Thứ bảy, 23/11/2024 05:33 (GMT+7)
Thứ sáu, 06/08/2021 10:00 (GMT+7)

FAO: Giá lương thực thế giới liên tiếp giảm sâu

Theo dõi KTMT trên

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực toàn cầu đang có sự suy giảm, liên tiếp trong 2 tháng 6 và 7 năm 2021. Trong đó, ngũ cốc, dầu thực vật và sữa là yếu tố quan trọng khiến chỉ số giá lượng thực suy giảm.

Theo FAO, chỉ số giá lương thực trung bình trong tháng 7/2021 chỉ đạt 123,0 điểm, thấp hơn 1,2 % so với tháng trước, mặc dù vẫn cao hơn so với mức độ của nó trong cùng kỳ năm 2020 là 31,0 %. Sự sụt giảm trong tháng 7 phản ánh sự sụt giảm trong báo giá đối với hầu hết các loại ngũ cốc và dầu thực vật cũng như các sản phẩm từ sữa.

FAO: Giá lương thực thế giới liên tiếp giảm sâu - Ảnh 1
Giá lương thực toàn cầu tháng 6 và tháng 7 có sự sụt giảm liên tiếp. (Ảnh: FAO)

Chỉ số giá ngũ cốc của FAO trong tháng 7 thấp hơn 3,0% so với tháng 6, do giá ngô quốc tế giảm 6%. Nguyên nhân xuất phát từ việc sản lượng ngô ở Argentina và Mỹ được cải thiện.

Giá các loại ngũ cốc thô khác như lúa mạch và gạo cũng giảm đáng kể, phản ánh nhu cầu nhập khẩu giảm đi. Tuy nhiên, báo giá lúa mì tăng 1,8% trong tháng 7 - đạt mức cao nhất kể từ giữa năm 2014 đến nay- một phần do sự lo ngại về điều kiện thời tiết khô hạn và mùa màng ở Bắc Mỹ. Đồng thời, giá gạo quốc tế cũng xuống mức thấp nhất trong hai năm, do tác động của biến động tiền tệ và tốc độ bán hàng chậm, chi phí vận chuyển cao cũng như các rào cản khác.

Chỉ số giá sữa FAO trong tháng 7 giảm 2,8% so với tháng 6 do hoạt động thị trường ở Bắc bán cầu chậm hơn.

Chỉ số giá dầu thực vật tụt xuống mức thấp nhất trong 5 tháng, giảm 1,4% so với tháng 6, xuất phát từ việc giá đậu nành, dầu cải và dầu hạt hướng dương thấp hơn bù đắp cho giá dầu cọ tăng.

Ngược lại, chỉ số giá đường FAO tăng 1,7% trong tháng 7, mức tăng thứ tư qua các tháng.

Chỉ số giá thịt của FAO tăng nhẹ so với tháng 6, trong đó báo giá thịt gia cầm tăng mạnh nhất do nhập khẩu tăng ở Đông Á và hạn chế mở rộng sản xuất ở một số khu vực. Giá thịt trâu bò cũng tăng lên nhờ nhập khẩu cao từ Trung Quốc và nguồn cung từ các khu vực sản xuất chính giảm. Trong khi đó, giá lợn thịt giảm, một phần từ sự sụt giảm nhập khẩu của Trung Quốc.

Như vậy, trong hai tháng liên tiếp, tháng 6 và tháng 7/2021, giá lương thực thế giới đang có xu hướng giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các nước xuất khẩu các mặt hàng này.

Nguyên Đỗ

Bạn đang đọc bài viết FAO: Giá lương thực thế giới liên tiếp giảm sâu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới