Thứ sáu, 19/04/2024 16:51 (GMT+7)
    Thứ ba, 13/10/2020 12:04 (GMT+7)

    Giá nhà bị đẩy lên cao, người thu nhập thấp ngày càng khó mua nhà

    Theo dõi KTMT trên

    Trong các báo cáo về thị trường bất động sản mới đây, nhiều tổ chức, đơn vị đều khẳng định, khi tất cả các ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thì giá bán nhà ở trên thị trường không hề có xu hướng giảm mà vẫn tăng.

    Điển hình là TP.HCM, do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu cao, dẫn đến giá căn hộ tại thành phố này tăng vọt và tỉ lệ hấp thụ ở mức cao.

    Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, riêng trong quý III/2020, giá bán căn hộ tại TP.HCM đã tăng mạnh từ 15 - 20% so với quý II/2020, tạo nên cơn sốt cho thị trường bất động sản.

    Do khan hiếm nguồn hàng dự án nên nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền tại các huyện ven đô, tạo nên sự tăng giá mạnh cho đất đai tại một số huyện như Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi... với giá dao động từ 30 - 50 triệu đồng (tăng từ 10-15% so với quý trước).

    Giá nhà bị đẩy lên cao, người thu nhập thấp ngày càng khó mua nhà - Ảnh 1
    Bất chấp dịch bệnh ảnh hưởng đến nền kinh tế giá nhà không hề có xu hướng giảm mà vẫn tăng. (Ảnh minh họa: Internet)

    Thông tin về tình hình số liệu nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn Hà Nội quý III/2020, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, căn hộ bình dân tiếp tục chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn cung căn hộ. Những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc này thường nằm tại các vùng ven đang phát triển như: Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông... Tuy nhiên, tỉ lệ hấp thụ phân khúc này luôn duy trì ở mức rất cao, đạt khoảng 70%.

    Về giá bất động sản, chưa thấy hiện tượng dự án bất động sản công bố giảm giá; cả nước, trong và sau dịch bệnh, giá bán căn hộ phân khúc trung, cao cấp tiếp tục gần như đi ngang; phân khúc bình dân tăng nhẹ khoảng 3-5%.

    Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong khoảng 2 năm trở lại đây, TP.HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt. Các dự án đô thị và nhà ở tại địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước cũng gặp cực kỳ nhiều khó khăn trong phê duyệt ở tất cả các khâu (Quy hoạch, cấp phép xây dựng, đủ điều kiện tham gia thị trường,…).

    Ngoài đại dự án đô thị tại Quận 9, một số dự án nhà ở khác đã cơ bản hoàn thành thủ tục thì rải rác dần được cấp giấy phép xây dựng và đủ điều kiện bán sản phẩm trong năm 2019 và 2020. Tuy nhiên, hầu hết Chủ đầu tư các dự án này đều phải lách luật bán sản phẩm trước theo kiểu đặt cọc hoặc ký quỹ đảm bảo thực hiện mua bán sản phẩm… để đáp ứng nhu cầu rất cao của thị trường địa phương. Vì vậy, mặc dù số lượng sản phẩm chào bán trong kỳ cao nhưng phần lớn các sản phẩm này đã được hấp thụ từ trước, sản phẩm thực tế còn bán trên thị trường rất ít.

    Lý giải về vấn đề này, trao đổi với Infonet, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, tư vấn phát triển và thẩm định giá của CBRE Việt Nam (chi nhánh Hà Nội) cho rằng, bất động sản là sản phẩm đầu tư dài hạn. Để có thể đưa ra chào bán sản phẩm thì các chủ đầu tư phải mất nhanh nhất là 2 năm. Còn trung bình phải mất từ 3-4 năm, từ khi có lô đất đến tính toán phương án đầu tư xây dựng.

    Theo bà An, dịch bệnh xảy ra chưa đến 1 năm thì sẽ rất khó để các chủ đầu tư điều chỉnh giá. Hơn nữa, bất động sản là sản phẩm đặc thù, thị trường cần có thời gian và chủ đầu tư cũng cần có thời gian để lên lại kế hoạch, lên lại ngân sách, chuẩn bị lại chi phí đầu tư thì mới có thể đưa ra mặt bằng giá mới.

    Vì thế, những sản phẩm đã chào bán trong năm 2020 với phân khúc chủ yếu là bình dân và trung cấp được lựa chọn ra hàng trong thời điểm dịch bệnh chính là phản ánh cái nhìn, kế hoạch của các chủ đầu tư tung ra sản phẩm nào phù hợp với thị trường nhất trong thời điểm hiện tại.

    Theo nhận định của bà An, giá bất động sản từ nay đến cuối năm sẽ ít có sự thay đổi lớn, kỳ vọng sẽ có thêm nguồn cung mới.

    “Theo quan sát của chúng tôi trên tất cả các phân khúc có thể khẳng định không nhìn thấy bong bóng. Duy nhất phân khúc nhà ở gắn liền với đất là phân khúc đang được sự quan tâm không chỉ ở các quận Hà Nội mà cả ở những khu vực ven đô.

    Khu vực ven đô có làn sóng đầu tư nhất định do nhà đầu tư có sự kỳ vọng về thay đổi hạ tầng, thay đổi liên quan đến dự án mới được quy hoạch, những dự án do các nhà đầu tư tên tuổi lớn đang chuẩn bị đầu tư xây dựng phát triển. Những khu vực như vậy có thể xảy ra tình trạng đầu cơ, đầu tư ngắn hạn sẽ khiến giá tăng trưởng đột biến”, bà An cho hay.

    Ngoài ra, bà An cũng cho biết, một số khu vực phía Tây Hà Nội trong khoảng 6 tháng vừa qua đã có hạ tầng hoàn thiện, những tuyến đường đã được thông xe đã mở ra cơ hội cho phân khúc nhà ở gắn liền với đất có tăng trưởng nóng từ 20-30%.

    Hà Linh

    Bạn đang đọc bài viết Giá nhà bị đẩy lên cao, người thu nhập thấp ngày càng khó mua nhà. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
    Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .