Tháng 7: Giá vé hàng không tăng chóng mặt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,48%
Nhìn vào báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 7 giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 20,44%, đây cũng là ngành có mức tăng cao nhất trong tháng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,48% so với tháng trước, do giá xăng dầu tăng, giá điện sinh hoạt và mức đóng bảo hiểm y tế tăng theo mức lương cơ sở mới.
GSO cho hay, trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, trong tháng 7, giá các loại thực phẩm đang có xu hướng tăng nhẹ, mức tăng khoảng 0,31%. Cụ thể, so với tháng trước giá thịt lợn tăng 0,79%.
Tính tới ngày 25/7, giá thịt lợn hơi dao động từ 62.000 - 66.000 đồng/kg. Tương tự, giá mỡ động vật tăng 1,45%; thịt quay, giò chả tăng 0,49%; nội tạng động vật tăng 0,39%.
Giá nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 0,32%, trong đó giá rau dạng quả, củ tăng 2,06%; rau gia vị tươi, khô các loại tăng 1,19%; su hào tăng 1,02% do nhu cầu ăn uống ngoài gia đình tăng cao theo mùa du lịch.
Giá quả tươi, chế biến tăng 0,33%, trong đó giá xoài tăng 2,48%; quả tươi khác như dưa hấu, nho, nhãn, đu đủ tăng 0,73%; táo tăng 0,12% do nhu cầu tăng cao trong dịp hè.
Giá trứng tươi các loại tăng 1,99% và trứng đã chế biến tăng 0,31%. Giá đồ gia vị tăng 0,5%; chè, cà phê, ca cao tăng 0,42%; đường, mật tăng 0,24%; bánh, mứt, kẹo tăng 0,12%; sữa, bơ, phô mai tăng 0,11%.
Cũng trong tháng 7, nhóm hàng giao thông tăng 1,45% so với tháng trước. Trong đó, giá dầu diesel tăng 4,07%, giá xăng trong nước tăng 3,55% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.
Đặc biệt, giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 20,44%; đường sắt tăng 4,4%; vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 0,04%; vận tải hành khách kết hợp tăng 0,01% do nhu cầu đi lại trong dịp hè tăng.
Bên cạnh đó, giá phụ tùng, thuê ô tô tự lái,... có xu hướng tăng nhẹ. Ở chiều ngược lại, giá xe ô tô, xe máy mới có xu hướng giảm do các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô áp dụng các chương trình ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm ô tô.
Theo báo cáo của GSO, nhóm dịch vụ đang có mức tăng cao nhất trong tháng 7, so với tháng trước tăng 3,77%.
Nguyên nhân chủ yếu do giá bảo hiểm y tế tăng 28,45% khi mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, giá dịch vụ chăm sóc người già tăng 2,5% so với tháng trước; sửa chữa đồng hồ đeo tay, đồ trang sức tăng 0,47%; hàng chăm sóc cơ thể tăng 0,24%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,3%. Chiều ngược lại, giá đồ trang sức giảm 0,44% theo giá vàng trong nước; máy dùng điện cho chăm sóc cá nhân giảm 0,08%.
Bình quân 7 tháng năm nay, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm ngoái; lạm phát cơ bản tăng 2,73%.
BN