Thứ tư, 08/05/2024 12:15 (GMT+7)
Thứ hai, 06/11/2023 16:30 (GMT+7)

Giá vàng miếng SJC giảm mạnh do tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội

Theo dõi KTMT trên

Ngày 6/11, giá vàng miếng SJC giảm mạnh trước tin đồn tạm ngừng giao dịch vàng vào cuối tháng 11. Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) vừa lên tiếng bác bỏ tin đồn thất thiệt này.

Ngày 6/11, giá vàng miếng SJC giảm mạnh, mất từ 1,5 đến gần 2 triệu đồng mỗi lượng do lực bán vàng đầu ngày từ phía người dân gia tăng.  

Có lúc giá mua vào chỉ còn 67 triệu đồng/lượng, tuy nhiên sau đó hồi phục lên mức 68 triệu đồng/lượng trong khi giá bán ra là 69,5 triệu đồng/lượng.

Tính đến chiều ngày 6/11, giá vàng miếng SJC đang được giao dịch ở mức 68,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 69,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Nếu mua vào vàng SJC cuối tuần trước và bán ra đầu tuần này, người mua đã lỗ tới hơn 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC giảm mạnh do tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội - Ảnh 1
Tin đồn thất thiệt khiến cho giá vàng miếng SJC lao dốc.

Nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC lao dốc không phanh được xác định là do: Giá vàng thế giới giảm và nhà đầu tư lo lắng trước các tin đồn thất thiệt.

Cụ thể, giá vàng thế giới đã rơi từ mức cao nhất là 2.003 USD/ounce cuối tuần trước xuống mức 1.983,5 USD/ounce vào trưa nay, tương đương mức giảm 19,5 USD/ounce (579.000 đồng/lượng). Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 58,87 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến cho giá vàng miếng SJC giảm mạnh là do các tin đồn thất thiệt trên thị trường sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành thông tư 12 sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.

Trong đó, quy định Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước có trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với Vụ Quản lý ngoại hối trình Thống đốc NHNN xem xét, quyết định tạm ngừng giao dịch, hủy quan hệ mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp theo quy định.

Thông báo cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp quyết định của NHNN về việc tạm ngừng giao dịch, hủy quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng; đầu mối, phối hợp với Sở Giao dịch thực hiện nghiệp vụ thanh toán mua, bán vàng miếng; thông báo bằng văn bản cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp về việc không hoàn trả tiền đặt cọc; thông báo và cập nhật cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Quản lý ngoại hối về danh sách tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với NHNN.

Đồng thời phối hợp với Vụ Quản lý ngoại hối và Vụ Chính sách tiền tệ xây dựng phương án mua, bán vàng miếng của NHNN; phối hợp với Vụ Quản lý ngoại hối xác định giá mua, giá bán vàng miếng (đối với trường hợp mua bán trực tiếp và đấu thầu theo khối lượng), giá sàn, giá trần (đối với trường hợp đấu thầu theo giá) theo phương án mua bán đã được phê duyệt; thông báo bằng văn bản cho Sở Giao dịch về việc tổ chức tín dụng, doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại điều 13 Thông tư này để làm căn cứ xử lý tiền đặt cọc theo quy định tại điều 16.

Từ đó trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin thất thiệt về việc sẽ tạm dừng giao dịch vàng miếng, nhiều người còn kêu gọi ai nắm giữ vàng miếng hãy bán để đổi sang vàng nhẫn…

Trước tin đồn thất thiệt này, trưa nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã phát đi thông cáo cho biết, Thông tư 12 sẽ bổ sung Cục Quản lý dự trữ ngoại hối tham gia vào các quy trình giao dịch đấu thầu vàng miếng giữa ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng, không liên quan đến hoạt động mua bán vàng miếng SJC của các tổ chức có giấy phép kinh doanh vàng miếng của các cá nhân đang sở hữu vàng miếng SJC.

“Công ty SJC khẳng định hiện nay người dân vẫn có thể thực hiện hoạt động mua, bán vàng miếng SJC bình thường như hiện hành tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng”, Công ty SJC thông tin.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Giá vàng miếng SJC giảm mạnh do tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Xanh hóa” bao bì thực phẩm, nói dễ khó làm!
“Xanh hóa” bao bì thực phẩm không chỉ là xu hướng mà còn là sự chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, quá trình xanh hóa đòi hỏi nguồn vốn, thời gian, cũng như nâng cao trình độ nguồn nhân lực.