Thứ sáu, 03/05/2024 13:34 (GMT+7)
Thứ bảy, 26/03/2022 12:00 (GMT+7)

Đức và Qatar có thay thế Nga cung cấp khí đốt cho thị trường châu Âu?

Theo dõi KTMT trên

Hiện Nga cung cấp khoảng 30-40% tổng lượng khí đốt cho thị trường châu Âu, việc Qatar có thể thay Nga đảm bảo nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu là "bất khả thi". Còn Đức quyết tâm “cai nghiện” hoàn toàn khí đốt Nga vào năm 2024.

Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho Châu Âu

Theo thông tin cho biết, trả lời phỏng vấn ngày 25/3, ông Saad al-Kaabi hiện cũng là Giám đốc điều hành Tập đoàn Năng lượng thuộc sở hữu nhà nước QatarEnergy khẳng định, Qatar sẽ không đứng về phía nào trong cuộc xung đột Ukraine, đồng thời không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu khí của Nga.

Đức và Qatar có thay thế Nga cung cấp khí đốt cho thị trường châu Âu? - Ảnh 1
Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho Châu Âu, đáp ứng gần 40% nhu cầu của lục địa này. (Ảnh: Bloomberg)

“Năng lượng nên đứng ngoài lĩnh vực chính trị”, Bộ trưởng Năng lượng Qatar nhấn mạnh. Qatar hiện là một trong những nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.

Trước đó, phát biểu với báo giới bên lề Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt diễn ra tại thủ đô Doha của Qatar hồi cuối tháng 2, ông al-Kaabi cho biết: “Hầu hết nguồn cung LNG đều được gắn với các hợp đồng dài hạn, chủ yếu là cho các khách hàng châu Á, nên việc chuyển hướng sang châu Âu chỉ có thể ở mức từ 10-15%. Để thay thế khối lượng khổng lồ mà Nga cung cấp một cách nhanh chóng là điều gần như không thể”.

Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài khi giá khí đốt đã tăng vọt trong những tháng gần đây do lượng dự trữ thấp và nhu cầu phục hồi sau đại dịch tăng cao. Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là sản xuất điện gió, lại cho hiệu quả thấp.

Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu. Dù vậy, lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga sang châu Âu bắt đầu giảm từ giữa năm 2021 và giảm mạnh hơn từ đầu năm 2022 trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phuơng Tây đang leo thang mạnh mẽ.

Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga ngay từ năm nay và dự kiến sẽ “cai nghiện” hoàn toàn dòng năng lượng từ quốc gia này vào năm 2027.

Để đạt mục tiêu này, Ủy ban châu Âu (EC) đã bắt đầu đàm phán với các nước sản xuất năng lượng chính như Na Uy, Qatar, Algeria; đồng thời đạt thỏa thuận với Mỹ về việc tăng cường cung cấp LNG cho EU.

Trong ngày 25/3, Mỹ và EU công bố thỏa thuận cung cấp LNG, theo đó, hai bên sẽ thành lập một lực lượng đặc trách về an ninh năng lượng do đại diện của Nhà trắng và đại diện của Chủ tịch EC điều hành.

Lực lượng đặc trách này sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh năng lượng cho Ukraine và EU; đồng thời hỗ trợ EU đạt mục tiêu chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Như vậy, trong năm nay, Mỹ sẽ cung cấp thêm cho EU 15 tỷ m3 LNG. Nhà Trắng cho biết sẽ nỗ lực đảm bảo nhu cầu về khí đốt tự nhiên ít nhất đến năm 2030 cho EU với khối lượng 50 tỷ m3/năm.

Đức quyết tâm ‘cai nghiện’ hoàn toàn khí đốt Nga vào năm 2024

Mặt khác, Đức lên kế hoạch nhanh chóng chấm dứt việc mua dầu và than của Nga trong năm nay và gần như ngừng hoàn toàn nhập khẩu khí đốt của Nga vào giữa năm 2024, theo tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck.

Phát biểu trong buổi gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels (Bỉ), ông Habeck nhắc lại lập trường trước đó của Đức rằng không thể lập tức thực hiện lệnh cấm vận với năng lượng Nga xét trên những thiệt hại mà nó sẽ gây ra cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Đức và Qatar có thay thế Nga cung cấp khí đốt cho thị trường châu Âu? - Ảnh 2
Đức quyết tâm “cai nghiện” hoàn toàn khí đốt Nga vào năm 2024.

Ông Habeck nói: “Trong những tuần gần đây, chúng tôi đã tích cực làm việc cùng với tất cả các bên liên quan để nhập khẩu ít nhiên liệu hóa thạch hơn từ Nga và tìm nguồn cung trên phạm vi rộng hơn. Các cột mốc quan trọng đầu tiên đã đạt được để giải phóng chúng ta khỏi sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu Nga”.

Đức muốn giảm một nửa nhập khẩu dầu của Nga vào giữa năm nay và “gần như độc lập” vào cuối năm 2022, đồng thời hoàn toàn nhừng nhập khẩu than của Nga vào mùa Thu, ông Habeck cho hay.

Đông thời, vị bộ trưởng cho biết thêm: “Các công ty có hợp đồng hết hạn với các nhà cung cấp của Nga sẽ không gia hạn và gấp rút chuyển sang các nhà cung cấp khác”.

Cũng theo ông Habeck, việc cắt giảm sự phụ thuộc của Đức vào khí đốt của Nga là khó khăn hơn cả. Trong đó, việc mở rộng năng lượng tái tạo, giảm nhu cầu, đa dạng hóa nhà cung cấp và tăng cường sản xuất hydro sạch đều là những yếu tố cần thiết.

Bộ trưởng Kinh tế Đức nhấn mạnh thêm: “Ngay cả khi chúng ta ít phụ thuộc hơn vào hàng nhập khẩu của Nga, thì vẫn còn quá sớm cho một lệnh cấm vận năng lượng vào thời điểm này. Hậu quả kinh tế và xã hội sẽ còn quá nghiêm trọng. Nhưng mọi hợp đồng cung cấp bị chấm dứt đều gây hại cho ông Putin”.

“Người ta luôn cho rằng sẽ mất 5-7 năm (để chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga), nhưng chúng tôi dự kiến ​​sẽ thực hiện điều này vào năm 2024, sớm nhất là vào mùa hè”, ông Habeck tuyên bố.

Theo thống kê cho thấy, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Đức đã giảm mức nhập khẩu than của Nga từ 50% xuống 25%, nhập khẩu dầu từ 35% xuống 25% và khí đốt từ 55% xuống 40%.

Ở động thái liên quan, Mỹ và EU vừa thông báo một thỏa thuận lớn về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga.

Theo thỏa thuận này, Mỹ sẽ cung cấp cho EU ít nhất 15 tỷ mét khối nhiên liệu bổ sung - hay khí tự nhiên hóa lỏng vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi cho rằng hiện Nga cung cấp khoảng 30%-40% tổng lượng khí đốt cho thị trường châu Âu, việc Qatar có thể thay Nga đảm bảo nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu là "bất khả thi".

Mặt khác, Đức lên kế hoạch nhanh chóng chấm dứt việc mua dầu và than của Nga trong năm nay và gần như ngừng hoàn toàn nhập khẩu khí đốt của Nga vào giữa năm 2024, theo tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Đức và Qatar có thay thế Nga cung cấp khí đốt cho thị trường châu Âu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới