Gắn lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường: Xu thế phát triển tất yếu vì màu xanh bền vững
Trong kinh tế môi trường, luôn có sự bổ trợ, về kinh tế sử dụng các công cụ (Thuế, phí...) và áp dụng sang môi trường. Định lượng môi trường, kinh tế môi trường tạo ra các biện pháp tạo ra lợi ích môi trường, đánh giá được hiệu quả của kinh tế môi trường.
Ngày 24/3, diễn ra Tọa đàm “Kinh tế môi trường – Xu thế phát triển tất yếu cho kinh tế Việt Nam”, do Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) và TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp tổ chức. Tham dự tọa đàm, TS Tạ Đình Thi – Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam, nhấn mạnh: Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành cơ bản nhiệm vụ về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo.
Tư duy phát triển bền vững biển xanh
Phát biểu tại buổi toạ đàm, TS Tạ Đình Thi cho biết, trong bối cảnh Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Đại hội được quán triệt, theo đó tư tưởng phát triển bền vững, phát triển kinh tế trên nền tảng khoa học công nghệ bảo đảm sự hài hòa giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng – an ninh và đối ngoại quốc tế, thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành 1 nước hùng cường.
Đề cập nội dung về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, TS Tạ Đình Thi cho rằng, Việt Nam có tài sản lớn là biển và truyền thống dựng nước, giữ nước đều từ biển. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, đường lối, cụ thể hóa và thể chế hóa về các nội dung đó.
Trên cơ sở tổng kết Nghị quyết Trung ương 4 khóa X, Nghị quyết 09 về chiến lược biển Việt Nam năm 2020, Trung ương khóa XII tại kỳ họp 8 thông qua Nghị quyết 36 về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Đây là các chủ trương chính sách lớn về biển của Việt Nam. Và cũng có thể coi là tuyên ngôn chính trị về biển, khẳng định tư tưởng đường lối của chúng ta liên quan đến sự phát triển về biển đảo”, TS Tạ Đình Thi chia sẻ.
TS Tạ Đình Thi đặt mục tiêu đến năm 2030, chúng ta cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo. Tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển ngày càng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước; đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước; đóng góp GRDP của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 – 70% GDP cả nước. Chỉ số phát triển con người (HDI) các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu của người dân sống trên các đảo…
Chia sẻ ý kiến về việc phát triển kinh tế, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – VUSTA cho hay: “Việt Nam đang có rất nhiều nỗ lực để phát triển bền vững một cách hài hòa giữa kinh tế và môi trường. Lấy ví dụ đơn giản, kinh tế tuần hoàn là việc chất thải của nhà máy này lại là nguyên liệu của nhà máy khác… Kinh tế tuần hoàn là sử dụng một cách hiệu quả, dần tiến tới không phát sinh chất thải. Cơ chế chính sách đều hướng tới phát triển bền vững”.
Kinh tế môi trường tạo ra các biện pháp để có được lợi ích về môi trường
Là người đầu tiên ở Việt Nam soạn thảo ra giáo trình môn Kinh tế Môi trường để đưa vào giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam, GS.TS Hoàng Xuân Cơ – Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Trưởng Ban nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, có những chia sẻ khái quát về vấn đề kinh tế môi trường.
Kinh tế môi trường, là một môn học mới. Trong đó, GS.TS Hoàng Xuân Cơ là người đầu tiên soạn giáo trình môn kinh tế môi trường. Hiện nay nhiều trường đã sử dụng giáo trình này. Mục tiêu nắm rõ quan hệ giữa hệ kinh tế và hệ môi trường.
Trong đó, hệ môi trường cung cấp tài nguyên cho hệ kinh tế và nó chứa đồng hóa chất thải cho nền kinh tế. Nhưng vấn đề tài nguyên là vô hạn hay hữu hạn? Và làm sao để cung cấp tài nguyên cho phát triển kinh tế, làm thế nào để vừa phát triển vừa giữ lại được cho thế hệ sau?, GS.TS Hoàng Xuân Cơ đặt vấn đề.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, đối với việc sử dụng tài nguyên, chúng ta cần có phương án cụ thể. Đối với tài nguyên tái tạo phải có phương án tận dụng, tài nguyên không tái tạo được phải nghiên cứu nguồn tài nguyên thay thế, để duy trì phát triển bền vững.
Trong kinh tế môi trường, luôn có sự bổ trợ, về kinh tế luôn sử sụng những công cụ như: Thuế, phí, trợ giá…, sau đó áp dụng sang môi trường, để quản lý. Định lượng môi trường, kinh tế môi trường tạo ra các biện pháp tạo ra lợi ích về môi trường, tính ra được những con số chi tiết về môi trường thực tế, để có những phương án điều chỉnh cho phù hợp. Từ đó đánh giá được sự hiệu quả của kinh tế môi trường.
Cần hành lang pháp lý rõ ràng
Trong 5 năm qua, năm 2017 tại Việt Nam 4 cơn bão đã càn quét và làm thiệt hại nặng về kinh tế lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng. Năm 2020, hiện tượng nắng nóng, nhiệt độ ở mức cao, 14 cơn bão, 2 cơn áp thấp, 120 trận lũ quét gây sạt lở, dông, lốc mưa đá… làm thiệt hại nhiều về người và kinh tế. Mặc dù là quốc gia nhỏ nhưng Việt Nam có tỉ lệ xả rác thải nhựa ra đại dương đứng thứ 4 thế giới với khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Ô nhiễm không khí khiến Việt Nam mất đi khoảng 5,18% GDP, ô nhiễm nguồn nước cũng có thể gây thiệt hại tới 3,5% GDP.
Theo một số nghiên cứu, trong 10 bệnh có tỉ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam, có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp và nguyên nhân đến từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Ô nhiễm không khí còn gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỉ USD mỗi năm tại Việt Nam (chiếm từ 5-7% GDP).
Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, để giải quyết những vấn đề nêu trên, cần có hành lang pháp lý rõ ràng, từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó là sự đồng hành của doanh nghiệp khi tham gia vào sự phát triển kinh tế chung của các quốc gia.
Lâm Anh