Thứ bảy, 20/04/2024 01:50 (GMT+7)
Thứ ba, 21/12/2021 10:30 (GMT+7)

Gần 5.000 xe container vì sao ùn ứ chưa từng có ở biên giới Trung Quốc?

Theo dõi KTMT trên

Theo thống kê của Sở Công Thương Lạng Sơn, lượng xe container tồn tại ở khu vực cửa khẩu này là hơn 4.598 xe. Cập nhật đến ngày 18/12, tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, hiện tồn khoảng 2.842 xe.

Tham tán Thương mại của Trung Quốc tại Việt Nam giải thích chính sách “Zero Covid” là không thể tránh khỏi ở quốc gia tỷ dân này, trong khi đó một tài xế chở hàng nhiễm Covid-19 đã góp phần dẫn tới việc 4.598 container nông sản ách tắc ở biên giới Trung Quốc.

Theo thông tin, các container chở chủ yếu là dưa hấu (Quảng Ngãi), thanh long (Bình Thuận), chuối xanh (Tiền Giang), mít (Đăk Lắk, Tiền Giang) và xoài (Bình Định).

Gần 5.000 xe container vì sao ùn ứ chưa từng có ở biên giới Trung Quốc? - Ảnh 1

Gần 5.000 xe container ùn ứ chưa từng có ở biên giới Trung Quốc.

Ở Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, 1.196 xe ùn ứ, với mặt hàng chủ yếu là nông sản, ván bóc, linh kiện điện tử. Còn cửa khẩu Chi Ma tồn 650 xe. Mặt hàng tồn chính là tinh bột sắn chiếm đến 70%, chè khô, hạt vừng, hạt sen, hạt bo bo, sa nhân.

Giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ tình trạng ùn tắc, giúp các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thông thương với phía Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thành Nam (NN&PTNT) và Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn trong buổi họp báo, chiều 20/12.

Gần 5.000 xe container vì sao ùn ứ chưa từng có ở biên giới Trung Quốc? - Ảnh 2
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thành Nam và ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tại buổi họp báo, chiều 20/12.

Nguyên nhân cuộc ùn tắc nghiêm trọng nhất từ trước đến giờ

Ông Hồ Tỏa Cẩm, tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, chia sẻ tại cuộc họp báo: "Chúng tôi nhập khẩu nông sản từ nhiều nước, trong đó nguồn hàng từ Việt Nam là rất lớn. Việc ùn ứ quy mô nhỏ, hàng năm đều có. Song chính vì Covid-19, việc ùn ứ phát sinh nghiêm trọng. Trong ấn tượng của tôi, đây là lần ùn tắc nghiêm trọng nhất".

Các nước xuất khẩu nông sản khác ít có biên giới đường bộ với Trung Quốc nhiều như Việt Nam. Hàng hóa của các quốc gia này đi bằng đường biển và đường không. Theo thông tin của đại diện Sứ quán Trung Quốc, hiện còn khoảng 2.500 xe container đang ùn ứ tại thành phố Bằng Tường, thành phố Sùng Tả, khu tự trị dân tộc Choang, thuộc tỉnh Quảng Tây của nước này. Tổng lượng xe ùn tắc ở hai bên là khoảng 6.000 xe, ông Cẩm nói.

Lý giải thêm, Tham tán Hồ Tỏa Cẩm cho biết, về chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc: "Chúng tôi có 1,4 tỷ dân, nếu sống chung với Covid-19 thì dễ vỡ trận. Chúng tôi không dám tưởng tượng đến hậu quả. Trung Quốc vẫn kiên trì chính sách này, bởi nếu sống chung với Covid-19 thì có khả năng là không kiểm soát được".

Gần 5.000 xe container vì sao ùn ứ chưa từng có ở biên giới Trung Quốc? - Ảnh 3
Ông Hồ Tỏa Cẩm, tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

“Phòng chống dịch với bất cứ ngành nghề nào ở Trung Quốc đều là trên hết. Việc ùn ứ nghiêm trọng những ngày qua một phần do tối 17/12, một tài xế Việt Nam có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Thành phố Bằng Tường đang triển khai các biện pháp phòng dịch, lưu ý tới việc tranh thủ thời gian để không làm ảnh hưởng lưu thông hàng hóa”.

Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết: "Tôi nghĩ chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã làm rất tốt, trong việc thông báo tới doanh nghiệp và các địa phương khác. Tuy nhiên, do đây đang là vụ thu hoạch nên cũng khó giải quyết triệt để. Tôi cũng lưu ý rằng sứ quán chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc các cảng biển miền Nam của Trung Quốc sẽ nghỉ 14 ngày hay 60 ngày".

Việc ùn ứ tại cửa khẩu đã gây nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản. "Hiện có 9 loại mặt hàng đã xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Số lượng này lẽ ra tăng thêm, nhưng vì dịch Covid-19, tiến trình đàm phán Nghị định thư bị đình trệ", ông Hồ Tỏa Cẩm thông tin.

Với góc nhìn của Việt Nam về nguyên nhân dẫn đến hơn 4.598 container nông sản ùn ứ thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết nguyên nhân chính là do một số doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện nghiêm quy định 5K, dẫn đến các lái xe nhiễm Covid-19 khiến phía Trung Quốc kiểm soát ngặt nghèo hơn, dẫn đến ùn tắc xe chở nông sản.

Thứ trưởng Nam khuyến nghị: “Trung Quốc thực hiện kiểm soát rất kỹ, thậm chí kiểm dịch cả hàng hóa. Do đó, tôi rất mong các doanh nghiệp thực hiện nghiêm 5K, tránh gây thiệt hại chung".

Gần 5.000 xe container vì sao ùn ứ chưa từng có ở biên giới Trung Quốc? - Ảnh 4
Một số doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện nghiêm quy định 5K. (Ảnh: Zing news)

Thứ trưởng Trần Thành Nam phân tích, 3 nguyên nhân khiến ùn tắc nông sản Việt tại cửa khẩu Trung Quốc thời gian qua mà các doanh nghiệp cần lưu ý và tìm cách tháo gỡ. Trong đó đặc biệt chú ý việc Trung Quốc đang tiếp tục duy trì thực hiện chính sách “Zero Covid”, nên đã siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên người, phương tiện và cả bao bì chứa đựng hàng hóa từ những khu vực có chính sách “sống chung với Covid-19”.

Cùng với đó, nguồn tin ngoại giao từ các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, đã nhận được công hàm từ Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) thông báo trên bao bì của một số lô hàng nông sản xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam có nhiễm virus SARS-CoV-2 ở các mức độ khác nhau, và đã có lái xe chuyên trách của Việt Nam đưa hàng qua Trung Quốc mắc Covid-19.

Vì thế, theo chính sách “Zero Covid” mà Trung Quốc đang áp dụng, phía bạn đã thắt chặt hơn một số biện pháp tăng cường kiểm tra, xét nghiệm trên phương tiện vận tải, người vận chuyển và bao bì chứa đựng hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam, dẫn đến lượng xe hàng được xuất qua Trung quốc tại một số cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn giảm (xuống còn khoảng 200-300 xe/ngày).

Trong khi đó, nhu cầu hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời điểm cuối năm thường tăng mạnh, nên dẫn tới tình trạng ứ đọng xe hàng tại các cửa khẩu.

Mặt khác, do vấn đề phát sinh ngoài kế hoạch, phía Trung Quốc thông báo 14 ngày trước và sau Tết Nguyên đán 2022, Cơ quan quản lý cửa khẩu của Trung Quốc sẽ không thực hiện thủ tục thông quan đối với hàng bảo quản lạnh, để cán bộ, công chức làm việc tại cửa khẩu cách ly và về quê ăn Tết, tạo sức ép phải hoàn thành đơn hàng trước thời điểm tạm dừng trên.

Thứ trưởng Nam phân tích thêm: “Chính vì vậy, hiện nay lượng xe hàng từ các địa phương tiếp tục chuyển lên các cửa khẩu Lạng Sơn hàng ngày đã vượt qua năng lực thông quan của phía bạn”.

Dành thêm quỹ đất, thành lập các bãi đỗ xe là giải pháp trước mắt

Xác định những nguyên nhân gây ùn ứ nông sản ở cửa khẩu, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh đã tích cực khuyến cáo tới các địa phương có hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn về tình hình và thực trạng quá tải tại các cửa khẩu, tuy nhiên chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương, doanh nghiệp để điều tiết hàng hóa xuất khẩu đưa lên biên giới.

Về các giải pháp đã tiến hành, ông Thiệu cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức điều tiết phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản, đảm bảo công khai, minh bạch theo thứ tự, xe đến trước được xuất trước.

Đặc biệt, cần ưu tiên các các mặt hàng hoa quả không bảo quản lạnh như dưa hấu, mít, xoài... kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong điều hành hoạt động thông quan xuất nhập khẩu.

Gần 5.000 xe container vì sao ùn ứ chưa từng có ở biên giới Trung Quốc? - Ảnh 5
Giải pháp trước mắt là dành thêm quỹ đất, thành lập các bãi đỗ xe, giảm áp lực về lưu lượng xe lên biên giới. (Ảnh: Zing news)

Nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu, ông Thiệu đề xuất hằng năm, Chính phủ, Bộ NN&PTNT nên tổ chức một hội nghị triển khai kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên phạm vi cả nước ngay từ đầu năm để có những phương án, giải pháp chủ động hơn cũng như những định hướng, khuyến cáo kịp thời cho bà con nông dân, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ khâu trực tiếp sản xuất, đến chế biến, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu.

Tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT sớm ký kết Nghị định thư với phía Trung Quốc về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu. Mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Song song đó, ông Thiệu cũng cho rằng, Bộ NN&PTNT cần sớm trao đổi với cơ quan chức năng của Trung Quốc thống nhất phương pháp khử khuẩn, xét nghiệm và kiểm dịch thực vật. Đồng thời, hướng dẫn việc xét nghiệm, khử khuẩn đối với hoa quả, nông sản Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo duy trì thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, bên cạnh việc nghiên cứu phương án để đưa việc giao thương với Trung Quốc thông suốt trở lại, tỉnh sẽ tiếp tục đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu.

Các địa phương cũng cần tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn các vùng sản xuất hàng hóa sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển và sớm chuyển sang xuất khẩu chính ngạch hàng hóa nông sản.

Gần 5.000 xe container vì sao ùn ứ chưa từng có ở biên giới Trung Quốc? - Ảnh 6
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.

“Người sản xuất nên thay đổi tập quán kinh doanh xuất khẩu từ phương thức truyền thống, không có hợp đồng thương mại sang phương thức hiện đại, thành lập hợp đồng với các điều khoản rõ ràng, minh bạch giữa các bên. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là những thị trường mới tiềm năng, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”.

Đồng ý với những kiến nghị và giải pháp của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị chức năng, như Sở NN&PTNT, Sở Công Thương để kết nối với Tổ công tác của Lạng Sơn, để có thông tin kịp thời.

Mặt khác, theo lời lãnh đạo Bộ NN&PTNT, quy định về số lượng xe lên cửa khẩu mỗi ngày là không khả thi vào thời điểm này. Bởi lẽ, nông sản có tính mùa vụ, và có thời gian bảo quản trong thời gian cố định. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh đã ký hợp đồng với phía Trung Quốc, trong đó có quy định cụ thể về thời gian giao, nhận hàng tại cửa khẩu.

Gần 5.000 xe container vì sao ùn ứ chưa từng có ở biên giới Trung Quốc? - Ảnh 7
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.

“Giải pháp trước mắt là tỉnh Lạng Sơn cần ứng dụng các công nghệ số, chuyển đổi số để kết nối thông tin hai chiều giữa tỉnh với doanh nghiệp sản xuất tại nhiều địa phương, đồng thời, dành thêm quỹ đất, thành lập các bãi đỗ xe, giảm áp lực về lưu lượng xe lên biên giới”.

Thứ trưởng Nam nhấn mạnh về biện pháp trước mắt: “Các cán bộ ngành nông nghiệp sẵn sàng túc trực 24/7 tại cửa khẩu, chia sẻ thông tin, dữ liệu tới các đơn vị liên quan nhằm tìm mọi biện pháp phù hợp, tăng cường giải phóng hàng ùn ứ”.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Gần 5.000 xe container vì sao ùn ứ chưa từng có ở biên giới Trung Quốc?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới