Thứ sáu, 22/11/2024 22:51 (GMT+7)
Thứ ba, 02/02/2021 06:55 (GMT+7)

Giải cứu và tịch thu hơn 1.130 cá thể động vật hoang dã trong năm 2020

Theo dõi KTMT trên

Trong các vi phạm về động vật hoang dã, hành vi quảng cáo, rao bán trái phép động vật hoang dã chiếm phần lớn với 1.956 vụ việc; tiếp theo là 863 vụ việc nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép...

Giải cứu và tịch thu hơn 1.130 cá thể động vật hoang dã trong năm 2020 - Ảnh 1
Tang vật một vụ buôn bán động vật hoang dã. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Ngày 1/2, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết trong năm 2020, Trung tâm đã ghi nhận 2.907 vụ việc vi phạm về động vật hoang dã, hầu hết do người dân thông báo đến đường dây nóng miễn phí về bảo vệ động vật hoang dã 1800-1522. Con số này gần gấp đôi số lượng vụ việc trung tâm ghi nhận trong năm 2019.

Điều này cho thấy tình trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại Việt Nam bất chấp dịch COVID-19 nhiều khả năng có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Cụ thể, trong các vi phạm về động vật hoang dã, hành vi quảng cáo, rao bán trái phép động vật hoang dã chiếm phần lớn với 1.956 vụ việc; tiếp theo là 863 vụ việc nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép và 98 vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép.

Các loài động vật hoang dã thường bị quảng cáo, buôn bán, nuôi nhốt trái phép bao gồm: khỉ (584 vụ), gấu (395 vụ), hổ (390 vụ), ngà voi (401 vụ) và 109 vụ việc liên quan đến tê tê.

Trong số 2.216 vụ việc do người dân thông báo, có 57,1% vụ việc đã được xử lý thành công (vi phạm bị xóa bỏ, động vật hoang dã bị tịch thu, tự nguyện chuyển giao hoặc đối tượng vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định của pháp luật).

Nhờ tin báo từ người dân và sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng, 1.132 cá thể động vật hoang dã đã được tịch thu, tự nguyện chuyển giao và cứu hộ trên cả nước trong năm 2020.

Các cá thể động vật hoang dã này gồm 436 cá thể chim, 362 cá thể rùa, 120 cá thể khỉ, 15 cá thể rùa biển và nhiều loài động vật hoang dã khác.

Đặc biệt, tháng 10/2020, có 7 cá thể gấu tại tỉnh Bình Dương đã được chuyển giao cho Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình, nâng tổng số gấu được cứu hộ trong năm 2020 lên tới 32 cá thể.

Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết số lượng vi phạm báo cáo tới Trung tâm mỗi ngày trong năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Điều này cho thấy tình trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; đồng thời cũng chứng tỏ cộng đồng ngày càng quan tâm tới vấn đề bảo vệ động vật hoang dã.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã trở thành cầu nối để cộng đồng hỗ trợ cơ quan chức năng giám sát các hành vi vi phạm về động vật hoang dã.

Bà Nguyễn Phương Dung nhấn mạnh nhằm góp phần bảo vệ động vật hoang dã, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đề nghị các cơ quan chức năng nỗ lực hơn nữa để nâng cao tỉ lệ xử lý thành công các vụ việc vi phạm về động vật hoang dã trong năm 2021 đồng thời khuyến cáo người dân không tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã dưới bất cứ hình thức nào; thông báo dấu hiệu vi phạm về động vật hoang dã đến cơ quan chức năng địa phương hoặc đường dây nóng miễn phí 18001522, email [email protected].

Lý Thanh Hương

Bạn đang đọc bài viết Giải cứu và tịch thu hơn 1.130 cá thể động vật hoang dã trong năm 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới