Eco Lake View: Sân golf thiếu an toàn, phường xử phạt... 3 triệu đồng
Để bóng lọt lưới rơi trúng đầu người dân, chủ đầu tư sân golf Eco Lake View số 32 Đại Từ, Hà Nội vừa bị UBND phường Đại Kim xử phạt 3 triệu đồng.
Sau nhiều lần để bóng lọt lưới rơi trúng đầu nhiều người dân, gây mất an toàn, chủ đầu tư sân golf Ecolake View vừa chính thức bị UBND Phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) xử phạt hành chính mức 3 triệu đồng. Tuy nhiên, theo nhiều cư dân tại đây, mức phạt này vẫn còn quá nhẹ so với việc gây mất an toàn đối với cuộc sống của họ tại đây.
Thông tin về việc xử phạt chủ đầu tư sân golf Ecolake View 3 triệu đồng được bà Nguyễn Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim, xác nhận với báo chí ngày 9/5. Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim cũng khẳng định, hiện tại sân golf vẫn đang bị tạm dừng hoạt động.
Tuy nhiên, xác minh tại cơ sở, chúng tôi được biết, sau sự việc để bóng rơi trúng đầu bé trai 2 tuổi, trước phản ánh của cư dân và báo chí, sân golf Eco Lake View chỉ đóng cửa trong vòng 3 ngày. Theo ghi nhận của PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, sân golf này hoạt động trở lại vào ngày 4/5, ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Liên quan đến mức phạt của UBND phường Đại Kim đối với hoạt động không an toàn tại sân golf Eco Lake View, theo các cư dân tại đây, mức phạt này quá nhẹ so với vi phạm của chủ đầu tư.
“Điều quan trọng là việc sửa chữa mạng lưới sân golf để đảm bảo an toàn cho người dân và các cam kết để không xảy ra tình trạng bóng lọt lưới thì cả chủ đầu tư và UBND phường vẫn chưa có bất kỳ thông báo nào đến các cư dân. Thông tin về sự việc chúng tôi đều phải cập nhật từ báo chí chứ không nhận được một thông báo chính thức nào”, anh Đ.N - cư dân sống tại Eco Lake View, anh Đ.N., bố của bé trai 2 tuổi bị bóng golf rơi trúng đầu mới đây cho biết.
Cũng theo anh Đ.N., về sự việc con trai bị bóng rơi trúng đầu gây tổn thương, cho đến thời điểm này, chủ đầu tư vẫn không hề có bất kỳ động thái nào đối với gia đình anh.
“Họ cũng không hỏi thăm hay quan tâm gì đến con tôi. Vì quá bức xúc về thái độ của chủ đầu tư sân golf, tôi đã gửi đơn kiến nghị đến UBND phường Đại Kim yều cầu giải quyết, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi gì”, anh Đ.N xác nhận với PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường.
Trước đó, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã đăng tải bài viết: "Chung cư Eco Lake View: Người dân hoảng loạn vì sân golf hoạt động trong khu dân cư". Bài viết phản ánh: Thời gian qua, cư dân sinh sống tại chung cư Eco Lake View liên tục chứng kiến bóng tại sân golf lọt lưới và rơi trúng người đi đường. Ngoài ra, bóng golf còn rơi vào nhà dân, hàng quán hoạt động gần đó.
Điều đáng nói, trước đó, tình trạng này xảy ra rất nhiều lần nhưng chủ đầu tư sân golf luôn có thái độ né tránh. UBND phường Đại Kim cũng chưa từng đưa ra việc xử lý vi phạm đối với chủ đầu tư sân golf về các hoạt động gây mất an toàn cho đến khi xảy ra vụ việc 1 bé trai 2 tuổi bị bóng golf rơi trúng đầu vào ngày 24/4 vừa qua.
Sân golf Eco Lake View nằm ngay trong khuôn viên Khu chung cư Eco Lake View, một dự án của Công ty cổ phần Ecoland. Nhiều năm trước, khi dự án này chuẩn bị được khởi công xây dựng, tại vị trí khuôn viên sân golf ngày nay vẫn được chủ đầu tư quảng cáo là một công viên rộng lớn. Điều này đã thu hút nhiều khách hàng xuống tiền để mua căn hộ tại đây với hi vọng sẽ có một không gian sống rộng rãi, thoáng đẹp.
Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư đã thay đổi thiết kế và sân golf Eco Lake đã ra đời từ đó. Được xem là sản phẩm đầu tay của Ecoland, tuy nhiên Eco Lake View từng dính nhiều lum xùm liên quan đến việc “ăn chặn” diện tích căn hộ của người dân cùng nhiều bất cập về phí quản lý vận hành và phí gửi xe ôtô, xe máy.
Theo ý kiến của cư dân tại đây, việc sân golf hoạt động trong thời gian dài với tần suất quá đông đã gây ra tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông trong nội bộ khu chung cư. Việc lưới sân golf mất an toàn, để xảy ra tình trạng bóng bị lọt ra ngoài rơi trúng vào người càng cho thấy độ nguy hiểm đã ở mức cảnh báo cao, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.
Hiện nay, do sân golf nằm trong khu dân cư, ngay sát khu vực nhiều người dân thường xuyên đi bộ, tập thể dục, nên tình trạng này càng gây hoang mang, bức xúc. Sự việc đã được người dân nhiều lần phản ánh, tuy nhiên tính đến thời điểm này, ban quản lý tòa nhà Eco Lake View và chủ đầu tư sân golf vẫn chưa có bất kỳ một phản hồi chính thức nào về vụ việc.
Dự án sân gôn không được làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, môi trường, các nguồn tài nguyên thiên nhiên...
Tại khoản 2, Điều 3- Nghị định số 52/2020/NĐ-CP ngày 27/4/2020 về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf (có hiệu lực từ ngày 15/6/2020) có quy định: Việc thực hiện Dự án sân gôn không được làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, môi trường, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, an sinh xã hội của người bị thu hồi đất để xây dựng sân gôn.
Ngoài ra, khoản 3, Điều 3- Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf cũng quy định rõ: Đất sử dụng để xây dựng sân gôn phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; đáp ứng các điều kiện, thủ tục theo quy định tại Nghị định này, pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, môi trường và pháp luật có liên quan.
Nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf cũng quy định rõ cáct hành vi trong hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf.
Theo đó, Nghị định 52/2020/NĐ-CP quy định 4 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf như: Xây dựng và kinh doanh sân golf khi chưa đáp ứng điều kiện, thủ tục quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan; Lợi dụng kinh doanh sân golf để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc, gá bạc trái phép; Cản trở hoặc không chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Không cung cấp thông tin hoặc không báo cáo khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Nghị định 52/2020/NĐ-CP cũng quy định điều kiện sử dụng đất để thực hiện Dự án sân golf. Theo đó, các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf gồm: Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất rừng, đất trồng lúa; đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, di tích thuộc danh mục kiểm kê của UBND cấp tỉnh; đất xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao; đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Luật Đê điều, Luật Tài nguyên, môi trường và hải đảo.
Nghị định 52/2020/NĐ-CP quy định nhà đầu tư chỉ được triển khai thực hiện Dự án sân golf sau khi có quyết định chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với Dự án thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư); Hoàn thành các thủ tục về đất đai, xây dựng, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án sân golf, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo, giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Điều kiện, thủ tục điều chỉnh, chấm dứt hoạt động của Dự án sân golf thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật có liên quan và Nghị định này.
Chính phủ quy định, UBND cấp tỉnh, cơ quan đăng ký đầu tư, các cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện chế độ giám sát, đánh giá việc thực hiện Dự án sân golf theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan. Việc kiểm tra, thanh tra Dự án sân golf thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra...
Đào Bích