Thứ sáu, 03/05/2024 11:34 (GMT+7)
Thứ tư, 11/10/2023 15:16 (GMT+7)

Gia Lai: Nhiều chỉ số tích cực tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm

Theo dõi KTMT trên

Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh Gia Lai đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, đưa kinh tế, xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả triển vọng nổi bật.

Mới đây, ông Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vừa ký ban hành văn bản số 222/BC-UBND tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 9 và 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 3 tháng cuối năm 2023. 

Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm, lĩnh vực kinh tế nông lâm nghiệp của tỉnh Gia Lai tăng trưởng mạnh mẽ, năng suất, sản lượng hầu hết các loại cây trồng, số lượng vật nuôi đều tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể; Tổng diện tích gieo trồng 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 567.974,7 ha, bằng 99,6% kế hoạch, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 590.340 tấn, bằng 101,4% kế hoạch, tăng 0,25% so với cùng kỳ. Vụ Mùa, tính đến ngày 30/9/2023 đã gieo trồng được 221.615 ha cây trồng các loại, đạt 97,3% kế hoạch và bằng 100,1% so với cùng kỳ.

Gia Lai: Nhiều chỉ số tích cực tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm - Ảnh 1
Kinh tế nông nghiệp tại tỉnh Gia Lai có nhiều triển vọng tích cực trong thời gian tới.

Chuyển đổi đạt 2.633,4 ha cây trồng các loại, toàn tỉnh có khoảng 233.523 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO, chiếm 41,5% tổng diện tích gieo trồng, có 44.265,5 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (tăng 6.673,1 ha so với cuối năm 2022), 190 mã số vùng trồng với tổng diện tích 8.974,4 ha và 32 mã cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 1.245 - 1.395 tấn quả tươi/ngày phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ…Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh trên cây trồng nên diện tích sâu bệnh gây hại giảm đáng kể.

Số trang trại chăn nuôi theo hình thức công nghiệp chiếm 31,18%. Trong đo, có 77 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích 2.415,9 ha, tổng vốn đăng ký 12.340,25 tỷ đồng, 27 dự án đã đi vào hoạt động, với 62.154 con bò, 225.300 con heo. Trên địa bàn tỉnh đã có 06 chuỗi liên kết giữa các Doanh nghiệp với người chăn nuôi với tổng số trại liên kết 176 trại 6, 07 hợp tác xã liên kết với các hộ sản xuất theo chuỗi, 11 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn Viet GAP, 01 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn Global GAP.

Phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao và các sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được đẩy mạnh, tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có tính liên kết vùng cao. Đến nay toàn tỉnh có 91/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 14,03 tiêu chí/xã; có 03/17 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (gồm: thành phố Pleiku; thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa); có 131 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó 110 thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số). Có 311 sản phẩm OCOP được công nhận (49 sản phẩm đạt 4 sao, 262 sản phẩm đạt 3 sao). Ước tính nguồn lực thực hiện năm 2023 là 7.217,22 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương bố trí trực tiếp (vốn đầu tư 293,340 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 71,815 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) 400,785 tỷ đồng, vốn lồng ghép 1.179,096 tỷ đồng, vốn tín dụng 3.410,539 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 1.074,222 tỷ đồng; vốn huy động từ người dân và cộng đồng 787,4 tỷ đồng.

Gia Lai: Nhiều chỉ số tích cực tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm - Ảnh 2
9 tháng đầu năm, cà phê mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai tăng cả lượng và giá trị.

Đặc biệt, sản xuất công nghiệp phục hồi và phát triển nhanh, các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả lớn trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

Các dự án điện gió, các nhà máy sản xuất đi vào hoạt động ổn định và phát huy công suất. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 21.825,6 tỷ đồng, đạt 69,02% kế hoạch và tăng 9,51% so với cùng kỳ, công nghiệp khai khoáng tăng 17,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,66%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 3,24%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3%11 .

Hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 570 triệu USD, đạt 83,82% kế hoạch, tăng 4,59% so với cùng kỳ, chủ lực là mặt hàng cà phê tăng cả về lượng và giá trị.

Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 96,66 triệu USD, đạt 87,87% kế hoạch, giảm 19,45% so với cùng kỳ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Kim ngạch nhập khẩu giảm chủ yếu do lượng nông sản (sắn lát, hạt điều) nhập từ Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh giảm.

Mặc dù đạt nhiều kết quả phát triển kinh tế, xã hội, nhưng nền kinh tế của tỉnh Gia Lai vẫn còn gặp nhiều khó khăn còn những tồn tại, hạn chế như; hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng chậm lại, một số vấn đề tồn đọng kéo dài chưa được xử lý dứt điểm, một số vấn đề mới phát sinh mà chưa có trong tiền lệ, tiến độ thực hiện giải ngân xây dựng cơ bản rất chậm, thu ngân sách chưa đạt kế hoạch và thấp hơn so cùng kỳ. Nhiều chương trình MTQG triển khai còn vướng các quy định, ảnh hưởng đến tiến độ, nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn nhiều tiềm ẩn, tình trạng vi phạm lâm luật, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra, tội phạm trật tự xã hội gia tăng, tai nạn giao thông mặc dù giảm cả 3 tiêu chí, nhưng vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và tiềm ẩn phức tạp. Một số sở, ngành, địa phương, cá nhân thực hiện chưa nghiêm túc quy chế làm việc của UBND tỉnh, chưa nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, công tác phối hợp giải quyết công việc thiếu chặt chẽ. Một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện e ngại, sợ làm sai hoặc “đùn đẩy” trách nhiệm.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong 3 tháng cuối năm 2023. Tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, chủ động dự báo, nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ổn định đời sống người dân, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội đã đề ra.

Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, nhịp nhàng, chặt chẽ, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế xã hội, nỗ lực phấn đấu đạt vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2023 đã đề ra, tiếp tục quán triệt chủ đề “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”.

Ngoài ra, các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, tập trung triển khai kế hoạch số 1908/KH-UBND ngày 21/7/2023 của UBND tỉnh về khắc phục tồn tại, hạn chế và cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023.

Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) và chỉ số xanh (PGI) của tỉnh năm 2023. Hỗ trợ, phát triển DNNVV, hợp tác xã năm 2023. Tiếp tục đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Tăng cường công tác phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời đến các hội doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp để doanh nghiệp tham gia, đồng hành trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế trên địa bàn.

Trọng Nghị

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Nhiều chỉ số tích cực tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.
Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới