Giá xăng dầu hôm nay 15/2: Tăng mạnh, liên tục chinh phục 'đỉnh' mới
Những lo ngại ngày càng gia tăng về việc Nga có thể tấn công Ukraine đã đẩy giá dầu liên tục chinh phục “đỉnh” mới và khả năng “chạm” gần 100 USD/thùng - mức chưa từng thấy kể từ năm 2014 không phải là điều quá xa vời.
Ghi nhận đầu giờ sáng nay 15/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 3 được giao dịch ở mức 94,83 USD/thùng, tăng 63 cent, tương đương 0,66%.
Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 4 được giao dịch ở mức tăng 2,16%, tương đương 2,04 USD, lên 96,48 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch ngày 14/2, dầu thô Brent đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ tháng 9-2014 là 96,78 USD/thùng. Bám sát dầu Brent, dầu thô WTI cũng tăng mạnh gần 3% lên 95,82 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 9/2014 trước khi trượt nhẹ xuống 95,46 USD/thùng.
Theo Reuters, cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI đã tăng hơn 2% trong ngày 14/2 lên mức cao nhất trong hơn 7 năm khi tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố ngày 16-2 là "ngày đoàn kết" và kêu gọi người dân nước này treo cờ tổ quốc và đồng thanh hát quốc ca trong ngày. Ngày 16-2, theo trích dẫn của một số phương tiện truyền thông phương Tây là ngày Nga bắt đầu tấn công Ukraine.
Các quan chức Ukraine nhấn mạnh rằng tổng thống Zelenskiy không dự đoán về một cuộc tấn công vào ngày đó, nhưng đáp lại bằng sự hoài nghi trước các báo cáo của truyền thông nước ngoài.
Giá dầu hôm nay còn chịu áp lực bởi đồng USD mạnh hơn khi nhiều nhà đầu tư tìm đến các tài sản đảm bảo trong bối cảnh rủi ro địa chính trị toàn cầu leo thang.
Tuy nhiên ở chiều hướng ngược lại, giá dầu vẫn đang nhận được sự hỗ trợ lớn bởi giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng cao. Giá khí đốt tự nhiên trong các hợp đồng kỳ hạn tháng 3 được giao dịch tại TTF, điểm giao dịch khí đốt tự nhiên có trụ sở tại Hà Lan, đóng cửa vào tuần trước ở mức khoảng 77 euro (87,16 USD)/MWh đã tăng 14% vào hôm nay (14/2) lên 88 euro (99,62 USD)/MWh.
Giá dầu thô đã tăng mạnh trong những tuần giao dịch gần đây khi thị trường lo ngại sự leo thang căng thẳng Nga - Ukraine và tình hình bất ổn ở khu vực Trung Đông sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu, thậm chí có thể đẩy kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng năng lượng.
Theo Nishant Bhushan, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp của Rystad Energy, Nga là một trong những nhà sản xuất dầu thô lớn nhất, với công suất khoảng 11,2 triệu thùng/ngày (tương đương 10% nhu cầu dầu của thế giới). Vì vậy, “bất kỳ sự gián đoạn nào của dòng chảy dầu từ khu vực sẽ khiến giá dầu Brent và WTI tăng vọt lên hơn 100 USD/thùng trong bối cảnh thị trường đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu dầu thô gia tăng khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch”.
Trước tình hình giá dầu “nóng”, Giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol kêu gọi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) thu hẹp khoảng cách giữa lời nói và hành động. IEA cho biết khoảng cách giữa mục tiêu của OPEC + và sản lượng thực tế là khá rộng.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran. Một thỏa thuận hạt nhân đạt được có thể “giải phóng” khoảng 1,3 triệu thùng dầu của Iran, phần nào sẽ khỏa lấp khoảng trống trong nguồn cung đang eo hẹp.
Giá xăng dầu trong nước
Tại kỳ điều chỉnh ngày 11/2 của Bộ Công thương, giá xăng dầu trong nước đồng loạt tăng mạnh, cụ thể:
Giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 962 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 981 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 24.571 đồng/lít và xăng RON 95 là 25.322 đồng/lít. Như vậy, giá xăng trong nước đã có lần tăng giá thứ 4 liên tiếp và lần tăng thứ 3 kể từ đầu năm đến nay. Đây đều là mức cao nhất từ tháng 7/2014.
Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên 19.865 đồng/lít; dầu hỏa là 18.751 đồng/lít và dầu mazut là 17.659 đồng/kg.
Lan Anh (T/h)