Gia Lai: Người dân hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng
Chủ trương giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững của Đảng và Nhà nước; nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế của người dân.
Thực tiễn, việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Công tác này gắn với việc thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã tác động tích cực đến ý thức của người dân trong công cuộc tham gia quản lý, bảo vệ rừng và phát triển, nâng cao độ che phủ của rừng.
Theo chia sẻ của ông Dương Quốc Điệp - Chủ tịch UBND xã Kon Pne, huyện Kbang cho biết: Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, bảo vệ diện tích rừng, Ban Chỉ đạo quản lý, bảo vệ rừng của xã còn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, không lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, đồng thời, xây dựng kế hoạch quản lý rừng cộng đồng năm 2022 của 3 làng.
Bên cạnh đó, xã được giao quản lý 2.767,1 ha rừng. UBND xã hợp đồng 3 cộng đồng làng quản lý, bảo vệ với đơn giá hợp đồng 488,7 ngàn đồng/ha/năm. Diện tích mà các cộng đồng làng; Kon Kring, Kon Ktonh và Kon Hleng làm chủ rừng theo “Dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng thuộc các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai” là 443 ha với số tiền chi trả hàng năm hơn 237,9 triệu đồng.
“Công tác giao đất, giao rừng gắn với việc thực hiện các chính sách hưởng lợi đã góp phần giúp người dân sống gần rừng cải thiện sinh kế. Qua đó, người dân, cộng đồng sống gần rừng đã dần quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ rừng; thường xuyên tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng trên diện tích được giao. Hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng của các cộng đồng được nâng lên” ông Dương Quốc Điệp cho biết thêm.
Đặc biệt, việc giao đất, giao rừng cũng là cơ sở để thực hiện chính sách chi trả DVMTR, góp phần đem lại nguồn thu nhập cho người dân và cộng đồng dân cư nhận bảo vệ rừng. Nhờ thực hiện chính sách chi trả DVMTR, các chủ rừng có thêm nguồn kinh phí để thúc đẩy cộng đồng dân cư tích cực hơn trong công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao. Trên cơ sở đó, tháng 3-2022, UBND huyện Krông Pa đã quyết định giao đất, giao rừng cho 4 cộng đồng dân cư ở xã Uar và Ia Hdreh với tổng diện tích gần 1.474 ha.
Theo đó, sau khi tiếp nhận bản đồ giao rừng của huyện Krông Pa, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thống nhất thông qua việc xử lý số liệu chồng ghép bản đồ giao rừng năm 2021 với bản đồ 3 loại rừng và bản đồ các lưu vực nhà máy sử dụng DVMTR. Cùng với đó, đơn vị chủ động phối hợp cùng UBND huyện, Hạt Kiểm lâm huyện, UBND 2 xã Uar, Ia Hdreh và đại diện các cộng đồng được giao đất, giao rừng tiến hành kiểm tra thực địa, từ đó thống nhất số liệu xây dựng bản đồ cung ứng DVMTR cho các chủ rừng mới được giao rừng năm 2021.
Tính đến nay, huyện Krông Pa có 19 cộng đồng tham gia bảo vệ rừng được hưởng chính sách chi trả DVMTR với tổng diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ là 4.259,19 ha.
Cùng với đó, tại xã Ia Hdreh, Chủ tịch UBND ông Nay Tiêk chia sẻ: Người dân ở các buôn rất phấn khởi khi được UBND huyện giao đất, giao rừng. Đi đôi với lợi ích, bà con vẫn còn đắn đo về trách nhiệm của mình và kinh phí được nhận. Nhưng khi nghe việc giao đất, giao rừng gắn với việc hưởng lợi từ nguồn chi trả DVMTR thì ai nấy đều hào hứng.
Đại diện lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai củng cho biết: Năm 2022, theo kế hoạch giao đất, giao rừng của các huyện thì sẽ có thêm nhiều cộng đồng dân cư được nhận quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài huyện Krông Pa, thời gian tới, Quỹ còn phối hợp với UBND các huyện Kông Chro, Chư Pưh, Chư Prông, UBND xã và các cộng đồng dân cư nhận quản lý, bảo vệ hơn 3.200 ha rừng để xây dựng bản đồ chi trả DVMTR. Việc chi trả DVMTR đã từng bước mang lại lợi ích kép khi vừa nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người có rừng và giữ rừng, vừa tạo sinh kế cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Đặc biệt, khi chủ rừng được hưởng lợi từ rừng, sống được nhờ rừng thì họ sẽ có trách nhiệm và nỗ lực bảo vệ. Vì vậy, chính sách chi trả DVMTR sẽ trở thành động lực thúc đẩy người dân làm tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, vị đại diện nhấn mạnh thêm.
PV TT Tây Nguyên