Thứ bảy, 20/04/2024 19:15 (GMT+7)
Thứ năm, 02/03/2023 16:20 (GMT+7)

Giá dầu thế giới năm 2023 - Những yếu tố tích cực và bất lợi cần lưu ý

Theo dõi KTMT trên

Những tháng đầu năm 2023, thị trường dầu khí thế giới dồn dập bị tác động bởi các thông tin tích cực và những thông tin bất lợi.

Những thông tin này làm giá dầu thế giới tăng giảm nhanh chóng trong khoảng thời gian ngắn không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, và dự báo cho các hoạt động đầu tư tiếp theo, mà ở cấp độ quốc gia cũng bị ảnh hưởng trong việc điều hành kinh tế. Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, những yếu tố chính tác động lên giá dầu thế giới năm 2023 là gì và giá dầu 2023 sẽ dao động khoảng nào cần được xem xét? Tổng hợp, phân tích của chuyên gia Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).

1. Những thông tin tích cực tác động vào giá dầu:

- Trung Quốc - nước có nhu cầu tiêu dùng dầu mỏ lớn nhất thế giới đã mở cửa lại biên giới từ tháng 2/2023. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch bắt đầu tăng nhịp độ; Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ vào các lĩnh vực bất động sản, công nghệ cao cùng với ban hành các chính sách thông thoáng để phát triển kinh tế.

Việc Trung Quốc mở cửa lại biên giới, dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 làm giảm tắc nghẽn các chuỗi cung ứng hàng hóa ra thị trường thế giới, góp phần giảm giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường.

Theo cập nhật của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đưa ra vào tháng 1/2023, dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ tăng 5.2% và được kỳ vọng là một “cú huých” cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ thế giới tăng lên.

- Mỹ là một trong những quốc gia có mức tiêu thụ, dự trữ và sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Do vậy, những thông tin kinh tế của Mỹ có tác động nhất định tới thị trường dầu thế giới.

Tháng 1/2023, Bộ Lao động Mỹ thông báo có thêm 517.000 việc làm trong tháng, vượt xa mức tăng việc làm của tháng 12/2022; tỷ lệ thất nghiệp là 3,4%, mức thấp nhất trong nhiều năm. Các chỉ số quản trị mua hàng (PMI) trong dịch vụ đạt ở mức 55,2% cao hơn tháng 12/2022; báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ tăng 0,6% trong tháng 1/2023 so với tháng trước và tăng 4,7% cùng kỳ năm trước...

Theo cập nhật của IMF (tháng 1/2023), dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ tăng 1,4%. Đây cũng là một tín hiệu tích cực về nhu cầu tiêu dùng hàng hóa nói chung và tiêu thụ dầu mỏ sẽ tăng lên của nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới.

- Nhu cầu dầu mỏ thế giới vẫn tăng trong năm 2023 để đáp ứng mức độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo cập nhật dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP của một số nước và khu vực (trong tháng 1/2023) của IMF (như hình 1), dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu giảm từ 3,4% năm 2022 xuống 2,9% năm 2023 [1], lạm phát toàn cầu giảm từ 8,8% năm 2022 xuống còn 6,6% năm 2023.

Giá dầu thế giới năm 2023 - Những yếu tố tích cực và bất lợi cần lưu ý - Ảnh 1
Ước tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 của các nước/khu vực (đơn vị - %).

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, theo báo cáo tháng 2/2023 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu thô của thế giới năm 2023 tăng khoảng 2,3 triệu thùng/ngày do nhiều nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng kinh tế vững chắc và Trung Quốc mở cửa lại biên giới, tăng đầu tư công và ước tổng nhu cầu dầu thô của thế giới là 101,9 triệu thùng/ngày tăng hơn so với nhu cầu năm 2022 trung bình là 99,6 triệu thùng/ngày. Tổng cung dầu thế giới năm 2023 vẫn được đảm bảo đáp ứng nhu cầu dầu của thế giới, nhưng trong báo cáo cũng đề cập tới chi phí gia tăng trong sản xuất dầu tại Mỹ và giảm cung dầu từ Nga do các lệnh trừng phạt, áp giá trần của Mỹ, EU có hiệu lực, phần giảm sản lượng từ Nga sẽ được bù đắp tăng sản lượng từ Mỹ và một số nước khác [2].

- Ngày 5/2/2023, EU cấm nhập khẩu các nhiên liệu tinh chế của Nga. Lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga có hiệu lực cùng với biện pháp áp giá trần các sản phẩm này mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đưa ra, qua đó mở rộng lệnh cấm các hoạt động vận chuyển dầu Nga bằng đường biển có hiệu lực (từ tháng 12/2022).

Biện pháp mới cấm các tàu của EU chở các sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc từ Nga đến nước thứ ba, đồng thời đưa ra mức giá trần với các sản phẩm dầu xuất khẩu từ Nga là 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu cao cấp như dầu diesel và mức 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ như dầu nhiên liệu; cấm việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ môi giới, tài chính, hoặc hỗ trợ tài chính có liên quan cho việc bán dầu và sản phẩm dầu [3].

Trước cuộc xung đột Nga - Ukraina thì Nga là nhà cung cấp khoảng 50% dầu diesel cho EU. Do đó, với lệnh cấm và áp mức giá trần này, EU sẽ phải tìm nguồn cung thay thế khoảng 500.000 thùng dầu/ngày mà không phải cơ sở lọc dầu nào của các quốc gia thành viên có thể thực hiện bù vào sự thiếu hụt này. Điều này bắt buộc EU phải nhập khẩu các sản phẩm dầu thô từ Mỹ, Trung Đông, hoặc một số nước châu Á với chi phí cao hơn do quãng đường vận chuyển dài hơn, phí vận chuyển và bảo hiểm cao hơn.

Theo Phòng thông tin Năng lượng Mỹ (EIA): Năm 2022, chi phí vận chuyển dầu thô bằng tàu biển từ Mỹ tới châu Âu tăng từ 2 - 3 lần ở mức 34 USD/mt và phí bảo hiểm cũng tăng theo. Còn theo nghiên cứu của Công ty S&P Global Commodity Insight: Chi phí vận chuyển dầu bằng tàu biển từ Trung Đông tới châu Âu năm 2023 tăng gấp đôi [4 và 5].

Như vậy, việc tăng chi phí nhập khẩu dầu tinh chế từ các nguồn khác có khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng EU (từ quý 2/2023).

2. Những thông tin bất lợi tác động vào giá dầu:

- Ngày 1/2/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lãi suất của Mỹ sẽ tăng từ khoảng 4,25 - 4,5% lên khoảng 4,5 - 4,75%. Do đồng USD lên giá khiến giá dầu trở nên đắt hơn đối với những người mua bằng các loại tiền ngoại tệ khác.

Trong phiên giao dịch rạng sáng 4/2 (giờ Việt Nam), đồng USD trên thị trường Mỹ tăng vọt. Chỉ số Dollar Index (DXY) tăng hơn 1,2% lên 102,99 điểm và đến sáng ngày 7/2 chỉ số DXY là 103.50 điểm [6].

Sau đó ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 2/2/2023 quyết định tăng lãi suất cơ bản tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thêm 0,5 điểm phần trăm. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm. Đây là những biện pháp mà các ngân hàng trung ương bảo vệ giá trị đồng tiền của mình, đồng thời muốn hạ thấp tỷ lệ lạm phát hiện vẫn ở mức cao.

Ngày 14/2/2023, Bộ Lao động Mỹ công bố mức lạm phát trong tháng 1/2023 của Mỹ tăng 0,5% so với tháng 12/2022 và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Biên bản cuộc họp của Fed công bố ngày 22/2 chỉ ra rằng lạm phát Mỹ vẫn ở mức cao, thị trường lao động cần giảm bớt độ “nóng” nên chính sách tiền tệ cần được thắt chặt hơn nữa.

Như vậy, những tháng tiếp theo, có khả năng Fed sẽ cân nhắc tiếp tục có thêm 2 - 3 đợt tăng lãi suất từ 25 - 50 điểm phần trăm để giảm lạm phát. Mỗi đợt tăng lãi suất như vậy sẽ tác động mạnh giá dầu thế giới.

- Do Fed tăng lãi suất làm đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác nên các quốc gia khác sẽ phải tăng chi phí mua đồng Đô la để nhập khẩu dầu, giá dầu trở nên đắt hơn. Do chênh lệch về tỷ giá sẽ làm chi phí gia tăng và lạm phát có khả năng tăng lên, cũng như làm giảm nhu cầu tiêu dùng.

Tại Việt Nam, sáng ngày 4/2/2023, tỷ giá mua vào bán ra của Ngân hàng Vietcombank là 23.250 VND/USD - 23.620 VND/USD, đến sáng ngày 7/3/2023 tỷ giá là 23.270 VND/USD - 23.640 VND/USD [7].

Như vậy, so với ngày 4/2/2023 thì đến ngày 7/2/2023, do chênh lệch tỷ giá, doanh nghiệp nhập khẩu dầu thô tại Việt Nam sẽ phải bỏ ra thêm 20 VND để mua 1 USD, hay tăng thêm 0.08% chi phí mua USD để nhập khẩu dầu.

- Sự phục hồi kinh tế ở các quốc gia thuộc EU khá chậm bởi chịu tác động nặng nề của lạm phát cao, nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gẫy do cuộc chiến Nga - Ukraina. Ước năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP của khối EU tăng 0.7%, trong khi lạm phát giảm chậm.

Tháng 1/2023, ước tỷ lệ lạm phát của khối EU ở mức 8.5%, giảm từ mức 9.2% ở tháng 12/2022. Trong đó, chi phí năng lượng vẫn tăng cao nhất là 17.2%, đến nhóm thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 14,1% [8]. Đây chính là những yếu tố làm lo ngại đối với các nhà đầu tư và tác động tới giá dầu thế giới.

- Sang năm 2023, có thêm nhiều lệnh trừng phạt, cấm vận kinh tế, chính trị giữa nhiều quốc gia trên thế giới. Việc áp đặt các lệnh trừng phạt, cấm vận kinh tế sẽ phân chia thế giới thành từng mảng thiếu sự liên kết, hỗ trợ, không thể phát huy các lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh trong các hoạt động kinh tế giữa các quốc gia và doanh nghiệp. Việc thanh toán quốc tế bị ảnh hưởng, đặc biệt là các lệnh trừng phạt kinh tế giữa các cường quốc kinh tế, có sức ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế của thế giới.

Ví dụ: Nga là nhà cung cấp dầu khí giá rẻ cho thế giới, nhưng đang chịu sự cấm vận của Mỹ, EU, cũng như nhiều nước khác và ngược lại sự trả đũa của Nga đối với các hoạt động đầu tư, kinh tế đối với Mỹ, EU và các nước tham gia cấm vận, trừng phạt kinh tế Nga; căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc - Mỹ không ngừng gia tăng cùng các lệnh trừng phạt đánh thuế cao vào các mặt hàng của nhau… Tất cả những điều này sẽ làm chi phí hoạt động kinh tế thế giới gia tăng, nhu cầu tiêu dùng chung của thế giới suy giảm và giá dầu sẽ bị tác động.

3. Liệu năm 2023, giá dầu thế giới có khả năng tăng trên 100 USD/thùng?

Đầu năm 2023, trước những yếu tố gây nhiều biến động tới giá dầu thế giới như cuộc xung đột Nga - Ukraina chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ, EU và nhiều quốc gia khác vẫn tiếp tục quá trình nâng lãi suất để làm giảm lạm phát.

Thời tiết giá lạnh cực đoan xảy ra ở Bắc Mỹ, châu Âu, Bắc Á; Trung Quốc mở cửa biên giới và dần dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch Covid-19 dẫn tới bùng nổ nhu cầu nhiên liệu cho hoạt động sản xuất… thì nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng trên thế giới vẫn đưa ra dự báo giá dầu thế giới Brent tăng trên 100 USD như Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu thế giới là 105 USD/thùng.

Ngân hàng UBS đưa ra dự báo giá dầu Brent là 110 USD/thùng và dầu WTI là 107 USD/thùng. Ngân hàng Morgan Stanley cũng dự báo ước giá dầu bình quân Brent trong quý 1/2023 là 80 - 85 USD, nhưng đến gần cuối năm giá dầu bình quân sẽ đạt 110 USD/thùng [9].

Tuy nhiên, đến cuối tháng 2, khi Mỹ, châu Âu và nhiều khu vực khác trải qua một mùa đông ôn hòa, lượng dự trữ dầu thô của Mỹ, EU và các quốc gia khác vẫn đạt ở mức cao nhất. Việc tăng lãi suất trong tháng 2 của Fed, ECB, BoE làm chậm lại các hoạt động kinh tế trên toàn cầu bởi chi phí mua hàng hóa bằng đồng USD trở nên đắt hơn.

Các cam kết thực hiện đầu tư chuyển đổi năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của các hãng năng lượng hàng đầu thế giới tăng lên, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như BP sẽ tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo tới 5 tỷ USD/năm đến năm 2030, Shell thông báo sản lượng dầu của họ sẽ giảm 18% vào năm 2030 khi thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo [10].

Cân đối cung cầu dầu trên thế giới không bị ảnh hưởng và vẫn bảo đảm cho dù Trung Quốc tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng sau khi mở cửa lại thị trường, hay EU thống nhất áp đặt giá trần đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga từ ngày 5/2/2023 và quan trọng hơn cả là báo cáo cập nhật tăng trưởng kinh tế của thế giới do IMF công bố tháng 1/2023 cho thấy: Hầu hết các quốc gia/khu vực trên thế giới đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm so với năm 2022 và thế giới không có yếu tố biến động mạnh để giá dầu bật tăng cao.

OPEC còn khẳng định quyết tâm “làm bất cứ điều gì” để giữ cho thị trường dầu mỏ cân bằng trong năm 2023, hiện OPEC+ đang thực hiện cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022 - 12/2023 để giữ cho mức giá dầu không hạ xuống quá thấp [11] và Nga thông báo cắt giảm sản lượng khoảng 625.000 thùng dầu/ngày từ tháng 3/2023, tăng 25% so với kế hoạch cắt giảm ban đầu là 500.000 thùng/ngày.

Như vậy, với các yếu tố về kinh tế, chính trị, sản xuất, tiêu dùng, dự trữ dầu mỏ hiện tại thì các nhà nghiên cứu thị trường và doanh nghiệp sản xuất cho rằng: Giá dầu thế giới năm 2023 nếu không bị tác động đột biến thì rất khó có khả năng tăng trở lại trên mốc 100 USD/thùng.

4. Giá dầu thế giới năm 2023 sẽ dao động trong khoảng bao nhiêu?

Theo các nhà phân tích thị trường dầu mỏ thế giới cho rằng, năm 2023 giá dầu thế giới biến động mạnh sẽ phụ thuộc vào hai biến số lớn, đó là:

Thứ nhất: Cuộc xung đột Nga - Ukraina khi nào kết thúc và liệu có gia tăng mức độ, mở rộng quy mô chiến tranh hay không?

Đến nay, cuộc xung đột Nga - Ukraina đã bước sang năm thứ hai, nếu cuộc xung đột này giảm dần, có thể kết thúc trong năm 2023 và xung đột với quy mô chỉ giữa hai nước thì sẽ không tác động mạnh tới giá dầu thế giới, nhưng vẫn gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng lâu dài tới các quốc gia ở châu Âu rồi lan tỏa tới các quốc gia trên thế giới về những chuỗi cung ứng hàng hóa bị ngưng trệ, giá dầu giữ ở mức cao, chi phí sản xuất, kinh doanh lớn, lạm phát cao kéo dài và viễn cảnh khả năng suy thoái kinh tế tại các nước châu Âu. Năm 2023, ước tăng trưởng nền kinh tế thế giới được dự báo giảm xuống mức thấp nhất, hay “chạm đáy” và hy vọng sẽ phục hồi lại trong năm 2024.

Việc dỡ bỏ ngay các lệnh cấm vận của Mỹ, EU và nhiều nước khác đối với Nga có thể không được thực hiện, nhưng các chuỗi cung ứng hàng hóa về nhiên liệu sẽ được xây dựng mới với chi phí tăng lên, nhưng sẽ tương đối ổn định.

Doanh nghiệp EU thay vì mua dầu từ Nga với giá gần 50 USD/thùng thì nay phải mua dầu từ Trung Đông, hoặc từ Mỹ với giá khoảng 80 USD/thùng, hoặc hơn, nhưng việc mua sắm nhiên liệu không bị đứt quãng gây bất ổn thị trường. Đó là yếu tố giữ giá dầu ở mức cao bởi nhu cầu dầu của các nước trong EU khá lớn.

Thứ hai: Tốc độ phục hồi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc diễn ra nhanh hay chậm?

Việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, mở cửa biên giới, không có nghĩa là người dân Trung Quốc đã được miễn dịch, hoặc tỷ lệ lây lan thấp. Quan trọng là những làn sóng dịch có trở nên mạnh mẽ, hoặc giảm dần để không làm tổn hại tới sức khỏe người dân, gây cản trở tới những chính sách mở cửa, phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Ngoài ra, các gói kích thích kinh tế, chính sách, hỗ trợ của Chính phủ cần có một “độ trễ” nhất định để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu lại thị trường, ký kết hợp đồng rồi mới triển khai hoạt động sản xuất; cần một khoảng thời gian nhất định để các thị trường tài chính, vốn, thị trường lao động, thị trường vận tải, dịch vụ… vận hành đồng bộ, hiệu quả.

Do vậy, để các hoạt động của nền kinh tế Trung Quốc hoạt động sôi động trở lại thì cũng phải bắt đầu từ quý 2/2023 trở đi. Sự hồi phục phát triển kinh tế của Trung Quốc càng nhanh thì tác động tới giá dầu thế giới càng lớn, bởi mức tăng nhu cầu tiêu dùng dầu mỏ của Trung Quốc chiếm khoảng ½ mức tăng nhu cầu của thế giới. Trong năm 2023, ước trung bình nhu cầu dầu thô của Trung Quốc là 15,4 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 0,8 triệu thùng/ngày so với mức 14,8 triệu thùng/ngày của năm 2022.

Vì vậy, theo Báo cáo dầu khí tháng 2/2023 của OPEC: Giá dầu bình quân tháng 1/2023 của dầu Brent là 83,91 USD/thùng, dầu WTI là 78,16 USD/thùng cùng với những tín hiệu tăng mạnh nhu cầu dầu thô từ thị trường Trung Quốc từ quý 2/2023 sẽ tác động tới giá dầu thế giới trong những tháng tới.

Còn theo một nghiên cứu của hãng Reuters, một nửa trong số hơn một nghìn các chuyên gia năng lượng (trong đó 22% chuyên gia đang trực tiếp tham gia sản xuất dầu khí) cho rằng: Giá dầu Brent năm 2023 dao động trong khoảng từ 80 - 95 USD/thùng và mức giá bình quân của dự báo cũng là 87 USD/thùng [12].

Theo báo cáo tháng 1/2023 của EIA: Giá dầu thế giới 2023 được cập nhật lại là sẽ tương đối ổn định trong quý 1 và 2/2023, bởi Mỹ, EU đang tồn kho một lượng dầu khá lớn để phục vụ cho mùa đông 2022 - 2023. Nhưng mùa đông lại có thời tiết khá ôn hòa nên số lượng dầu dự trữ của Mỹ, EU đang ở trạng thái dư thừa. Sản lượng dầu sản xuất ra, nhập khẩu về cộng với số lượng dầu dự trữ trong kho đang trở nên dư thừa so với nhu cầu trong quý 1/2023 nên giá dầu Brent bình quân trong quý 1 khoảng 80 - 85 USD/thùng.

Giá dầu thế giới năm 2023 - Những yếu tố tích cực và bất lợi cần lưu ý - Ảnh 2
Ước tính giá dầu thế giới 2023 (đơn vị - USD/thùng).

Trong quý 2/2023, giá dầu Brent bình quân tăng nhẹ bởi ảnh hưởng tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư đối với lệnh cấm nhập khẩu và áp giá trần của EU đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga có hiệu lực đã gây xáo trộn thị trường thế giới cùng với tác động của việc tăng lãi suất của Fed trong tháng 2/2023. Đồng thời, giá dầu cũng bị ảnh hưởng bởi những tín hiệu tích cực của Trung Quốc trong việc dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch Covid-19, đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng dầu thô tăng lên.

Đến quý 3 và 4/2023, xu hướng giá dầu Brent giảm nhẹ, nhưng vẫn ở trên mức 80 USD/thùng bởi khả năng bị tác động của Fed tiếp tục tăng lãi suất từ 2 - 3 lần để đạt mục tiêu giảm lạm phát trong năm 2023. Sau những lần tăng lãi suất như vậy đều tác động tới giá dầu thế giới. Do đó, cả năm 2023, EIA dự báo giá dầu Brent ở mức trung bình là 83 USD/thùng và dầu WTI là 77 USD/thùng.

Các mức giá dự báo này có nhiều căn cứ hợp lý. Do lệnh cấm vận của Mỹ và EU vào dầu mỏ xuất khẩu của Nga, ước sản lượng dầu khai thác của Nga sẽ giảm từ 10,9 triệu thùng/ngày vào năm 2022 xuống còn 9,5 triệu thùng/ngày vào năm 2023, đó là chưa kể từ tháng 3/2023, Nga tiếp tục cắt giảm sản lượng 625.000 thùng/ngày. Phần thiếu hụt của thị trường thế giới từ dầu của Nga sẽ được bù đắp bằng dầu của Mỹ và OPEC.

Như trên đã phân tích, Mỹ là một trong những nhà sản xuất, dự trữ dầu mỏ lớn trên thế giới và có ảnh hưởng đến giá dầu ở mức độ nhất định. Hiện tại, với chi phí sản xuất dầu ở Mỹ tăng lên khá cao nên việc giá dầu thế giới sẽ bị tác động nhất định [13].

Theo khảo sát của Ngân hàng dự trữ bang Dallas - Mỹ: Chi phí sản xuất bình quân dầu WTI năm 2022 là 34 USD/thùng tăng so với năm 2021 là 31 USD/thùng, hay tăng 8,8%. Năm 2022, chi phí sản xuất bình quân dầu WTI dao động từ 23 USD - 38 USD/thùng [14]. Do đó, năm 2023, giá dầu Mỹ cung cấp ra thị trường cao hơn năm 2022 và EU nhập khẩu dầu từ Mỹ cũng chịu tác động bởi giá dầu cao và chi phí vận chuyển lớn. Đây là những tín hiệu neo giữ giá dầu bình quân thế giới ở mức cao trong năm 2023.

NGUYỄN ANH TUẤN - BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN CỦA PVEP

Tài liệu tham khảo:

[1]. https://www.imf.org/en/Publications/WEO/Issues/2023/01/31/world-economic-outlook-update-january-2023

[2]. https://www.opec.org/opec_web/en/publications/338.htm

[3]. https://www.consilium.europa.eu/en/policies/sanctions/restrictive-measures-against-russia-over-ukraine/sanctions-against-russia-explained/#trade

[4]. https://www.spglobal.com/commodityinsights/en/market-insights/latest-news/oil/011123-tanker-freight-rates-could-double-in-2023-euronav-official#article0

[5]. https://www.eia.gov/petroleum/weekly/archive/2022/221207/includes/analysis_print.php

[6]. https://www.cnbc.com/quotes/.DXY

[7]. https://vietnambiz.vn/ty-gia-usd-hom-nay-72-mo-rong-da-phuc-hoi-20232615618456.htm

[8]. https://ec.europa.eu/eurostat/web/main/news/euro-indicators

[9]. https://energy.economictimes.indiatimes.com/news/oil-and-gas/tight-supply-to-support-oil-prices-in-h2-morgan-stanley-says/96940067

[10]. https://oilprice.com/Energy/Oil-Prices/Why-Oil-Wont-Trade-Above-100-This-Year.html

[11]. https://oilprice.com/Energy/Energy-General/OPEC-Secretary-General-OPEC-Deserves-Credit-For-Oil-Market-Stability.html

[12]. https://oilprice.com/Energy/Energy-General/Energy-Professionals-Predict-87-Oil-In-2023.html

[13]. https://www.eia.gov/todayinenergy/detail.php?id=55159

[14]. https://www.dallasfed.org/research/surveys/des/2022/2201#tab-questions

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Giá dầu thế giới năm 2023 - Những yếu tố tích cực và bất lợi cần lưu ý. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo sớm thiên tai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Đáng chú ý sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam quyết tâm sản xuất hydrogen xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới