, lẻ do Trạm Khí tượng Trùng Khánh, Trạm Thủy văn Năm Căn và hàng trăm trạm quan trắc khác như những giọt nước góp lại thành đại dương, sẽ được Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổng hợp, phân tích để rút ra thông điệp của thiên nhiên.

Từ thông điệp đó cùng với nhiều số liệu khác, các nhà khoa học dựng lên những kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng tương đối chi tiết dành cho Việt Nam với mục đích giúp Chính phủ và người dân chống chọi, phòng tránh thiên tai, giảm thiểu thiệt hại.

Trần Quang Vinh

Bạn đang đọc bài viết Giải mã thông điệp từ thiên nhiên: Góp 'giọt nước' thành 'đại dương'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới