GDP có thể tăng trưởng âm trong quý 3/2021?
Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu kinh tế tháng 8/2021. Bức tranh vĩ mô phần nào rõ nét hơn với các biến số quan trọng nhất là GDP, lạm phát và lãi suất.
Theo các chuyên gia kinh tế, có 3 khu vực kinh tế quan trọng tác động chủ yếu tới GDP Việt Nam. Đó là Dịch vụ, Công nghiệp và Nông nghiệp.
Trước hết, dịch vụ chính là phản ánh doanh thu từ tổng mức bán lẻ hàng và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm mạnh tới 2 con số, với mức 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 8 ước tính đạt 279.800 tỉ đồng. Luỹ kế 8 tháng năm 2021, tổng mức doanh thu của lĩnh vực này đạt hơn 3 triệu tỉ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2020, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2%. Lưu ý, cùng kỳ năm 2020 chỉ giảm 5,8%.
Vận tải hành khách tháng này tiếp tục giảm sâu 35,9% về lượng hành khách vận chuyển và giảm 37,1% về lượng hành khách luân chuyển so với tháng trước. Vận tải hàng hóa giảm 11% về sản lượng vận chuyển và giảm 8,6% về sản lượng luân chuyển. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8/2021 đạt 9,3 nghìn lượt người, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 8/2021 ước tính đạt 53,7 tỉ USD, giảm 5,8% so với tháng 7.
Về Công nghiệp, chỉ sổ sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 cũng không có dấu hiệu khởi sắc khi giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,4%. Ngành chế biến, chế tạo giảm 9,2%. Sản xuất và phân phối điện tăng 1,5%. Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2%.
Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.
Tình hình sản xuất nông nghiệp của Việt Nam trong tháng qua có phần ổn định hơn. Chăn nuôi đang dần tái đàn thành công nhờ kiểm soát được dịch tai xanh, lở mồm long móng...
Tuy nhiên, xuất khẩu lúa gạo còn gặp chút vướng mắc do ảnh hưởng đợt giãn cách xã hội kéo dài tại các tỉnh, thành phía Nam.
Từ các số liệu thống kê trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ số GDP sẽ bị tác động mạnh trong quý 3. Số liệu dự đoán điều chỉnh có thể sẽ là con số âm, trong khi đó CPI vẫn không quá cao (tăng 1,79%, ở mức thấp nhất kể từ năm 2016).
Nếu trường hợp này xảy ra, để đưa GDP thoát khỏi vùng âm, Chính phủ sẽ có những chính sách tài chính và tài khoá phù hợp nhất để cứu doanh nghiệp, người lao động và người nghèo.
Việc thực hiện nới lỏng tiền tệ hay mở rộng tài khoá sẽ kéo lãi suất tiếp tục giảm. Dòng tiền dự trữ trong dân lúc này có thể sẽ chảy về các kênh đầu tư khác như chứng khoán và Bất động sản.
Tuấn Thủy