Thứ tư, 01/05/2024 18:38 (GMT+7)
Thứ ba, 12/12/2023 07:56 (GMT+7)

Gia Lai: Cần ngăn chặn xử lý việc ngăn suối, xây dựng trên đất nông nghiệp tại Ia Grai

Theo dõi KTMT trên

Sau khi bị UBND xã Ia Grăng xử phạt về hành vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, buộc khôi phục lại hiện trạng trước khi vi phạm, chủ đầu tư vẫn tiếp tục tổ chức thi công.

Tóm tắt: Theo thống kê từ năm 2020 đến tháng 6/2023, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã phát hiện 608 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với tổng số tiền xử phạt trên 3,6 tỉ đồng.

Trong đó, 1 vụ thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh, 14 vụ thẩm quyền Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, 100 vụ thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND cấp huyện và 493 vụ thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND cấp xã. Cũng trong thời gian này, trên địa bàn huyện Ia Grai phát hiện 40 trường hợp vi phạm luật đất đai.

Trước tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, tháng 10/2023 đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đề nghị cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý các vi phạm, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu tại các địa phương.

Tuy nhiên trên địa bàn huyện Ia Grai vẫn chưa xử lý triệt để, để phát sinh thêm công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, làm thất thoát tài nguyên đất của nhà nước, ô nhiễm môi trường. Bài viết sẽ đề cập đến hiện trạng các công trình dự án có vi phạm và ý kiến các cơ quan hữu quan có trách nhiệm quản lý nhà nước về vấn đề này; Những vấn đề cần hoàn thiện để phù hợp với thực tế khi sử dụng, vận dụng luật Đất đai, kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai có biện pháp giám sát, xử lý vấn đề tránh việc thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Tháng 10/2023, đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với UBND huyện Ia Grai về việc chấp hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai từ đầu năm 2020 đến tháng 6/2023.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, từ đầu năm 2020 đến tháng 6/2023, công tác xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn huyện được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật.

Gia Lai: Cần ngăn chặn xử lý việc ngăn suối, xây dựng trên đất nông nghiệp tại Ia Grai - Ảnh 1
Ngày 8/11, UBND xã Ia Grăng phát hiện hành vi xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm của bà Dung tại làng Mèo.

Cụ thể, có 40 vụ vi phạm trong lĩnh vực đất đai bị xử phạt hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã với tổng số tiền 147 triệu đồng. Các hành vi vi phạm gồm: chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn...;

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Ia Grai, không những chưa xử lý dứt điểm các vi phạm mà lại phát sinh thêm vi phạm mới trên địa bàn. Theo thông tin từ người dân địa phương cho biết trên khu đất thuộc địa phận làng Mèo xã Ia Grăng xuất hiện công trình xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm. Ngoài việc tự ý xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp thì chủ khu đất còn tự ý đắp đập, ngăn suối, làm thay đổi dòng chảy con suối nằm giáp ranh giữa xã Ia Grăng với thị trấn Ia Kha.

Gia Lai: Cần ngăn chặn xử lý việc ngăn suối, xây dựng trên đất nông nghiệp tại Ia Grai - Ảnh 2
Ngày 27/11, UBND xã Ia Grăng đã có quyết định xử phạt, buộc bà Dung khôi phục lại hiện trạng trước khi vi phạm.

Từ thông tin người dân cung cấp, theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường vào các ngày 7 và 8/12, trên khu đất rộng hàng nghìn m2 thuộc địa phận làng Mèo vẫn đang diễn ra hoạt động xây dựng.

Để phục vụ hoạt động xây dựng, chủ khu đất đã san ủi, mở rộng tuyến đường nối từ khu đất ra tỉnh lộ 664. Toàn bộ mặt tiền kéo dài hàng trăm mét của khu đất giáp với tuyến đường đất được chủ khu đất rào chắn bằng tôn. Hoạt động xây dựng bên trong hàng rào tôn diễn ra tấp nập. Chủ đầu tư huy động cùng lúc nhiều nhân công và máy xúc cỡ lớn để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Gia Lai: Cần ngăn chặn xử lý việc ngăn suối, xây dựng trên đất nông nghiệp tại Ia Grai - Ảnh 3
Phía ngoài khu đất tiếp giáp với tuyến đường đất dài hàng trăm mét được rào chắn kỹ càng, tránh sự dòm ngó.

Phía bên trong khu đất đã được san ủi, thay đổi hiện trạng khu đất để tạo mặt bằng xây dựng. Toàn bộ cây cối trên khu đất đã bị chặt hạ san ủi, trừ một số cây lớn cung cấp bóng mát. Khu đất đã được quy hoạch thành các khu vực có mục đích khác nhau. Ngoài một số nhà tạm phục vụ hoạt động xây dựng, thì đã hình thành hồ cá, các hạng mục trang trí. Hàng trăm m2 đất trồng cây lâu năm đã bị bê tông hóa.

Chưa dừng lại, con suối chạy ngang qua khu đất đã được kè hai bên, đắp đập chặn dòng tạo cảnh quan. Trong khi đó đây là nguồn cung cấp nước phục vụ cho hàng trăm hecta đất trên địa bàn xã Ia Grăng, thị trấn Ia Kha.

Gia Lai: Cần ngăn chặn xử lý việc ngăn suối, xây dựng trên đất nông nghiệp tại Ia Grai - Ảnh 4
Dù đã được yêu cầu dừng thi công, buộc khôi phục hiện trạng nhưng theo ghi nhận trong ngày 7 và 8/12, chủ đất vẫn tiếp tục huy động người và máy móc thi công như chưa bị xử lý.

Liên quan đến sự việc trên, ngày 8/12 phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc với ông Ngô Tiến Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Grăng.

Trao đổi với phóng viên, ông Cường cho biết khu đất trên của bà Nguyễn Thị Thanh Dung (SN 1986, HKTT đường Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh). Theo ông Cường thì khu đất của bà Dung là đất trồng cây lâu năm, nguồn gốc nhận chuyển nhượng từ người dân địa phương.

Theo ông Cường thì ngày 8/11, UBND xã Ia Grăng phát hiện bà Dung có hành vi tự ý sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Cụ thể, bà Dung có hành vi chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn, xây dựng 02 công trình trên đất trồng cây lâu năm tại làng Mèo, xã Ia Grăng.

Cùng ngày, UBND xã Ia Grăng tiếp tục ghi nhận hành vi tự ý sử dụng đất vào mục đích khác thuộc trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định. Cụ thể, bà Dung tự ý múc hồ nước trên đất trồng cây lâu năm, diện tích khoảng 200 m2.

Gia Lai: Cần ngăn chặn xử lý việc ngăn suối, xây dựng trên đất nông nghiệp tại Ia Grai - Ảnh 5
Ngoài việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, chủ đất tự ý chặn dòng thay đổi dòng suối.

Liên quan đến sự việc trên, ngày 27/11 UBND xã Ia Grăng đã ban hành Quyết định 01/QĐ-XPVPHC xử phạt bà Dung 5 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm nêu trên, đồng thời buộc bà dung khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Tuy nhiên, trên thực tế theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 7,8/12 chủ khu đất nêu trên tiếp tục tổ cho người và máy móc tiến hành thi công các hạng mục như chưa hề bị xử lý.

Liên quan đến sự việc trên, ông Ngô Tiến Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Grăng khẳng định, do khu đất xấu gia đình bà Dung tiến hành cải tạo để nâng cao năng suất cây trồng. Vị Phó Chủ tịch xã khẳng định, bà Dung xây dựng phục vụ nhu cầu sinh hoạt giải trí của gia đình chứ không có chuyện xây dựng homestay, nhà hàng phục vụ kinh doanh như dư luận đồn thổi.

Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP, việc sử dụng đất nông nghiệp cho mục đích khác mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và sẽ bị áp dụng các biện pháp xử phạt tương ứng.

Căn cứ vào Nghị định 91/2019/NĐ-CP có thể thấy hành vi xây nhà, đào hồ trên đất nông nghiệp của bà Dung tại làng Mèo, xã Ia Grăng mà chưa chuyển mục đích sử dụng đất là vi phạm pháp luật. Không những vậy, sau khi bị UBND xã Ia Grăng xử phạt, buộc khôi phục hiện trạng trước khi ban đầu, thay vì chấp hành bà Dung tiếp tục tổ chức xây dựng như chưa từng bị xử phạt.

Kính đề nghị UBND huyện Ia Grai sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm luật đất đai của bà Dung. Đồng thời, qua sự việc cũng là bài học nhắc nhở tuyên truyền của chính quyền địa phương trong các hoạt động xây dựng tránh làm ảnh hưởng tác động tới môi trường sống xung quanh của hệ sinh thái chung.

Theo các chuyên gia, đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, phải mất hàng triệu năm phong hóa mới có thể hình thành được lớp đất màu mỡ, phì nhiêu. Thế nhưng hiện nay, rất nhiều diện tích đất phì nhiêu, bờ xôi ruộng mật bị chuyển đổi mục đích sử dụng một cách bất hợp lý và lãng phí.

“Trong khi nhiều quốc gia phải mua đất để canh tác nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thì chúng ta lại sử dụng một cách lãng phí tài nguyên đất. Vậy phải làm thế nào để khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chúng ta vẫn giữ được lớp đất phì nhiêu quý giá ấy?. Đây là một trong số những vấn đề mà VIASEE muốn góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, một vị chuyên gia chia sẻ cùng phóng viên.

Cũng liên quan đến câu chuyện về thu hồi đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều chuyên gia về của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đánh giá cao việc luật đã đưa thêm các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật, trong đó có việc sử dụng đất không đúng mục đích.

Cụ thể, Theo Điều 81 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: Sử dụng đất không đúng mục đích; Đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư; Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Cần ngăn chặn xử lý việc ngăn suối, xây dựng trên đất nông nghiệp tại Ia Grai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hải Dương: Rộn ràng pháo đất Ninh Giang
Pháo đất từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Ninh Giang (Hải Dương). Nhất là cứ mỗi độ hè sang, tiếng pháo lại âm vang, rộn rã khắp mọi miền quê.