Thứ tư, 01/05/2024 05:48 (GMT+7)
Thứ ba, 07/11/2023 15:06 (GMT+7)

Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền có gì khi tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô?

Theo dõi KTMT trên

Geleximco là 1 doanh nghiệp đa ngành, tập đoàn này hiện đang kinh doanh nhiều mảng, nổi bật như là: Bất động sản, sản xuất công nghiệp, ngân hàng - chứng khoán, thương mại - dịch vụ, và nông nghiệp công nghệ cao…

CTCP Tập đoàn Geleximco (Geleximco) và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) gần đây vừa ký hợp đồng nguyên tắc về việc đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô tại Khu công nghiệp Hưng Phú, tỉnh Thái Bình.

Mục tiêu của dự án là đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, bao gồm ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, xăng - điện hỗn hợp (PHEV) và ô tô thuần điện, từ xe phân khúc hạng trung đến hạng sang.

Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền có gì khi tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô? - Ảnh 1

Lãnh đạo Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo tại buổi lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc (Ảnh: Geleximco).

Dự án trên có tổng đầu tư dự kiến 800 triệu USD ((khoảng 19.600 tỉ đồng), chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 từ năm 2023-2030, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô với quy mô 50.000 xe/năm và các công trình phụ trợ thiết yếu phục vụ sản xuất như: đường thử xe, bãi để xe, nhà điều hành, nhà ở cho cán bộ, nhân viên, hệ thống cảnh quan cây xanh, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, cấp điệp, phòng cháy, chữa cháy …

Giai đoạn 2 của dự án từ năm 2031 đến 2033, sau khi hoạt động sản xuất kinh doanh đi vào ổn định, tiến hành đầu tư thêm dây chuyền sản xuất 50.000 xe/năm để nâng công suất nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô lên 100.000 xe/năm; đầu tư khu công nghiệp phụ trợ quy mô 50 ha thu hút các đối tác sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô để đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa 40% phục vụ cho xuất khẩu; nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cảnh quan toàn dự án.

Giai đoạn 3 từ năm 2034 đến 2035, Geleximco sẽ đầu tư thêm dây chuyền sản xuất 100.000 xe/năm để nâng công suất toàn nhà máy lên 200.000 xe/năm và đầu tư mở rộng khu công nghiệp phụ trợ thêm 50 ha để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa lên trên 60%.

Geleximco dự kiến sẽ khởi công xây dựng Nhà máy giai đoạn 1 vào Quý II năm 2024 và hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy giai đoạn 1 vào Quý III năm 2025. Ra mắt sản phẩm tại Việt Nam vào Quý IV/2025.

27 năm kinh nghiệm lắp ráp xe máy

Từ 9/2022, thông tin về việc Geleximco thuê đất trong khu công nghiệp ở tỉnh Thái Bình để làm ô tô rộ lên, có nhiều hoài nghi về quyết định này, bởi lắp ráp, sản xuất ô tô không phải thế mạnh của doanh nghiệp này.

Nhưng ít ai biết rằng, Geleximco đã có kinh nghiệm 27 năm tham gia chuỗi cung ứng linh kiện và liên doanh sản xuất xe máy với Honda.

Cụ thể, Geleximco chính là một trong những cổ đông sáng lập của Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam (VAP) hoạt động từ năm 1996. Công ty này là chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô xe máy có tổng vốn đầu tư 90 triệu USD tại Khu công nghiệp Như Quỳnh, Hưng Yên.

VAP có sự tham gia của 6 đối tác trong và ngoài nước, trong đó, Geleximco và Công ty Honda Việt Nam là hai cổ đông Việt Nam. Phía nước ngoài gồm công ty của Thái Lan là Asian Honda Motor Co., Ltd, Daisin Co. Ltd, một công ty của Lào là New Chip Xeng và một công ty của Nhật là Kyushu Yanagawa Seiki Co.,Ltd.

Công ty VAP hiện cung cấp các sản phẩm chính cho Honda và Goshi, cùng với đó là xuất khẩu đi nhiều nước. Ngoài ra, liên doanh này còn lắp ráp xe máy Honda với công suất 400.000 xe/năm.

Tỷ phú đô la kín tiếng

Tập đoàn Geleximco tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, được thành lập từ năm 1993 bởi doanh nhân Vũ Văn Tiền.

Đôi chút về doanh nhân Vũ Văn Tiền, vị đại gia này sinh năm 1959 trong 1 gia đình có 5 anh em tại xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông được giới kinh doanh xem như là một tỷ phú đô la kín tiếng trên thương trường bấy lâu nay.

Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền có gì khi tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô? - Ảnh 2
Đại gia Vũ Văn Tiền.

Năm 1986, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, ông Vũ Văn Tiền bắt đầu làm việc tại Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp. Tuy nhiên đến năm 1992, ông quyết định xin nghỉ việc để ra ngoài làm kinh doanh.

“Tính tôi vốn quyết đoán, không muốn phụ thuộc nên khó có thể trụ lại được trong một môi trường với cơ chế nặng bao cấp”, vị đại gia quê Thái Bình từng chia sẻ.

Tháng 1/1993, ông Tiền thành lập Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội. Dưới sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp của ông đã được Bộ Thương mại giao nhiệm vụ xuất nhập khẩu hàng hoá trực tiếp.

Thời điểm đó, xuất nhập khẩu chỉ có nhà nước mới được phép hoạt động và cơ chế hoạt động kinh doanh cho tư nhân còn rất khó khăn, hạn chế.  Để có được giấy phép xuất khẩu ông đã mất 9 tháng ròng rã đi khắp các bộ, ngành, xin được 29 con dấu để trình và thuyết phục Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho phép công ty tư nhân được tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Thời đó, không nhiều người đủ kiên nhẫn như ông Tiền để làm được việc này.

Ban đầu, Geleximco chủ yếu buôn bán hàng tiêu dùng, tư liệu sản xuất từ Nga và Đông Âu. Tuy nhiên về sau, khi đã gây dựng được thành quả nhất định, ông đã sớm chủ động xây dựng Geleximco theo mô hình phát triển kinh tế đa ngành, trong đó sản xuất công nghiệp là lĩnh vực ưu tiên.

Sau 30 năm hình thành và phát triển, Geleximco từ một công ty xuất nhập khẩu nhỏ với số vốn 3 tỷ đồng và hơn 10 nhân sự, nay đã trở thành một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam có quy mô hơn 10.000 con người và tổng tài sản trên 40.000 tỷ đồng.

Thành quả trên là ước mơ đối với nhiều người, song ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco vẫn khẳng định sẽ khởi nghiệp cả đời vì khát khao cống hiến cho đất nước.

Đại gia Vũ Văn Tiền có gì?

Trong hệ sinh thái doanh nghiệp của đại gia Vũ Văn Tiền, Geleximco vẫn giữ vai trò chủ lực. Doanh nghiệp này được giới thiệu đang có hơn 10.000 nhân sự. Cập nhật mới nhất tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Geleximco đạt hơn 40.992 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 12.810 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt gần 16 tỷ đồng.

Ngoài VAP, Geleximco còn  liên doanh sản xuất mỳ ăn liền cùng Vifon - Acecook và nhà máy sản xuất bao bì phục vụ cho nhà máy mỳ ăn liền cũng như xuất khẩu tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Geleximco cũng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bột giấy với Nhà máy An Hoà (tỉnh Tuyên Quang) có diện tích 223ha, với tổng mức đầu tư gần 450 triệu USD, nhà máy này nằm top những doanh nghiệp bột giấy hàng đầu Việt Nam, có công suất 130.000 tấn/năm.

Bên cạnh đó, Geleximco còn đầu tư dự án Nhà máy Xi măng Thăng Long với tổng mức vốn đầu tư dự án 350 triệu USD.

Trong lĩnh vực năng lượng, Geleximco cũng đầu tư Nhà máy nhiệt điện Thăng Long với hai tổ máy có tổng mức đầu tư 900 triệu USD tại tỉnh Quảng Ninh, đưa vào vận hành năm 2018.

Nổi bật nhất trong mảng kinh doanh của Geleximco vẫn là bất động sản, tập đoàn này là chủ đầu tư của các dự án như  khu đô thị thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), An Bình Plaza, An Bình City, Khu du lịch quốc tế Dragon Ocean Do Son tại Đồ Sơn - Hải Phòng (Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng).

Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền có gì khi tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô? - Ảnh 3

Khu đô thị Thành phố Giao Lưu.

Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, Geleximco đã đưa vào hoạt động sân golf Geleximco Hòa Bình – Hilltop Valley Golf Club, Khách sạn Thái Bình Dream, Khách sạn Hạ Long Dream. Ngoài ra, Geleximco tiếp tục đầu tư những dự án sân golf kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng ở Lào Cai, Hải Phòng.

Ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng , Geleximco là cổ đông sáng lập và đồng sở hữu các đơn vị như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank), CTCP Chứng khoán An Bình, CTCP Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình...

Trong đó, Geleximco đang nắm 12,8% cổ phần của ABBank, là cổ đông lớn thứ hai sau Malayan Banking Berhad (Maybank). ABBank thuộc nhóm ngân hàng tư nhân cỡ nhỏ trong hệ thống, hiện ông Vũ Văn Tiền nắm giữ vai trò Phó chủ tịch HĐQT với tỷ lệ sở hữu 0,366% vốn.

Chủ tịch HĐQT ABBank hiện nay là ông Đào Mạnh Kháng, là em rể ông Tiền. Dàn lãnh đạo và cổ đông của ABBank còn có nhiều người nhà của ông này. Tại ngày 30/9, tổng tài sản của ABBank đạt 141.586 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng 86.069 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, CTCP Nông trường Đông Triều - công ty con thuộc Tập đoàn Geleximco đang tập trung vào 2 ngành nghề chính: Trồng trọt và Chăn nuôi. Công ty chủ yếu trồng cây ăn quả là vải thiều trên diện tích 380ha, một số diện tích trồng khảo nghiệp cây Dược liệu, cây ngắn ngày và trồng rừng. Công ty cũng có đơn vị chuyên chăn nuôi lợn giống Móng Cái.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền có gì khi tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).